Multimedia Đọc Báo in

Mối nguy từ thế giằng co cân não Mỹ - Iran

10:48, 28/06/2019
Ngày 25-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tấn công Iran để trả đũa đối với bất cứ cuộc tấn công nào của Tehran “nhằm vào bất cứ thứ gì của Mỹ”.
 
Tuyên bố của ông Trump được đưa ra sau khi Iran khẳng định các lệnh cấm vận mới của Washington đã chấm dứt vĩnh viễn mọi con đường ngoại giao và gọi những hành động của Nhà Trắng là "ngu ngốc".

Trước đó, vào ngày 24-6, Tổng thống Trump đã gia hạn một loạt các biện pháp trừng phạt, bao gồm với cả Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei - động thái khiến Iran phải đưa ra một tuyên bố về việc đóng cửa trước mọi khả năng đàm phán với Mỹ thời gian tới.

Căng thẳng Mỹ - Iran bị đẩy lên đỉnh điểm với những tranh cãi sau vụ Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) bắn hạ máy bay do thám chiến lược không người lái Global-Hawk BAMS-D của Mỹ trên vùng trời eo biển Hormuz ngày 20-6, cáo buộc máy bay Mỹ đã vi phạm không phận Iran, gây hấn và việc bắn hạ thể hiện chính sách của Tehran. Tuy nhiên, Mỹ tuyên bố máy bay do thám bị bắn rơi khi đang hoạt động trong không phận quốc tế.

Vụ việc trên xảy ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm, khi Mỹ công bố kế hoạch gửi thêm 1.000 quân tới Trung Đông và điều tàu khu trục USS Mason tới Vùng Vịnh ngay sau cáo buộc Iran tấn công hai tàu chở dầu nước ngoài tại vịnh Oman ngày 14-6, cáo buộc mà Tehran khẳng định là vô căn cứ và là một phần của “ngoại giao phá hoại” đang được Mỹ áp dụng đối với quốc gia Hồi giáo.

Liên tiếp gia tăng những động thái gây căng thẳng, cả “đấu khẩu” lẫn triển khai các biện pháp liên quan tới lực lượng quân sự, có thể nói Mỹ và Iran đã cận kề chiến tranh hơn bao giờ hết, thậm chí Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết “đã ra lệnh tấn công 3 mục tiêu của Iran”, nhưng cũng chính người đứng đầu Nhà Trắng chỉ thị hủy kế hoạch tấn công chỉ 10 phút trước khi máy bay Mỹ tấn công các mục tiêu của Iran với lý do tránh gây thương vong cho khoảng 150 người và Washington “không vội tấn công” Tehran.

   Tổng thống Mỹ Donald Trump (bìa trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (bìa trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về phần Iran, giới chức nước này tuyên bố đã lựa chọn phương án không bắn hạ máy bay trinh sát P-8 có người lái của Mỹ đang hoạt động gần với máy bay không người lái trên, chỉ buộc máy bay quân sự P-8 đổi hướng, có vẻ phần nào tránh để xung đột bị đẩy cao hơn nữa.

Giới chuyên gia cho rằng những động thái leo thang căng thẳng gần đây từ cả Mỹ và Iran tiếp tục là những “đòn cân não” để nắn gân, gây sức ép đối với đối thủ nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng.

Tổng thống Trump phản ứng khi máy bay do thám của Mỹ bị IRGC bắn hạ, nhưng cách thức phản ứng cho thấy ông không muốn có chiến tranh với Iran vào thời điểm chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ hai đã bắt đầu. Trung Đông rơi vào khủng hoảng tất yếu làm gia tăng giá dầu thô toàn cầu, tác động tiêu cực đến sức khỏe của nền kinh tế thế giới, qua đó làm giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ, vốn là yếu tố quyết định lá phiếu cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống 2020. Việc Tổng thống Mỹ công khai rút lại quyết định tấn công Iran và tuyên bố về “sự thịnh vượng cho Iran nếu quốc gia Hồi giáo này chấp nhận hợp tác với Mỹ để phi hạt nhân hóa” được đánh giá là nhằm thực hiện chiến tranh tâm lý với Tehran, cũng như truyền tải thông điệp muốn đàm phán và tạo dư luận ông đang “trao cơ hội hòa bình” cho Iran, tháo ngòi nổ chiến tranh đã rất cận kề. Đây có thể coi là bước đi đầy tính toán vì nếu căng thẳng tiếp tục leo thang và chính sách gây sức ép tối đa không đạt hiệu quả, Tổng thống Trump có thể phải sử dụng đến một cuộc tấn công quân sự hạn chế vào Iran để giữ thể diện nước lớn và uy tín cá nhân.

Về phần Iran, nước này đang cho thấy không chấp nhận đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới theo các điều kiện Mỹ nêu ra, thậm chí tỏ ra sẵn sàng chấp nhận kịch bản một cuộc tấn công quân sự hạn chế của Mỹ nếu các lợi ích của Tehran bị đe dọa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lựa chọn trừng phạt thay vì tấn công Tehran, nhưng nguy cơ xung đột quân sự Mỹ - Iran rõ ràng hơn bao giờ hết.

Iran đang rút một phần khỏi Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) để gây sức ép đối với Liên minh châu Âu (EU) và các nước có lợi ích tại Trung Đông gia tăng nỗ lực tác động Mỹ thay đổi chính sách cứng rắn với Tehran. Tuy nhiên, có thể nhận thấy Iran không có lợi nếu rút hoàn toàn khỏi JCPOA vào thời điểm hiện nay, vì điều đó sẽ tổn hại tới lợi ích kinh tế, đánh mất sự ủng hộ của EU, Nga, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế, có thể buộc Mỹ phải tiến hành một cuộc tấn công quân sự, cuộc chiến tranh chắc chắn cũng gây hậu quả tàn khốc với Iran.

Với việc hai nước đều thực hiện các bước đi cứng rắn, chưa chấp nhận nhượng bộ, vòng tròn luẩn quẩn trả đũa lẫn nhau sẽ gia tăng, khi đó những tính toán sai lầm hoặc tai nạn sẽ đẩy hai nước vào tình trạng đối đầu quân sự trực diện vì chính sách “bên miệng hố chiến tranh” có mức độ rủi ro rất cao. Hệ quả của chính sách này trước hết sẽ khiến Trung Đông bất ổn, tạo cơ hội cho các lực lượng khủng bố tiếp tục tồn tại và phát triển, khuyến khích chạy đua vũ trang tại khu vực.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 24-6 đã kêu gọi đối thoại và tiến hành các biện pháp giúp chấm dứt căng thẳng tại vùng Vịnh. Tuyên bố kêu gọi tất cả các bên liên quan và các nước trong khu vực phải kiềm chế tối đa, thực thi các biện pháp và hành động giảm leo thang căng thẳng; hối thúc xử lý khác biệt bằng biện pháp hòa bình và thông qua đối thoại. Bộ trưởng Anh phụ trách khu vực Trung Đông, ông Andrew Murrison, cũng đã đến Tehran ngày 23-6 với thông điệp “trung thực và xây dựng” nhằm làm giảm căng thẳng Mỹ - Iran. Rõ ràng, khi Trung Đông đang trong tình thế nguy hiểm do những căng thẳng giữa Mỹ và Iran, rất cần nhân tố trung gian đủ mạnh để thúc đẩy hai bên hóa giải bất đồng, tiến tới đạt được một thỏa thuận sơ bộ.

Hồng Hà (Theo TTXVN)

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.