Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực bảo tồn và phát huy ngôn ngữ Êđê (Kỳ 2)

09:05, 18/06/2018

[links(left)]

Kỳ 2: Cần giải pháp tổng thể bảo tồn ngôn ngữ Êđê

Việc nhận biết ra nguyên nhân và quan trọng hơn là thái độ ứng xử và hành động để có thể ngăn chặn được nguy cơ mai một ngôn ngữ của các DTTS, trong đó có dân tộc Êđê là vấn đề cấp bách đang đặt ra đối với các cấp, các ngành và chính chủ thể ngôn ngữ này. 

Khi cộng đồng nâng cao ý thức giữ gìn ngôn ngữ

Ngày nay, có không ít thanh thiếu niên Êđê ở nhiều địa phương trong tỉnh ngại giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Nguyên nhân là do nhận thức của chính bản thân họ, mặt khác là sự thiếu quan tâm của gia đình và định hướng của cộng đồng. Tuy vậy, tại buôn Tuôr (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột), cộng đồng người Êđê ở đây đã có nhiều cách để giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc.

Già làng buôn Tuôr Y Thút Byă chia sẻ: “Gần 100% hộ dân trong buôn là người Êđê. Xưa nay, bà con đều sử dụng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp với nhau, chỉ khi nào ra ngoài xã hội, hoặc có người đến buôn không hiểu tiếng Êđê thì bà con mới nói tiếng Việt. Việc bảo tồn tiếng nói của dân tộc mình đã được quy định trong hương ước của buôn”. Để con cháu không quên điều này, trong các buổi họp dân, già làng Y Thút thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, nhất là đối với thế hệ trẻ. Điều này được bà con trong buôn đồng tình ủng hộ, nên dù con cháu có đi học, đi làm xa nhưng mỗi khi về buôn đều sử dụng tiếng mẹ đẻ để nói chuyện với nhau.

Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Ea Trang, huyện M’Đrắk) là một trong những đơn vị thực hiện tốt  việc dạy song ngữ Việt - Êđê cho học sinh.
Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Ea Trang, huyện M’Đrắk) là một trong những đơn vị thực hiện tốt việc dạy song ngữ Việt - Êđê cho học sinh.

 Về điều này, ông Y Doan Niê, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú nhận xét, nhờ giữ gìn tốt tiếng nói của dân tộc mình nên người dân buôn Tuôr luôn đoàn kết, gắn bó, cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Nhiều năm liền tình hình an ninh trật tự trong buôn ổn định, người dân luôn nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại như: lễ cúng bến nước, lễ cầu mưa... Năm 2017, buôn Tuôr được UBND TP. Buôn Ma Thuột chọn tổ chức phục dựng một số nghi lễ đặc trưng, bảo tồn chữ viết của đồng bào Êđê để phục vụ du lịch cộng đồng.

Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên, chuyên gia văn hóa dân tộc Êđê cho biết, việc bảo tồn ngôn ngữ hay văn hóa DTTS trước hết phải ở ý thức của chính chủ thể. Bảo tồn ngôn ngữ có hai cách: bảo tồn tiếng nói và bảo tồn chữ viết. Hiện tại, người Êđê trong các thôn, buôn trong tỉnh vẫn sử dụng ngôn ngữ nói trong giao tiếp, sinh hoạt đời thường, còn về chữ viết thì có ít người thông thạo. Muốn phát huy, bảo tồn ngôn ngữ hiệu quả cần giải pháp tổng thể, sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, chính quyền và nâng cao ý thức của người dân.

Lồng ghép chính sách phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa

Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều dự án, đề án bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Êđê. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tổ chức dạy tiếng, chữ viết cho cán bộ người dân tộc tại chỗ, cán bộ làm phong trào, phát động quần chúng ở các thôn, buôn. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng in các sách, tài liệu, tờ rơi bằng song ngữ Việt - Êđê phát đến các thôn, buôn để tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Các quy ước thôn, buôn của người dân tộc Êđê cũng đã được dịch ra song ngữ Việt - Êđê phát đến từng gia đình.

Nhiều đầu sách về ngôn ngữ dân tộc Êđê được biên soạn, phục vụ việc dạy và học trên địa bàn tỉnh.
Nhiều đầu sách về ngôn ngữ dân tộc Êđê được biên soạn, phục vụ việc dạy và học trên địa bàn tỉnh.
 

“Để góp phần bảo tồn ngôn ngữ DTTS, trong đó có tiếng Êđê thì trước hết chính người dân phải nâng cao ý thức truyền dạy ngôn ngữ cho con em mình. Nếu ngay từ trong gia đình mà cha mẹ, ông bà không có ý thức gìn giữ ngôn ngữ, duy trì việc sử dụng hằng ngày cho con cháu thì không ngành chức năng, chính quyền, nhà nghiên cứu nào có thể giúp họ làm sống lại ngôn ngữ được”. 

 
 
Ông Y Kô Niê, Phó trưởng Phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Bà Lê Thị Ngọc Thơm, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu giáo dục học sinh dân tộc thiểu số cho hay, hiện nay hầu hết các trường học trong tỉnh có đông học sinh dân tộc Êđê đều đã tổ chức dạy tiếng mẹ đẻ cho các em. Tuy nhiên, việc triển khai chưa đồng bộ, đội ngũ giáo viên dạy tiếng Êđê còn mỏng, thiếu và chưa được đào tạo bài bản nên việc truyền đạt chưa đạt hiệu quả cao, chất lượng dạy - học còn thấp. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất trong truyền dạy tiếng Êđê là chế độ chính sách cho giáo viên chưa thỏa đáng. Do không được đào tạo bằng cấp chuyên môn nên chỉ được hưởng phụ cấp 0,3%/tháng khi tham gia giảng dạy tiếng DTTS. Chưa hết, hiện nay Bộ GD-ĐT đã xây dựng danh mục thiết bị và đồ dùng dạy học bộ môn tiếng DTTS, trong đó có tiếng Êđê, nhưng hiện tại tỉnh chưa có kinh phí để làm nên trang thiết bị, dụng cụ dạy học môn tiếng Êđê chưa có.

Theo ông Y Kô Niê, Phó Trưởng Phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giải pháp tốt nhất để bảo tồn ngôn ngữ Êđê là cần tăng cường tập huấn chuyên môn cho cán bộ giảng dạy, đầu tư biên soạn tài liệu, mở rộng đối tượng học. Phát triển ngôn ngữ các DTTS không chỉ thông qua chính sách văn hóa - giáo dục mà cần lồng ghép với chính sách xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào DTTS để đời sống kinh tế người dân ngày càng phát triển, làm cơ sở cho việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc mình. Lồng ghép các chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới, ngoài xây dựng cơ sở vật chất cần quan tâm đến văn hóa vật thể, phi vật thể phù hợp với đồng bào DTTS từng vùng miền.

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.