Multimedia Đọc Báo in

Linh hoạt gỡ khó chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới

07:00, 24/12/2020

Những bỡ ngỡ, lúng túng, khó khăn ban đầu khi thực hiện chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới đang được nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh linh hoạt, chủ động gỡ khó.

Năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Hoàng Diệu (xã Cư Né, huyện Krông Búk) có 137 học sinh lớp 1, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 92%. Theo đánh giá của giáo viên giảng dạy lớp 1, bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" mà nhà trường lựa chọn đưa vào giảng dạy trình bày hấp dẫn, nội dung bài học gần gũi song cũng bộc lộ một số hạn chế, như: sử dụng ngôn ngữ vùng miền khá nhiều; lượng kiến thức đưa vào bài học chưa phù hợp; cấu trúc một số bài học phức tạp, trong khi phần lớn học sinh không được trang bị kiến thức đầy đủ từ bậc học mẫu giáo nên khó tiếp cận...

Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả, Ban giám hiệu nhà trường và giáo viên chuyên môn đã thảo luận, thống nhất điều chỉnh một số câu từ phù hợp với nhận thức của học sinh; tổ chức dự giờ, thao giảng nhằm tháo gỡ những vướng mắc cụ thể cho giáo viên, từ đó tìm ra phương pháp tối ưu nhất trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh.

Cô H’Lôi Bkông, giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Diệu chia sẻ: “Dù đã tiếp cận với SGK mới trong quá trình chọn sách và được tập huấn nhiều lần, chuẩn bị kỹ về tâm thế nhưng khi thực hiện chương trình mới tôi vẫn không tránh khỏi lúng túng, khó khăn. Tuy nhiên, qua nhiều hoạt động hỗ trợ về chuyên môn, kỹ năng, đến nay việc triển khai chương trình SGK lớp 1 có những điều chỉnh phù hợp, đi vào nền nếp”.

Để học sinh hứng thú với môn tiếng Việt, cô H’Lôi Bkông thường mở đầu tiết học bằng một bài hát, sau đó các em được làm quen với chữ cái bằng cách đồng thanh đọc theo cô giáo, rồi đọc theo từng hàng. Kết thúc phần tập đọc, học sinh được thực hành viết vào bảng phụ và vở tập viết. Trong tiết học, cô liên tục đặt nhiều câu hỏi và tổ chức xen kẽ các trò chơi để học sinh trình bày suy nghĩ của mình, nhờ vậy tiết học không bị nhàm chán.

Hình thức chia nhóm thảo luận giúp học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (huyện Ea H’leo) hứng thú trong giờ học.
Hình thức chia nhóm thảo luận giúp học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (huyện Ea H’leo) hứng thú trong giờ học.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (huyện Ea H’leo) nhằm khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhà trường đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp, hình thức tổ chức dạy học tích cực. "Sử dụng phần mềm minh họa hình ảnh sẽ hỗ trợ giáo viên rất nhiều trong quá trình thực hiện bài giảng, giúp học sinh hứng thú tham gia vào giờ học, tiếp thu kiến thức một cách chủ động, sáng tạo. Tuy nhiên, hiện nay các lớp học của nhà trường chưa có ti vi, màn hình chiếu nên giáo viên phải tận dụng những thiết bị cũ còn sử dụng được, tự làm đồ dùng dạy học và liên tục đổi mới phương pháp dạy để học sinh vui tươi, hào hứng" cô Lại Thị Phượng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

 
Sở GD-ĐT sẽ tăng cường hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng, tránh gây áp lực, quá tải cho giáo viên và học sinh; tổ chức đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện chương trình SGK mới tại các trường nhằm nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc từ giáo viên, phụ huynh học sinh để giải đáp kịp thời và hướng dẫn biện pháp tháo gỡ".
 
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa

Đơn cử như tiết học môn Tự nhiên và Xã hội của lớp 1C do cô Hoàng Thị Liên thực hiện, trước khi dạy bài “Cây xung quanh em” cô đã hướng dẫn các em về nhà chuẩn bị một số loại cây có sẵn trong vườn để phục vụ cho hoạt động dạy và học trên lớp đạt hiệu quả. Sau đó cô Liên chia lớp thành nhiều nhóm, mỗi nhóm khoảng 5 em. Các nhóm được trực tiếp quan sát nhiều loại cây để đối chiếu, so sánh đặc điểm rồi thuyết trình, giới thiệu cho cả lớp biết về loại cây mình vừa quan sát. Phương pháp dạy học trực quan sinh động này giúp học sinh phát huy được sở trường của cá nhân, rèn luyện sự mạnh dạn, tự tin, từ đó hào hứng tiếp thu kiến thức, khắc sâu nội dung bài học.

Bên cạnh đó, giáo viên còn được chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện, năng lực nhận thức, khả năng học tập của từng học sinh. Cụ thể: môn Tiếng Việt, khi học sinh luyện đọc luyện viết chậm, giáo viên hướng dẫn tỉ mỉ, không nhất thiết phải “chạy” bài cho kịp với yêu cầu. Về kỹ năng đọc, những học sinh đọc chưa tốt, giáo viên chỉ yêu cầu các em đọc được từ ngữ có chứa âm/chữ/vần mới, tiến tới đọc câu ngắn và có thể vừa đánh vần vừa đọc. Những học sinh viết chưa tốt, giáo viên chỉ yêu cầu các em viết được chữ của âm mới, viết đúng độ cao, độ rộng, chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp.

Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Hoàng Diệu (huyện Krông Búk).
Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Hoàng Diệu (huyện Krông Búk).

Năm học 2020 - 2021, SGK lớp 1 chương trình phổ thông mới chính thức được triển khai. Các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã chọn 1 trong 5 bộ sách đưa vào giảng dạy. Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, đây năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 1, để chương trình phát huy được hiệu quả rất cần sự linh hoạt, chủ động từ phía giáo viên trong việc tổ chức bài dạy và sự phối hợp chặt chẽ hơn của phụ huynh. Nhờ tích cực chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện chương trình SGK mới đối với lớp 1, nhất là sự linh hoạt, chủ động của các trường nên đến nay việc dạy học theo chương trình SGK mới trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.