Multimedia Đọc Báo in

Trong nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu: Mỹ trở thành "người ngoài cuộc"

07:11, 09/11/2019

Sau hơn 2 năm bóng gió về khả năng Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Tổng thống Donald Trump đã chính thức khởi động tiến trình này, biến Mỹ từ một nước từng giữ vai trò đầu tàu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu trở thành “người ngoài cuộc” trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế cứu “Hành tinh Xanh”.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4-11 đã trình thư lên Liên hiệp quốc thông báo quyết định rút khỏi Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, viện dẫn “gánh nặng kinh tế không công bằng đối với người lao động, doanh nghiệp và người nộp thuế ở Mỹ do các cam kết mà Mỹ đưa ra”. Động thái này chính thức khởi động tiến trình đưa Mỹ rời khỏi thỏa thuận khí hậu lịch sử này, vốn sẽ hoàn tất vào ngày 4-11-2020, tức là một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Đằng sau những tính toán về lợi ích kinh tế, quyết định của ông Trump rõ ràng xuất phát từ mục tiêu chính trị và việc chính thức khởi động tiến trình rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris vào thời điểm này có thể coi như bước đi hướng tới cuộc bầu cử năm 2020.

Trẻ em chơi dưới vòi nước để tránh nóng bức tại công viên thành phố Los Angeles, bang California (Mỹ).
Trẻ em chơi dưới vòi nước để tránh nóng bức tại công viên thành phố Los Angeles, bang California (Mỹ).

Người dân Mỹ và cộng đồng quốc tế đều đánh giá quyết định của Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp định Paris là sai lầm, thậm chí là "thảm họa" đối với nước Mỹ.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Robert Menendez thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump đã một lần nữa thể hiện sự “thiếu tôn trọng” đối với các quốc gia đồng minh, phớt lờ sự thật đáng báo động về tình trạng biến đổi khí hậu, cũng như “chính trị hóa” vấn đề được xem là thách thức lớn nhất của thế giới. Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore cũng bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của ông Trump, nhấn mạnh không một ai hoặc một đảng chính trị nào có thể cản trở nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Không chỉ trong nội bộ chính giới Mỹ, quyết định của ông Trump rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng vấp phải sự phản đối của nhiều nước trên thế giới.

Trong tuyên bố khi đang đi thăm Trung Quốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ “lấy làm tiếc” đồng thời nhấn mạnh điều này càng khiến quan hệ đối tác giữa Bắc Kinh và Paris trong lĩnh vực đa dạng sinh học và khí hậu trở nên cần thiết hơn. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng là quốc gia chiếm lượng khí thải lớn nhất, đã kêu gọi Mỹ “gánh vác thêm trọng trách và làm nhiều hơn để góp sức cho tiến trình hợp tác đa phương này”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6-11 đã đưa ra một tuyên bố chung khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Thỏa thuận Paris, nhấn mạnh đây là tiến trình “không thể đảo ngược” và là kim chỉ nam để các nước hành động mạnh mẽ trong vấn đề khí hậu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi cho rằng việc Mỹ khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là “rất đáng thất vọng”. Chung quan điểm trên, Bộ trưởng Môi trường Tây Ban Nha Teresa Ribera nhận định động thái của Mỹ giáng một đòn mạnh vào thỏa thuận Paris.

Giới chuyên gia nhận định việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận quốc tế về chống biến đổi khí hậu không những sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và hệ sinh thái toàn cầu, mà còn là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực chung của quốc tế trong việc kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu.

Liên hiệp quốc ngày 5-11 cho biết vẫn quyết tâm thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sau khi Mỹ thông báo bắt đầu rút khỏi hiệp định này. Ông Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc khẳng định, quyết tâm của Liên hiệp quốc để tiến tới việc thực thi Thỏa thuận Paris vẫn không thay đổi. Liên hiệp quốc sẽ tiếp tục khuyến khích các quốc gia thành viên tích cực tham gia vào hiệp định này để nâng cao mục tiêu giải quyết và đẩy lùi biến đổi khí hậu.

Ngày 5-11, Nga đã chỉ trích việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cho rằng động thái này làm suy yếu nghiêm trọng thỏa thuận này. Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo tuyên bố các nước thành viên hoàn toàn ủng hộ Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.

Ngay cả các doanh nghiệp lớn nhất tại Mỹ, từ Apple đến Tesla, General Motors, kể cả một số “đại gia” dầu hỏa như ExxonMobil và Chevron, những tập đoàn đã đầu tư rất nhiều cho “cuộc cách mạng năng lượng xanh”, đều phản đối quyết định của Tổng thống Trump.

Quyết định của Mỹ về rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã gây nhiều tranh luận.
Quyết định của Mỹ về rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã gây nhiều tranh luận.

Các chuyên gia cho rằng khi rút khỏi thỏa thuận khí hậu toàn cầu, thiệt hại lớn nhất đối với Mỹ là suy giảm vai trò dẫn dắt trong các vấn đề toàn cầu. Bước đi của Mỹ cũng sẽ khiến nhân loại khó tránh khỏi nguy cơ đối mặt với nền nhiệt độ gia tăng hơn 2 độ C vào năm 2100, khi Washington tiếp tục thải ra môi trường một lượng lớn khí CO2, từng lên tới 5,1 triệu kiloton vào năm 2015, nhiều hơn tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cộng lại và chiếm gần 1/6 lượng khí thải toàn cầu. Các nhà khoa học đều đồng ý rằng nhiệt độ tăng cao sẽ làm nước biển dâng, các thành phố ven biển bị ngập lụt, tình trạng tuyệt chủng hàng loạt, hạn hán, các cuộc khủng hoảng di cư, những đợt nắng nóng chết người, mùa màng thất bát và các cơn bão lớn...

Sự rút lui của Mỹ chắc chắn sẽ để lại một lỗ hổng lớn trong hệ thống điều phối khí hậu quốc tế. Hơn bao giờ hết, vấn đề cấp thiết đặt ra là các quốc gia trên thế giới cần thể hiện hơn nữa vai trò trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu để có thể đảm bảo cho tương lai vốn đang bấp bênh của Hiệp định Paris.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.