Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về những người lính cứu nạn, cứu hộ dưới nước

05:43, 15/11/2020

Đắk Lắk là địa bàn có nhiều sông suối, ao hồ, thung lũng…, vào mùa mưa thường xảy ra ngập lụt, nguy cơ tai nạn đuối nước cao. Chính vì vậy, công việc của cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) - Công an tỉnh càng "bận rộn",  đối mặt với nhiều gian khổ, hiểm nguy.

Nhiều gian khổ, hiểm nguy

Mới đây, cả Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ số 1 (Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH) phải dầm mình suốt 2 ngày đêm (20 và 21-9) dưới dòng sông Sêrêpôk để cứu 2 nạn nhân nghi nhảy cầu tự tử. Tất cả nhân lực, phương tiện của Đội đều được huy động đến hiện trường, chia tốp, thay nhau quần thảo dưới dòng sông giữa mùa nước lũ.

Hai người lặn giỏi nhất của Đội là Trung úy Nguyễn Phi Long và Thượng úy Phan Thạch Bạch Tượng được giao nhiệm vụ lặn tìm ở những khu vực nước sâu nghi có nạn nhân mắc kẹt ở dưới. Nước lạnh đục ngầu, tầm nhìn hạn chế khiến công tác tìm kiếm càng khó khăn hơn. Ròng rã suốt cả ngày đêm dầm mình dưới trời mưa gió, Đội đã tìm được nạn nhân thứ nhất cách chân Cầu 14 khoảng 1 km, còn nạn nhân thứ hai được tìm thấy sau đó một ngày trong cơn mưa đêm tầm tã... “Nước dưới sông cuồn cuộn chảy, xoáy mạnh và có nhiều hộc sâu, đá tảng, gốc cây, chướng ngại vật, chỉ cần bất cẩn người lặn dễ trở thành nạn nhân”, Thượng úy Tượng vẫn chưa hết cảm giác lo âu dù vụ tai nạn đã xảy ra hơn một tháng.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH thực tập lặn cứu nạn ở hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH thực tập lặn cứu nạn ở hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).

Trước đó vào tháng 9-2019, nhận được tin báo, cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ số 1 (Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH) cấp tốc có mặt tại hiện trường để tìm kiếm nạn nhân đi làm rẫy về bị nước cuốn trôi xuống suối làng Mông 3 (ở xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar). Nơi xảy ra vụ đuối nước là vùng rừng núi, chỉ có các lối mòn nhỏ lầy lội, gập ghềnh nên xe chuyên dụng không thể vào được, các chiến sĩ phải mang vác dụng cụ cứu nạn và nhờ xe máy cày của người dân để chở xuồng cao su, máy phát điện, động cơ gắn xuồng vào vùng xảy ra tai nạn cách nơi đậu xe hơn 10 km.

Trời mưa to, nước suối dâng cao, chảy xiết, cả Đội ướt cóng, đói khát, xung quanh không hề có nhà dân nên cứ phải bấm bụng tiếp tục tìm kiếm, chờ tốp khác vào thay ca, tiếp viện. Gần 20 cán bộ, chiến sĩ của Đội cứ thế thay nhau tìm kiếm rõng rã 4 ngày đêm mới tìm thấy thi thể nạn nhân mắc kẹt trong một lùm rễ tre cách nơi xảy ra tai nạn hơn 10 km...

Mùa mưa lũ, công việc của lực lượng cứu nạn cứu hộ càng bận rộn hơn, không chỉ thực hiện nhiệm vụ ở những vùng sông suối, vùng xa mà ngay trung tâm TP. Buôn Ma Thuột cũng có nhiều vùng trũng bị ngập lụt. Trận mưa to kéo dài vào những ngày đầu tháng 8-2019 làm cho một số nơi trên địa bàn huyện Buôn Đôn, Ea Súp và TP. Buôn Ma Thuột ngập nước, nhiều nhà dân bị cô lập. Ngay lập tức, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH huy động 100% nhân lực, chia thành nhiều tốp, phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương và các lực lượng cứu hộ khác triển khai công tác cứu hộ.

Trong 2 ngày 7 và 8-8-2019, Phòng thực hiện cứu hộ, cứu nạn  8 vụ, cứu được 37 người dân, đưa đến vùng an toàn. Gian nan, vất vả nhất là vụ cứu hộ ở buôn Drang Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) lúc nửa đêm 7-8. Đường đi vào nơi cứu bị ngập lụt xe không thể vào được, 13 cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy, cứu nạn cứu hộ số 6 đã đi bộ 18 km và mang vác đủ loại phương tiện cứu nạn cứu hộ giữa đêm mưa gió tầm tã. Đến khoảng 3 giờ 30 phút ngày 8-8, các chiến sĩ đã tiếp cận được hiện trường và sau đó 2 giờ, cả  6 nạn nhân, trong đó có 1 phụ nữ và 2 trẻ em đã được cứu hộ an toàn…

Luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ

Công việc cứu người vất vả, hiểm nguy, ngoài kỹ năng chuyên nghiệp, trang thiết bị phù hợp, các chiến sĩ nơi tuyến đầu cứu nạn cứu hộ phải có "tinh thần thép", sự bình tĩnh, mềm mỏng, khéo léo xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra.

Tình huống mà các chiến sĩ gặp phải trong lúc thực hiện nhiệm vụ là tâm lý thương xót người thân. Người nhà nạn nhân không chỉ khóc than, mà đôi khi quá nôn nóng đã mất bình tĩnh, không kiềm chế được cảm xúc, nhiều lúc trách móc lực lượng cứu nạn cứu hộ nặng lời. Với những nạn nhân đuối nước thời gian tìm kiếm lâu, thi thể được tìm thấy đang trong quá trình phân hủy, các chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ phải vững vàng tâm lý chiến thắng sự sợ hãi của bản thân…

Đội Chữa cháy cứu nạn cứu hộ số 1 (Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH) suốt đêm tìm kiếm thi thể nạn nhân dưới sông Sêrêpốk.
Đội Chữa cháy cứu nạn cứu hộ số 1 (Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH) suốt đêm tìm kiếm thi thể nạn nhân dưới sông Sêrêpốk.

Làm việc trong môi trường gian khổ, đầy áp lực như vậy, các chiến sĩ phải tập trung hết sức, không một chút phân tâm, tìm cách tìm kiếm được nạn nhân sớm nhất có thể. "Điều khó khăn đối với cán bộ, chiến sĩ cứu nạn cứu hộ là thuyết phục được người nhà nạn nhân giao thi thể cho cơ quan chức năng thực hiện việc khám nghiệm tử thi đúng quy trình pháp luật và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho nạn nhân…", Đại úy Đoàn Quyết Thắng, Phó Đội trưởng Đội chữa cháy, cứu nạn cứu hộ số 1 (Phòng  Cảnh sát PCCC - CNCH) chia sẻ.

Để nâng cao hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân khi xảy ra các sự cố, tai nạn, hằng năm lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của tỉnh đều được bồi dưỡng kiến thức, huấn luyện chuyên sâu về kỹ năng bơi, lặn, sơ cứu ban đầu và cả kỹ năng mềm để thuyết phục, trấn an tâm lý, tinh thần người nhà nạn nhân...

Kết thúc đợt huấn luyện chuyên sâu, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC, CNCH đều phải trải qua đợt kiểm tra nghiêm ngặt, thực hành bơi lặn ở các ao hồ thường xuyên xảy ra những vụ việc đuối nước để tích lũy kinh nghiệm, đồng thời tự trang bị kỹ năng ứng phó độc lập trong các tình huống.

Minh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.