Multimedia Đọc Báo in

Thẻ căn cước công dân: Bước đột phá trong cải cách hành chính

08:30, 15/04/2021

Thẻ căn cước công dân (CCCD) là hình thức mới của Giấy chứng minh nhân dân, bắt đầu thực hiện cấp phát từ năm 2016, tuy nhiên đến năm 2021 mới được triển khai rộng rãi trên khắp cả nước. Việc cấp thẻ CCCD có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng và quản lý nhà nước, được coi là bước đột phá trong cải cách hành chính nhà nước.

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân năm 2014 thì CCCD là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân. Thẻ được tích hợp các thông tin của người được cấp thẻ gồm: số thẻ CCCD (số định danh cá nhân), họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ. Việc tích hợp nhiều thông tin cơ bản trong thẻ rất thuận lợi cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính và các giao dịch trong đời sống. Thay vì phải sử dụng nhiều loại giấy tờ làm căn cứ để giao dịch thì công dân chỉ cần xuất trình thẻ CCCD với đầy đủ các thông tin, dữ liệu có liên quan, qua đó tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức cho nhân dân cũng như cho cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, thông tin về số định danh cá nhân trong thẻ CCCD được đánh giá là bước đột phá quan trọng về cải cách thủ tục hành chính liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân. Khi thực hiện thủ tục hành chính, cá nhân chỉ cần cung cấp số định danh này để cơ quan có thẩm quyền tra cứu những thông tin cơ bản, giảm tối đa việc sao chụp giấy tờ liên quan đến cá nhân, giảm thủ tục và kinh phí khi thực hiện thủ tục hành chính.

Thời hạn sử dụng của CCCD cũng là một điểm thay đổi đáng chú ý, theo hướng có lợi cho người dân. Nếu như thời hạn sử dụng của Giấy chứng minh nhân dân là 15 năm kể từ ngày cấp nên cứ hết thời hạn 15 năm thì dù ở bất kỳ độ tuổi nào công dân đều phải đổi chứng minh nhân dân mới. Trong khi đó, thời hạn sử dụng của thẻ CCCD lại được xác định theo độ tuổi. Theo Luật Căn cước công dân thì thẻ CCCD được cấp cho công dân khi đủ 14 tuổi và phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi; trường hợp thẻ được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định phải đổi thẻ thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo (Điều 21 Luật Căn cước công dân). Như vậy, từ 60 tuổi trở đi công dân không phải thực hiện bất kỳ lần đổi thẻ căn cước nào nữa, trừ trường hợp bị mất, hư hỏng. Hơn nữa, khác với giấy chứng minh nhân dân, thời hạn sử dụng của thẻ CCCD còn được ghi rõ trên thẻ, giúp công dân dễ dàng xác định ngày hết hạn sử dụng để chủ động đi cấp lại thẻ khi hết hạn sử dụng, qua đó hạn chế những rủi ro phát sinh liên quan đến giấy tờ tùy thân khi thực hiện các giao dịch trong đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Lãnh đạo huyện Krông Pắc kiểm tra việc thu nhận hồ sơ căn cước công dân tại Công an thị trấn Phước An. Ảnh: Lê Hương
Lãnh đạo huyện Krông Pắc kiểm tra việc thu nhận hồ sơ căn cước công dân tại Công an thị trấn Phước An. Ảnh: Lê Hương

Bên cạnh đó, thông qua việc cấp thẻ CCCD, Bộ Công an xây dựng hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiện đại từ Trung ương đến cơ quan công an các địa phương và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, vì vậy các thông tin của công dân thường xuyên được thu thập, cập nhật, khai thác, chia sẻ đồng bộ, thống nhất. Do đó, khi hệ thống cơ sở dữ liệu này được xây dựng hoàn chỉnh thì rất thuận tiện cho công dân làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD, công dân có thể đến bất cứ điểm tiếp dân nào của cơ quan công an cũng có thể thực hiện việc cấp thẻ mà không nhất thiết phải về nơi đăng ký thường trú.

Sự thay đổi về hình thức CCCD cũng được coi là bước đột phá trong cải cách hành chính. Trước đây, thẻ CCCD là loại thẻ có mã vạch, tuy nhiên từ khi Thông tư số 06/2021/TT-BCA ngày 23-1-2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về mẫu thẻ CCCD có hiệu lực thi hành thì thẻ được cấp dưới dạng thẻ gắn chip điện tử. Thẻ CCCD gắn chip có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như ứng dụng chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần… Bên cạnh đó, thẻ CCCD gắn chip cũng rất khó để làm giả nên hạn chế được rủi ro cho công dân. Cũng cần lưu ý rằng, chip điện tử trên thẻ CCCD không có chức năng định vị nên không ảnh hưởng đến quyền riêng tư của cá nhân. Ngoài ra, trên thẻ CCCD gắn chip điện tử sử dụng song ngữ tiếng Việt - tiếng Anh, là điều kiện thuận lợi để công dân Việt Nam sử dụng CCCD thay cho sử dụng hộ chiếu khi Việt Nam ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ CCCD thay cho hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Những thay đổi này chính là bước chuyển mình mạnh mẽ trong cải cách hành chính của nước ta nhằm nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, phục vụ đắc lực người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển, hội nhập quốc tế.

Phan Hiền

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.