Multimedia Đọc Báo in

Dư luận quốc tế về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2

11:02, 01/03/2019
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-2 là sự kiện được cả thế giới mong đợi với hy vọng sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước cũng như hòa bình, thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Hội nghị đã kết thúc mà hai bên không đạt được thỏa thuận nào.

Tại cuộc họp báo ngày 28-2 tại Hà Nội, Tổng thống Donald Trump cho hay, bất đồng về lệnh cấm vận chính là lý do hội nghị thượng đỉnh giữa ông và Chủ tịch Kim Jong-un không đạt kết quả như mong đợi, vẫn tồn tại khoảng cách giữa mong muốn của Triều Tiên và Mỹ. Theo Tổng thống Mỹ, ông Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng dỡ bỏ nhà máy hạt nhân Yongbyon nhưng muốn tất cả các lệnh trừng phạt phải bị dỡ bỏ - điều mà ông Donald Trump nói rằng phía Mỹ chưa sẵn lòng làm vậy.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng không ký kết được tuyên bố chung là bình thường. Cuộc làm việc có tính hữu nghị và kết thúc trong không khí thân tình.

Dư luận quốc tế đã có những phản ứng về sự kiện này, trong đó phần lớn đều tỏ ra tiếc nuối khi không có thỏa thuận nào đạt được tại Hội nghị.

Dinh Tổng thống Hàn Quốc đã phát đi thông cáo bày tỏ sự nuối tiếc vì cuộc gặp giữa ông Donald Trump và Kim Jong-un không đi đến một tuyên bố chung, tuy nhiên hai bên đã có những bước tiến bộ "hơn bao giờ hết". Nhà Xanh nhận xét thiện chí đối thoại của ông Trump sẽ mở đường cho một cuộc gặp khác.

Trong khi đó, đảng Dân chủ (DP) cầm quyền ở Hàn Quốc đã bày tỏ hy vọng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sớm gặp lại nhau sau hội nghị thượng đỉnh lần 2 vừa kết thúc tại Hà Nội. Đảng Hàn Quốc Tự do (LKP) đối lập chính bày tỏ lấy làm tiếc vì Mỹ và Triều Tiên chưa đạt được thỏa thuận tại hội nghị, song cũng hy vọng các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ được nối lại trong thời gian sớm nhất. Về phần mình, đảng Bareunmirae, một đảng đối lập nhỏ, mô tả cuộc gặp lần 2 là "sự vất vả có ích" cần có để thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Đảng này cũng đánh giá cao cam kết của ông Kim Jong-un không tiến hành thêm vụ thử hạt nhân, trong khi ông Trump cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với Bình Nhưỡng. Đảng tự do thiểu số Dân chủ và hòa bình (PDP) kêu gọi chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đóng vai trò tích cực trong việc tạo điều kiện cho một cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim lần thứ 3.

Thư ký báo chí Tổng thống Nga - ông Dmitri Peskov cho biết Điện Kremlin sẽ tiếp tục phân tích kết quả cuộc gặp giữa hai ông Donald Trump và Kim Jong-un, nhưng trước mắt thực tế cho thấy cách tiếp cận "mỗi bên nhường một chút" trong đàm phán Triều Tiên đã không hiệu quả. "Theo như chúng tôi hiểu, các yêu sách mỗi lúc một tăng (của hai bên) sẽ dẫn đến những thời khắc khó khăn trong quá trình đàm phán" - ông Peskov bình luận.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ ba, trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (thứ hai, phải)  trong ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 ở Hà Nội, ngày 28-2-2019.   Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ ba, trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (thứ hai, phải) trong ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 ở Hà Nội, ngày 28-2-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó theo Hãng tin RIA Novosti, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang về an ninh và quốc phòng Nga ông Mikhail Kozlov nhận xét việc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều không mang lại kết quả nào cho thấy Washington không chịu nhượng bộ, bất chấp Bình Nhưỡng đã có những bước tiến lớn trong qúa trình phi hạt nhân hóa. Ông Kozlov dự báo Mỹ cũng sẽ không "xuống nước" trong tương lai, do đó không có gì nhiều để trông đợi từ các cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim. "Cả Mỹ lẫn Triều Tiên đều sẽ giữ quan điểm như hiện tại, sẽ không có thay đổi nào đáng kể" - ông bình luận.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas bày tỏ lấy làm tiếc khi không có thỏa thuận nào đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 diễn ra tại Hà Nội. Phát biểu trên kênh truyền hình ARD, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas kêu gọi dù cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội có đạt được kết quả hay không, các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Bình Nhưỡng phải được tiếp tục. "Kết quả cuối cùng chúng ta cần là Triều Tiên phải không còn vũ khí hạt nhân. Chúng ta sẽ không ngừng các nỗ lực này" - Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hy vọng đối thoại Mỹ - Triều sẽ tiếp tục trong tương lai. Phát biểu trong cuộc họp báo ngắn tại Bắc Kinh, người phát ngôn Lục Khảng nhận xét cả hai nước đã cho thấy sự chân thành mặc dù ông Trump và ông Kim Jong-un đã không đạt được thỏa thuận nào tại Hà Nội.

Nhiều nhà phân tích trên toàn thế giới cũng đã có những nhận định về việc Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đột ngột ra về sớm và không đạt được thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội.

Ông Akira Kawasaki, thành viên của Ican (Chương trình vận động quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân) cho biết: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy cuộc đàm phán lần này bị đổ bể. Chúng ta cần một kế hoạch thực sự, bắt nguồn từ sự hợp tác của cộng đồng quốc tế và thúc đẩy những hiệp ước như Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, mà Triều Tiên có thể gia nhập cũng như bắt đầu tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân một cách hợp pháp”.

Giáo sư Victor Cha thuộc Đại học Georgetown, chuyên gia cố vấn chính trị cho đài NBC News (Mỹ) đưa ra 4 nhận định sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: Cuộc hội đàm thượng đỉnh là một thất bại rõ ràng; tuy nhiên ông Trump đã đưa quyết định đúng khi thúc đẩy các bước nhỏ và thà không đạt được thỏa thuận còn hơn là một thỏa thuận tồi; không rõ mọi việc rồi sẽ diễn tiến tiếp ra sao khi các nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã không thể đồng ý và hiện chưa có kế hoạch khả thi nào cho một cuộc hội đàm thượng đỉnh tiếp theo.

Hồng Hà (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.