Multimedia Đọc Báo in

"Cần cả một làng để nuôi dạy một đứa trẻ"

15:12, 31/05/2020

Trong lĩnh vực giáo dục trẻ em, khi muốn nói tới ảnh hưởng của các điều kiện xã hội đến sự hình thành và phát triển nhân cách trẻ, người ta thường dẫn câu nói nổi tiếng “Cần cả một làng để nuôi dạy một đứa trẻ”.

Câu nói này được cho là dịch từ một ngạn ngữ của người Nigeria (được dịch sang tiếng Anh là “It takes a village to raise a child”). Không chỉ là một ngạn ngữ, câu nói này thực sự là một cách tiếp cận vô cùng quan trọng trong giáo dục trẻ em. Cách tiếp cận này nhấn mạnh rằng, cùng với đặc điểm sinh học của trẻ thì hoàn cảnh xã hội với những phương pháp dạy dỗ từ gia đình, cộng đồng là những yếu tố căn bản ảnh hưởng tới quá trình hình thành nhân cách trẻ.

1
Giữa ấm bếp lửa gia đình. Ảnh: Ngô Minh Phương

 Rõ ràng là, sự phát triển của trẻ em được đánh giá bởi các mối quan hệ xã hội mà trẻ đang có, bởi cảm nghĩ của trẻ về thế giới mà trẻ đang sống chứ không chỉ đơn thuần thông qua lăng kính giáo dục với các chỉ số thông minh hay kỹ năng mà trẻ đạt được. Thực ra cách đánh giá này không chỉ áp dụng cho trẻ mà có thể áp dụng xuyên suốt trong quá trình phát triển của một con người.

Về mặt giáo dục xã hội, nhân cách được hình thành qua quá trình tiếp nhận và nội tâm hóa những giá trị và quy tắc mà các định chế xã hội như gia đình, trường học truyền đạt lại. Khái niệm "giáo dục xã hội" ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, tức là không chỉ bao gồm việc dạy dỗ trong gia đình hay giáo dục tại nhà trường, mà kể cả các loại tác động khác nhau của các điều kiện xã hội nơi trẻ sống. Ngay cả những hành vi thông thường nhất trong cuộc sống hằng ngày như ăn, mặc, ở, cử chỉ, lối đi đứng, chào hỏi… cũng mang dấu ấn của cộng đồng mà cá nhân là thành viên. Các cách ứng xử của con người trước cùng một vấn đề nào đó rất khác nhau ở các xã hội khác nhau. Bởi vậy, việc tạo ra một “ngôi làng” đủ tốt để cho trẻ được phát triển lành mạnh được xem là yếu tố then chốt đối với việc giáo dục trẻ. Trong đó, trẻ cần được tương tác với người lớn và được giải thích về những gì đang diễn ra trong đời sống thường nhật. Và điều quan trọng là trẻ cần được quan sát, bắt chước, làm theo những mô hình hành vi chuẩn của người lớn.

Thế giới người lớn đối với trẻ là thế giới từ gia đình, nhà trường và truyền thông đại chúng. Thật khó khăn đối với việc giáo dục trẻ khi có sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất giữa những người lớn với nhau hoặc giữa những gì người lớn nói với những gì người lớn thực hiện. Ví dụ, nhà trường rất dễ thất bại trong giáo dục an toàn giao thông nếu như trên đường từ trường về nhà, trẻ liên tục được quan sát những hành vi vi phạm luật giao thông của người lớn – những người đang đồng hành cùng trẻ. Lẽ dĩ nhiên, về mặt nhận thức, có thể trẻ không biết những hành vi nào là vi phạm luật giao thông nhưng khi trẻ không được chứng kiến những hành vi chuẩn mực từ người lớn một cách thường xuyên và phổ biến thì thật khó yêu cầu trẻ thực hiện hành vi cũng như duy trì các hành vi đúng chuẩn.

Ảnh: Hồ Thị Lam
 Dạy bơi cho trẻ. Ảnh: Hồ Thị Lam

Vấn đề quan trọng nữa là, trẻ cần được hình thành một niềm tin về thế giới này an toàn, tốt đẹp và đáng để sống. Niềm tin đó sẽ là nền tảng và động lực để trẻ yêu mến môi trường tự nhiên – xã hội xung quanh và muốn khám phá về nó. Bởi vậy, để giải quyết những tình huống, những vấn đề liên quan giáo dục trẻ, nền tảng tình yêu thương cần được xem như điều căn bản và cốt lõi. Nếu trẻ không cảm nhận được giữa người với người có tình yêu thì rất khó có thể yêu cầu trẻ có tình yêu dành cho việc học tập và nghề nghiệp sau này.

Thế giới hiện nay ngày một thu nhỏ như “một cái làng”. Máy bay, tàu hỏa siêu tốc, thông tin hiện đại, Internet và các phương tiện truyền thông đại chúng đang đẩy nhanh quá trình đó. Và chúng ta có thể không mong chờ một “ngôi làng’’ hoàn hảo nhưng chúng ta cần xây dựng một “ngôi làng” đủ tốt để trẻ được phát triển lành mạnh – một “ngôi làng” mà trẻ được chứng kiến sự tin cậy, sự tôn trọng, niềm cảm thông và tính cam kết giữa các thành viên trong “ngôi làng”. Và giáo dục chỉ thành công đối với những đứa trẻ nhìn về tương lai tràn đầy hy vọng và vui tươi.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.