Multimedia Đọc Báo in

Đại dịch Covid-19 thách thức sự đoàn kết của châu Âu

08:59, 22/03/2020

“Châu Âu hoảng loạn”, “châu Âu tê liệt”, “các nước chạy đua phong tỏa”, “Pháp đang trong tình trạng chiến tranh với Covid-19”… là những gì mà người ta chứng kiến trên khắp các phương tiện truyền thông những ngày qua.

Mỗi ngày, lại thêm một vài giải pháp của các nước châu Âu đưa ra để ứng phó với dịch Covid-19 đang tiến sâu vào ngõ ngách từng quốc gia.

Có thể nói, từ khi dịch bùng phát tại Italy cách đây vài tuần và bắt đầu lan rộng ra toàn bộ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) thì khối này đã phản ứng tương đối bị động. Đã có rất nhiều cuộc họp của các Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Tài chính nhưng trong toàn bộ khoảng thời gian này Ủy ban châu Âu hay Hội đồng châu Âu không hề có một quyết sách đáng chú ý nào trong việc ngăn chặn dịch Covid-19.

Các quyết định đáng kể nhất lại liên quan đến vấn đề tài chính, khi EU tung ra một quỹ đầu tư lên tới 37 tỷ euro để cứu trợ khẩn cấp các nước thành viên, đồng thời nới lỏng toàn bộ các quy định về kỷ luật ngân sách, cho phép tất cả các nước thành viên đưa ra mọi biện pháp cần thiết để cứu nền kinh tế. Hay việc EU chi ra khoảng 140 triệu euro để tài trợ các nghiên cứu tìm ra vắc xin phòng chống Covid-19. Đây đều là các chính sách rất quan trọng để giữ cho các nền kinh tế thành viên không sụp đổ, tuy nhiên trong bối cảnh dịch lây lan quá nhanh và quá mạnh, dư luận châu Âu chờ đợi một quyết sách quyết liệt hơn, đồng bộ hơn của tất cả các nước với vai trò kết nối để trước hết là ngăn dịch bùng phát quá mạnh.

Kệ hàng hóa trống trơn trong siêu thị ở London, Anh ngày 15-3 khi dịch Covid-19 lan rộng.
Kệ hàng hóa trống trơn trong siêu thị ở London, Anh ngày 15-3 khi dịch Covid-19 lan rộng.

Ở đây có một nguyên nhân khách quan, đó là khi dịch Covid-19 bùng nổ tại tất cả các nước châu Âu hiện nay thì mỗi nước có các chiến lược riêng để ngăn chặn, tùy vào mức độ nghiêm trọng của dịch tại nước mình. Các nước như Italy, Tây Ban Nha hay Pháp buộc phải phong tỏa khi dịch bùng phát quá mạnh nhưng các nước này phải đến khi rất nghiêm trọng thì mới đóng cửa biên giới. Nhưng có những nước như Séc, Áo hay Hungary lại sớm đóng cửa biên giới dù mức độ nghiêm trọng chưa quá cao như Italy hay Tây Ban Nha.

Việc không có các giải pháp thống nhất giữa các nước EU trong chống dịch Covid-19 trước hết có hai ảnh hưởng lớn. Thứ nhất, vì EU là một khối các quốc gia có biên giới mở nhờ Hiệp ước Schengen nên việc di chuyển giữa các nước này không hề có bất cứ sự kiểm soát nào. Trong thời điểm đại dịch thì đây là một rủi ro cực kỳ lớn bởi việc tự do di chuyển đồng nghĩa với việc tự do phát tán mầm bệnh từ các vùng dịch đến khắp các vùng khác. Châu Âu rơi vào hoàn cảnh như hiện nay chính là vì điều này. Những người nhiễm bệnh từ Italy, từ Pháp, từ Anh đã đi khắp nơi mà không bị kiểm soát khiến dịch xuất hiện tại toàn bộ các quốc gia thành viên EU. Cần nhắc lại rằng cách đây gần một tháng, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại châu Âu chỉ khoảng 100 người. Một số nước như Pháp, Đức chỉ có khoảng hơn 10 bệnh nhân và hầu như tất cả đều đã điều trị xong. Bây giờ thì con số đó đã tăng gấp mấy trăm lần, đó là một sự bùng phát khủng khiếp.

Ảnh hưởng lớn thứ hai khi các nước EU bất đồng, đó là không thể đoàn kết trợ giúp lẫn nhau. Ví dụ rõ nhất là việc trong hai tuần qua Italy đã kêu cứu các nước EU viện trợ hoặc cung cấp khẩn cấp các mặt hàng khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế nhưng hầu như không một nước nào đáp ứng. Trước đó thì nhiều nước như Đức, Pháp đã quyết định cấm xuất khẩu các mặt hàng này vì lo ngại dịch sẽ bùng phát tại nước mình. Chỉ đến khi Ủy ban châu Âu ra sức ép thì Đức mới chấp nhận chuyển cho Italy 1 triệu khẩu trang. Hiện nay khi dịch Covid-19 đã ở mức độ nghiêm trọng trên toàn châu Âu thì các biện pháp tương trợ nhau giữa các nước sẽ là cực kỳ cần thiết.

Trong giải pháp mới nhất, EU đã quyết định đóng cửa toàn bộ biên giới trên bộ, trên biển và trên không của khối này trong vòng 30 ngày; thống nhất nới lỏng quy định cho phép xuất khẩu thiết bị y tế trong nội bộ EU, đồng thời tất cả các nước sẽ xây dựng kế hoạch chung để mua sắm trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ. Bên cạnh đó, EU cũng tiếp tục phối hợp tài trợ cho các công tác nghiên cứu vắc xin.

Thủ tướng Italy ngày 17-3 tuyên bố vi rút SARS-CoV-2 đang gây nên "cơn sóng thần kinh tế - xã hội" khi các nhà lãnh đạo châu Âu đều nhất trí đóng cửa biên giới bên ngoài, tuy nhiên nhiều quốc gia đã phá vỡ sự thống nhất này khi tự áp đặt những giới hạn biên giới của riêng mình. Căng thẳng về biên giới là vấn đề đang diễn ra khắp EU khi 3 quốc gia vùng Baltic là Lithuania, Latvia and Estonia đã chỉ trích Ba Lan vì ngăn không cho công dân của họ quá cảnh để về nước. Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha ngày 17-3 đã thông báo rằng họ sẽ đưa ra các biện pháp kiểm soát ở biên giới bên trong của EU. Thụy Sĩ cũng sẽ thắt chặt các biện pháp kiểm soát tại biên giới với Đức, Áo và Pháp.

Ủy ban châu Âu đã cảnh báo các nước thành viên rằng hiện nay chỉ là thời điểm khởi đầu của cuộc khủng hoảng và Đức cho biết dịch bệnh này sẽ kéo dài "trong vài tháng thay vì vài tuần". Người đứng đầu nhóm Eurogroup, kiêm Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha ông Mario Centeno cảnh báo trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 hiện nay, kinh tế châu Âu đang trải qua thời kỳ như chiến tranh và cuộc chiến lâu dài vẫn ở phía trước. Do đó, những biện pháp hiện nay mà các nước châu Âu đưa ra nhằm ứng phó với dịch chỉ là tạm thời trong một cuộc chiến lâu dài.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.