Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới: Cả cô và trò đều phải "đánh vật"

06:27, 13/10/2020

Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới đối với lớp 1. Sau hơn một tháng triển khai, còn hơi sớm để đánh giá, song theo ghi nhận của nhiều giáo viên, học sinh, phụ huynh thì việc dạy và học chương trình, SGK mới, nhất là môn Tiếng Việt khá vất vả. Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã gặp gỡ, ghi nhận ý kiến của một số người trong cuộc.

°Nguyễn Thị Dáng Nguyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 1C, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột):

Cô trò cùng "đánh vật"

Gần 60% học sinh trong lớp là người dân tộc thiểu số (DTTS) là một khó khăn đối với cả cô và trò khi thực hiện chương trình học SGK mới. Với các học sinh được bố mẹ cho học lớp “tiền tiểu học” đã nhận biết được chữ cái, đánh vần cơ bản và biết viết thì việc học chương trình Tiếng Việt mới không quá vất vả. Còn những em lần đầu mới tiếp xúc, được học chữ thì quả là “đánh vật" với con chữ. Trò "đuối" thì cô cũng "oải". Vừa phải dạy đúng theo chương trình, vừa kèm cặp từng em học yếu là điều rất khó. Với chương trình SGK cũ, mỗi ngày có 2 tiết Tiếng Việt, học sinh học 2 âm, 4 - 5 từ đơn giản, một câu ngắn gọn. Nhưng theo chương trình mới, các em phải vừa nhận diện âm, đọc tiếng, đọc từ, học các mẫu câu ngắn rồi ghép thành đoạn đối thoại, đoạn văn 3 - 4 câu. Trong những tuần học đầu, học sinh thường xuyên nhầm lẫn các chữ cái d với đ, e với ê, o và ô... do không có nhiều thời gian để ghi nhớ.

Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Cư M'gar) làm quen với mônTiếng Việt.   Ảnh: N.Quỳnh
Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Cư M'gar) làm quen với mônTiếng Việt. Ảnh: Như Quỳnh

°Chị H’Yă Hwing, phụ huynh học sinh lớp 1,Trường Tiểu học Ama Trang Lơng (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn):

Khối lượng kiến thức nhiều quá

Vợ chồng tôi không đặt nặng áp lực học tập lên con nên quyết định không cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Thế nhưng, vừa vào học được vài tuần là con đã phải học từ ghép, câu nối. Mỗi ngày về nhà "đánh vật" từ 2 - 4 trang viết chữ, chưa kịp luyện chữ này đẹp đã phải chuyển sang chữ khác, tôi có cảm giác như đang "chạy đua" theo chương trình hơn, khối lượng kiến thức nhiều quá, con không nhớ nổi. Có lẽ vì vậy mà cứ đến giờ học bài ở nhà là con tôi nước mắt ngắn dài và không vui vẻ mỗi khi đến trường học; chưa kể con tôi có vóc dáng nhỏ hơn so với các bạn cùng trang lứa nên mỗi lần cùng con chuẩn bị sách vở đến trường là... cảm thấy xót xa. Ngày trước, cặp sách của học sinh tiểu học gọn nhẹ, còn bây giờ cứ ngỡ là của học sinh trung học cơ sở.

 

°Hoàng Thị Cúc, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar):

Cần tăng cường đầu tư thiết bị, máy móc phục vụ dạy học

100% học sinh của trường là người DTTS nên việc triển khai dạy theo SGK lớp 1 mới đang gặp rất nhiều khó khăn. Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả, giáo viên nhà trường đã được tập huấn về nội dung, phương pháp giảng dạy. Khi lựa chọn SGK, Ban giám hiệu nhà trường cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất chọn bộ sách Tiếng Việt “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”. Đây là bộ sách được đánh giá là nhẹ nhàng và phù hợp nhất so với 4 bộ sách còn lại dành cho học sinh lớp 1. Tuy nhiên, qua hơn một tháng giảng dạy, giáo viên đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi những gì được tập huấn lại khác xa với thực tế, nhất là cơ sở vật chất và thiết bị dạy học không đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể, trong sách Tiếng Việt lớp 1 mới giữa các bài tập đọc có phần mềm minh họa bằng hình ảnh, hỗ trợ giáo viên trong quá trình thực hiện bài giảng. Tuy nhiên, hiện nay các lớp học của nhà trường chưa có ti vi, màn hình chiếu, giáo viên vẫn phải sử dụng SGK để học sinh xem và đánh vần. Chưa kể, phần lớn học sinh không được trang bị kiến thức đầy đủ từ bậc mẫu giáo nên việc tiếp cận với kiến thức lớp 1 rất khó khăn.

 

°Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Cư M'gar):

Cần sự nỗ lực của giáo viên và phụ huynh

Để triển khai hiệu quả chương trình SGK mới, mỗi tuần nhà trường đã tăng cường thêm 4 tiết ôn luyện Tiếng Việt cho học sinh lớp 1, dành thời gian cho các em luyện viết các nét chữ, ghi nhớ từng chữ cái. Tuy nhiên, để chương trình đem lại hiệu quả cao ngoài nỗ lực của giáo viên đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn từ phụ huynh và sự đồng bộ trong thiết bị giảng dạy. Nhưng hiện nay ngoài một số cơ sở giáo dục có điều kiện xã hội hóa thì hầu hết các trường tiểu học tại địa phương khó đáp ứng được điều kiện này. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT và chính quyền địa phương cần khảo sát, quan tâm đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học để các trường có đủ điều kiện truyền tải kiến thức đến học sinh.

°Phan Thị Hải Yến, chủ nhiệm lớp 1B,Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột):

Sách giáo khoa mới trình bày hấp dẫn, nội dung bài học gần gũi

Năm học 2020 – 2021, nhà trường đã lựa chọn bộ sách “Chân trời sáng tạo” làm tài liệu giảng dạy. Sau ngày khai giảng năm học mới, 85 học sinh khối lớp 1 được giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn làm quen với trường, lớp và tiếp cận với bộ SGK mới. Chương trình môn Tiếng Việt có thời lượng được điều chỉnh tăng từ 350 tiết lên 420 tiết, tập trung giúp trẻ đọc thông, viết thạo. Mặc dù hơn 97% học sinh của trường là người DTTS nhưng việc triển khai dạy bộ sách mới khá thuận lợi. Tôi thấy không khí lớp học luôn sôi nổi, các em rất vui vẻ, năng nổ tham gia các hoạt động. Bộ sách được trình bày hấp dẫn, nội dung bài học gần gũi, các hoạt động linh hoạt không bị nhàm chán. Điều đáng nói là SGK mới còn giúp giáo viên được sáng tạo và đổi mới phương pháp dạy để truyền tải nội dung, kiến thức cho học sinh.

Tiết học Tiếng Việt của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Ama Trang Lơng (TP. Buôn Ma Thuột).  Ảnh: N.Quỳnh
Tiết học Tiếng Việt của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Ama Trang Lơng (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Như Quỳnh 

°Sa Ly Niê, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Cư Êbur,TP. Buôn Ma Thuột):

Cần thêm thời gian để làm quen

Năm học 2020 - 2021 có nhiều điểm đặc biệt so với năm học trước. Thứ nhất, đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình SGK mới đối với lớp 1. Thứ hai, trước khi bước vào lớp 1 trẻ nghỉ ở nhà trong thời gian dài để phòng dịch Covid-19 nên phần nào ảnh hưởng đến sự chuẩn bị về mọi mặt cho năm học mới. Ngoài ra, nhiều phụ huynh đã quen việc kèm con học ở nhà với SGK cũ nên quá lo lắng, mất kiên nhẫn với SGK mới. Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng chương trình SGK lớp 1 tại nhà trường khá thuận lợi, chưa có ý kiến của phụ huynh than phiền vì con phải học chương trình với kiến thức quá nặng. Chia sẻ về phương pháp giúp học sinh tự tin, thoải mái với SGK mới, đặc biệt là với môn Tiếng Việt, tôi cho rằng, khi học sinh luyện đọc luyện viết chậm, giáo viên phải quan tâm hướng dẫn tỉ mỉ, không nhất thiết phải “chạy” bài cho kịp với yêu cầu vì từ năm học này SGK không còn là pháp lệnh mà chỉ là một tài liệu tham khảo, giáo viên được giao quyền chủ động thực hiện chương trình sao cho phù hợp với điều kiện và tình hình của lớp. Hiện nay nhà trường đang thiếu rất nhiều trang thiết bị dạy học. Đặc biệt đây là năm đầu tiên áp dụng chương trình SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên sẽ không tránh khỏi những khó khăn nhất định, vì thế cả giáo viên và phụ huynh phải bình tĩnh, không nên vội vàng kết luận ngay là chương trình nặng hay nhẹ mà cần có thêm thời gian để đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp.

Như Hoàng Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.