Multimedia Đọc Báo in

"Cơn địa chấn" Covid-19 trên nước Mỹ

09:30, 10/04/2020
Dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng đã tác động tiêu cực đến tất cả các mặt đời sống xã hội của nước Mỹ, đặc biệt là tới nền kinh tế số một thế giới này.

Mỹ đang dẫn đầu số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu và cũng là một trong những quốc gia ghi nhận nhiều bệnh nhân tử vong nhất. Ngày 5-4, trước khi bước sang "tuần đau thương" thứ hai của nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo rằng "sẽ có rất nhiều người chết" vì dịch bệnh này. Hầu hết nước Mỹ đều đặt dưới lệnh hạn chế đi lại khi mọi người được yêu cầu ở nhà và chỉ ra ngoài khi có những lý do cần thiết. Tất cả 50 bang của nước Mỹ, thủ đô Washington DC và các lãnh thổ khác của Mỹ đều ghi nhận các ca mắc Covid-19. Trong khi đó, các nhân viên cứu hộ khẩn cấp và các nhân viên y tế đều thiếu nguồn lực, các trang thiết bị cũng như phải làm việc trong tình trạng như thời chiến.

Ngày 6-4, Giám đốc điều hành Ngân hàng JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon nhận định Mỹ đang tiến vào “cuộc suy thoái tồi tệ” trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ khiến ngân hàng này bị thiệt hại tín dụng hàng tỷ USD.

Một khu vui chơi ở New York, Mỹ đóng cửa do dịch Covid-19.
Một khu vui chơi ở New York, Mỹ đóng cửa do dịch Covid-19.

Trong thư gửi cho các cổ đông của ngân hàng JPMorgan Chase, ông Dimon cảnh báo rằng hệ thống tài chính của Mỹ sẽ phải đối mặt với mức độ căng thẳng giống như cuộc khủng hoảng năm 2007 - 2008 khiến nền kinh tế toàn cầu bị “trật bánh”. Ông Dimon cho biết, dự trữ vốn cũng như doanh thu khổng lồ năm 2019 của ngân hàng JPMorgan Chase là 48 tỷ USD trước thuế sẽ giúp ngân hàng lớn nhất quốc gia này vượt qua được cuộc khủng hoảng và giúp các khách hàng chưa phải thanh toán các khoản thế chấp và các khoản vay nợ trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, theo ông Dimon, suy thoái kinh tế do dịch Covid-19 gây ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của ngân hàng trong năm 2020.

Cảnh báo của ông Dimon được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng gây tổn hại sâu rộng đối với nền kinh tế khi hàng triệu người Mỹ phải nghỉ việc, trong khi các doanh nghiệp phải đóng cửa. Bộ Lao động Mỹ cho biết tháng 3-2020 là tháng thị trường việc làm ghi nhận số người lao động mất việc cao nhất kể từ tháng 3-2009 - thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ở giai đoạn trầm trọng nhất. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng này cũng tăng ở mức cao nhất (4,4%) tính theo tháng trong hơn 45 năm qua.

Theo báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ, có khoảng 701.000 người Mỹ mất việc làm trong tháng 3 vừa qua sau khi nhiều nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, hàng không... phải ngừng hoạt động do tác động của dịch Covid-19 và đã có hơn 10 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong hai tuần cuối cùng của tháng 3, con số kỷ lục về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

Quang cảnh ảm đạm bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ.
Quang cảnh ảm đạm bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ.

Các dịch vụ lưu trú và vui chơi, giải trí là những lĩnh vực đầu tiên chịu tác động của các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, với 459.000 việc làm bị “bốc hơi”. Các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và kinh doanh cũng hứng chịu tổn thất lớn. Bộ Lao động Mỹ dự đoán tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới 15% vào cuối tháng 5.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong quý II năm 2020 sẽ vượt 10%, cao hơn đáng kể so với dự báo hiện tại của cơ quan này là 3,5%. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng nền kinh tế Mỹ bị tàn phá ở mức độ của một cuộc đại suy thoái.

Một loạt ngân hàng và chuyên gia kinh tế dự báo Mỹ sẽ rơi vào khủng hoảng hoặc đã ở trong tình trạng suy thoái do dịch Covid-19 khi các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng đang bị hạn chế.

Ngân hàng Credit Suisse cũng đưa ra dự báo về mức giảm GDP kỷ lục của Mỹ trong quý II ở mức 33,5%, đây là mức suy giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1945 và cho thấy tác động rõ ràng của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng như các nhà lập pháp đã nhanh chóng đưa ra 3 dự luật hỗ trợ kinh tế - gồm dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các cơ quan y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, dự luật thứ hai trị giá 104 tỷ USD nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng và dự luật thứ 3 trị giá 2,2 nghìn tỷ USD là dự luật lớn nhất trong lịch sử của Mỹ cũng đã được thông qua nhằm hỗ trợ trực tiếp người dân Mỹ. Tuy nhiên, dự báo của Credit Suisse cũng cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và các ngành công nghiệp đang phải vật lộn với tình trạng gián đoạn kinh tế do dịch Covid-19 gây ra, GDP của Mỹ trong cả năm 2020 sẽ giảm 5,3%, cao hơn mức sụt giảm 2,8% trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng đang đặt ra những thách thức mới cho an ninh quốc gia của Mỹ.

Trong một bản tin tình báo hôm 7-4, giới chức an ninh quốc gia Mỹ cảnh báo rằng các nhóm cực đoan đang lợi dụng đại dịch Covid-19 để kích động bạo lực và các hoạt động phân biệt chủng tộc cũng như chống đối Chính phủ Mỹ. Theo bản tin tình báo này, các không gian thiết yếu cho cuộc chiến chống Covid-19 như bệnh viện, cửa hàng thực phẩm có thể là mục tiêu cho bạo lực cực đoan. Các nhân viên cảnh sát thực hiện mệnh lệnh về người dân cách ly tại nhà cũng có thể là mục tiêu cho các phần tử cực đoan.

Những ngày gần đây Mỹ đã phải chứng kiến một số âm mưu cực đoan, như vụ một kỹ sư tàu hỏa ở California âm mưu làm chệch ray tàu hỏa gần một một tàu bệnh viện của hải quân Mỹ và một nam giới ở Missouri đã âm mưu kích nổ bom trong ô tô đậu gần một bệnh viện điều trị các bệnh nhân Covid-19. Đã có sự gia tăng các vụ tấn công nhằm vào người châu Á ở Mỹ sau khi dịch Covid-19 khởi phát ở Trung Quốc.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.