Multimedia Đọc Báo in

Cộng đồng quốc tế cần đoàn kết chống dịch Covid-19

10:35, 03/04/2020

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres ngày 31-3 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết và hợp tác trên các mặt trận kinh tế - xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Trong báo cáo về những tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội, ông Guterres cho rằng thế giới đang đối mặt với thử thách chưa từng có; do đó thế giới cần ứng phó quyết đoán theo phương thức mới và cùng đẩy lùi sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2. Cuộc khủng hoảng này yêu cầu các chính sách và hành động sáng tạo, quyết liệt và phối hợp từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới, với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật dành cho các quốc gia kém phát triển cũng như các nước đối mặt với nhiều nguy cơ.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh ba ưu tiên trong kế hoạch hành động để đối phó với Covid-19: “Một là ngăn chặn sự lây lan nhanh trong cộng đồng với việc các quốc gia phát triển phải ngay lập tức giúp đỡ các nước kém phát triển tăng cường hệ thống y tế, cũng như khả năng thích ứng của họ đối với đại dịch. Thứ hai là đảm bảo mạng sống cũng như cuộc sống của người dân trong đại dịch. Liên hiệp quốc đang thiết lập một quỹ để giúp đỡ những nước nghèo và có thu nhập thấp đối phó với các vấn đề khẩn cấp và khôi phục sau đại dịch. Thứ ba là rút kinh nghiệm từ bài học khủng hoảng này để xây dựng một phản ứng tốt hơn cho sau này, với việc xây dựng một nền kinh tế và xã hội bền vững, toàn diện để có thể đối phó với mọi thách thức”.

Lực lượng phòng vệ quốc gia của quân đội Mỹ dựng các bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân  nhiễm Covid-19.   Ảnh: AFP/TTXVN
Lực lượng phòng vệ quốc gia của quân đội Mỹ dựng các bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong báo cáo mới này, Liên hiệp quốc cũng chỉ ra những con số đáng lo ngại do dịch Covid-19 có thể gây ra đối với toàn cầu. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết sẽ có 25 triệu người trên thế giới bị mất việc làm và thế giới sẽ thiệt hại khoảng 860 tỷ đến 3.400 tỷ USD thu nhập lao động. Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo áp lực đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu giảm 30 - 40%, trong khi Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết đã giảm 20% - 30% lượng khách quốc tế. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) cũng dự báo sẽ có 1,5 tỷ học sinh phải nghỉ học do Covid-19. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc cho rằng, không còn nhiều thời gian để hành động. Hiệu quả sẽ được thể hiện thông qua mức độ phối hợp toàn cầu chứ không phải của cá nhân một nước riêng lẻ nào.

Chuyên gia nhân quyền của Liên hiệp quốc ngày 31-3 đã kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế hiện áp đặt với nhiều nước, trong đó có Iran, Triều Tiên, để các nước này có thể đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát. Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc - bà Hilal Elver nêu rõ việc tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Syria, Venezuela, Iran, Triều Tiên, Cuba, cũng như đối với Zimbabwe ở mức độ thấp hơn, đang làm suy yếu nghiêm trọng quyền cơ bản được đáp ứng thực phẩm đầy đủ của người dân các nước này. Bà Elver nhấn mạnh đây là vấn đề nhân đạo khẩn cấp và cần phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương ngay lập tức.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh điều mà thế giới cần ở thời điểm hiện tại là sự đoàn kết bởi đoàn kết giúp chúng ta đánh bại dịch bệnh và xây dựng thế giới tốt đẹp hơn.

Cũng trong ngày 31-3, Pháp, Đức và Anh đã xuất khẩu hàng hóa y tế sang Iran trong giao dịch đầu tiên được thực hiện theo cơ chế thương mại được thiết lập để trao đổi hàng hóa và thực phẩm nhân đạo sau khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến diễn ra ngày 26-3, lãnh đạo các nước G20 đã thể hiện sự đoàn kết, nhất trí trong việc triển khai mọi nguồn lực cần thiết để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Theo đó, G20 khẳng định sẽ đảm bảo nguồn cung các trang thiết bị y tế cùng nhu yếu phẩm cần thiết xuyên biên giới, cũng như ngăn chặn khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh những nỗ lực ngăn chặn đại dịch Covid-19, các nước G20 cũng đưa ra những cam kết về kinh tế với tổng trị giá lên đến 5.000 tỷ USD cùng các giải pháp đảm bảo tính thanh khoản trên quy mô lớn nhằm giải cứu nền kinh tế toàn cầu trước tác động của đại dịch Covid-19. Các nhà lãnh đạo G20 cũng cam kết sẽ sớm lấp đầy khoản thiếu hụt tài chính chi cho các kế hoạch ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như sẵn sàng chia sẻ các dữ liệu về dịch bệnh và các biện pháp ứng phó về dịch bệnh trên toàn cầu.

Chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới trung tâm y tế ở Brooklyn, New York, Mỹ.  Ảnh: THX/TTXVN
Chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới trung tâm y tế ở Brooklyn, New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 1-4, các quan chức cao cấp ASEAN - Mỹ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến liên ngành nhằm thúc đẩy phối hợp và hợp tác giữa Mỹ và ASEAN trong ứng phó với dịch Covid-19 và các thách thức y tế công cộng.

Tại hội nghị này, các nước ASEAN và Mỹ đã chia sẻ thông tin cập nhật về tình hình và các biện pháp đang được triển khai của mỗi bên để kiểm soát và ngăn chặn dịch Covid-19. Hai bên thống nhất sẽ tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi nghiên cứu khoa học trong kiểm soát, ngăn chặn lây nhiễm và điều trị các ca bệnh, tiếp tục duy trì trao đổi và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan của cả hai bên ở cả cấp cao và cấp làm việc trong thời gian tới. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục các biện pháp đảm bảo an toàn cho công dân của nhau bị tác động bởi dịch bệnh; đồng thời tích cực phối hợp thúc đẩy các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội của dịch bệnh, duy trì thị trường mở, ổn định trao đổi thương mại, dịch vụ và đầu tư, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, nhất là các vật tư y tế.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.