Multimedia Đọc Báo in

Thầy trò trường huyện đam mê nghiên cứu khoa học

09:11, 01/03/2016

Đam mê tìm tòi, sáng tạo, thầy trò Trường THPT Lê Hữu Trác (huyện Cư M’gar) đã sáng chế ra nhiều sản phẩm độc đáo đậm chất Tây Nguyên, xuất sắc đoạt giải Cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật dành cho học sinh (HS) trung học cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Vượt lên chính mình

Vượt qua nhiều “đối thủ nặng ký”, đề tài Cà phê vàng (lĩnh vực Hóa học) của nhóm tác giả Lưu Nam Phương, Đông Thị Vân (Trường THPT Lê Hữu Trác) xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật dành cho HS trung học cấp tỉnh lần thứ III - năm học 2015 - 2016, được chọn tham dự Cuộc thi cấp quốc gia tổ chức tại tỉnh Đồng Nai vào tháng 3 tới. Trước đó ở Cuộc thi cấp tỉnh lần thứ II - năm học 2014 - 2015 nhà trường có 2 đề tài đoạt giải cấp tỉnh, được chọn tham dự Cuộc thi cấp quốc gia, trong đó một đề tài đoạt giải Ba, một đoạt giải Khuyến khích. Với thành tích trên, nhóm tác giả đoạt giải Ba cấp quốc gia đã được tuyển thẳng vào Trường Đại học An ninh và Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Trước đó Cuộc thi cấp tỉnh lần thứ I - năm học 2012-2013, Trường có 1 đề tài đoạt giải Nhì. Thầy Nguyễn Quốc Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thành tích trên tiếp thêm động lực để thầy-trò nhà trường trên con đường nghiên cứu khoa học nhiều chông gai nhưng rất bổ ích”. Nguyên là trường bán công, chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp, nhiều năm học nhà trường không có HS giỏi các cấp. Xuất phát từ thực tế, Ban Giám hiệu quyết định thay đổi chiến lược “không tập trung nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn mà dồn sức cho các hoạt động khác” để từng bước khẳng định vị trí trong hệ thống các trường THPT trong tỉnh. Đúng lúc ấy, Bộ GD-ĐT triển khai Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật dành cho HS trung học, nhà trường khuyến khích thầy, cô ở các bộ môn Vật lý, Hóa học với mục tiêu “mỗi giáo viên phải có một đề tài tham dự Hội thi cấp tỉnh”. Từ những hạt nhân ban đầu ở tổ Vật lý, Hóa học, đến nay hầu hết các môn học đều có đề tài tham dự cuộc thi cấp trường, cấp tỉnh và đạt các giải cao.

Khơi niềm đam mê sáng tạo

Không phải ngẫu nhiên một trường “top dưới” lại liên tục đạt thành tích cao tại Cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật dành cho học sinh (HS) trung học  được tổ chức định kỳ hằng năm, thu hút hàng trăm tác giả, nhóm tác giả đến từ các trường THPT, phổ thông dân dân tộc nội trú và trường THCS trong tỉnh. Thầy Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ: “Tiết chào cờ sáng thứ 2 hằng tuần, nhà trường đều dành thời gian phổ biến các văn bản hướng dẫn của ngành về Cuộc thi; các thầy, cô giáo hướng dẫn, HS đoạt giải chia sẻ kinh nghiệm thực hiện đề tài. Đặc biệt, nhà trường tuyên dương, khen thưởng tác giả, nhóm tác giả đoạt giải qua đó khơi gợi sự nhiệt tình, tính chủ động, say mê nghiên cứu khoa học của giáo viên, HS. Nhờ đó số lượng đề tài nghiên cứu khoa học đăng ký thực hiện tăng nhanh, nhiều đề tài có ý tưởng sáng tạo, hàm lượng tri thức khoa học, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, hướng đến cộng đồng”.

Nhóm tác giả đề tài “Tổng hợp chất tạo màu xanh cho sơn trang trí nội thất  từ màu xanh thổ cẩm của người Êđê” đang thuyết trình  trước Hội đồng nhà trường.
Nhóm tác giả đề tài “Tổng hợp chất tạo màu xanh cho sơn trang trí nội thất từ màu xanh thổ cẩm của người Êđê” đang thuyết trình trước Hội đồng nhà trường.

Ban giám khảo các cuộc thi cấp tỉnh khá ấn tượng với các đề tài của thầy và trò Trường THPT Lê Hữu Trác bởi ý tưởng độc đáo, đậm đà bản sắc của Tây Nguyên. Với tâm huyết sáng tạo ra một loại thức uống mang đậm hương vị của cả rượu và cà phê, các em HS đã chế tạo ra máy “Chưng cất rượu hương cà phê” nhận được giải Nhì lĩnh vực Hóa học và giải Ba chung cuộc Cuộc thi quốc gia năm 2015. Tiếp nối thành công trên, năm học 2015-2016, thầy và trò nhà trường tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu lĩnh vực mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Đề tài Cà phê vàng (đoạt giải Nhất) và Nghiên cứu tổng hợp chất màu xanh cho sơn trang trí nội thất từ màu xanh thổ cẩm của người Êđê (đoạt giả Nhì) cấp tỉnh đã minh chứng điều này. Thạc sĩ Phạm Ngọc Huệ, giáo viên môn Hóa học cho biết: “Trang phục Êđê truyền thống có 5 màu cơ bản: đỏ, đen, vàng, xanh và trắng. Để tạo ra màu xanh, từ tháng 7 các bà, các mẹ đã vào rừng hái lá cây krum già làm  thuốc nhuộm. Họ phơi vỏ ốc suối thật khô nung lên, ngâm thành vôi rồi trộn với nước lá krum. Sợi nhuộm từ hỗn hợp nước lá - vôi ốc sẽ có màu xanh. Hiện nay, khoa học công nghệ phát triển, các sản phẩm sơn trang trí nội thất sản xuất công nghiệp từ vật liệu màu vô cơ rất đa dạng, phong phú, nhưng sơn màu trang trí nội thất từ màu hữu cơ chưa được nghiên cứu nhiều. Vì vậy, tôi cùng các em HS nghiên cứu chế tạo ra màu xanh thổ cẩm nhằm góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào Êđê, bảo vệ môi trường”. Trăn trở và muốn gìn giữ những cách làm truyền thống của đồng bào Êđê, ở cuộc thi cấp tỉnh năm học 2014-2015, thầy Huệ hướng dẫn HS thực hiện đề tài “Nghiên cứu, điều chế keo bẫy ruồi bằng phương pháp truyền thống của đồng bào Êđê bằng mủ cây” đoạt giải Nhì cấp tỉnh và giải Khuyến khích cấp Quốc gia. Cùng suy nghĩ trên, thạc sĩ Phạm Văn Vinh cho rằng: “Giải thưởng chưa phải là mục tiêu cuối cùng, quá trình thực hiện đề tài không chỉ giúp các em củng cố, vận dụng kiến thức đã học mà còn nhận ra nghiên cứu khoa học phải bắt đầu từ nền văn hóa của địa phương, phải bảo tồn và phát huy”.

 Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.