Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng phong trào Toàn dân phòng cháy chữa cháy sâu rộng, hiệu quả

06:14, 04/10/2020

Trong công tác đấu tranh với “giặc lửa”, việc phòng, chống từ cơ sở được xác định là yếu tố then chốt, có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Chính vì vậy, Công an tỉnh Đắk Lắk, trực tiếp là lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân PCCC” ngay từ cơ sở nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia PCCC.

Thời gian qua, công tác PCCC đã được xã hội hóa ngày càng sâu rộng, thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư cho hoạt động PCCC, góp phần đưa phong trào “Toàn dân PCCC” từng bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được xây dựng, duy trì và phát huy hiệu quả. Lực lượng PCCC ở cơ sở ngày càng được củng cố, kiện toàn về số lượng, bảo đảm về chất lượng, trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở và khu dân cư. Lực lượng này thường xuyên được huấn luyện nghiệp vụ và diễn tập các phương án PCCC nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng các phương tiện PCCC cũng như khả năng hiệp đồng tác chiến, chỉ huy, điều hành của cấp ủy, chính quyền và lực lượng PCCC cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, cơ quan doanh nghiệp đối với công tác PCCC.

   Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong ( xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) thực hành dập tắt bình gas đang cháy.    Ảnh:  Hiếu Hải
Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong ( xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) thực hành dập tắt bình gas đang cháy. Ảnh: Hiếu Hải

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng về cả số vụ và thiệt hại do cháy gây ra. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 252 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ, trong đó: xảy ra 248 vụ cháy, làm chết 5 người, bị thương 10 người, tài sản thiệt hại ước tính khoảng 69,1 tỷ đồng; xảy ra 4 vụ nổ làm bị thương 10 người.

Để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, trong thời gian tới phong trào “Toàn dân PCCC” phải thực sự được chú trọng hơn nữa, triển khai sâu rộng, vững chắc, hiệu quả.

Công tác PCCC không là trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm của toàn dân, của toàn xã hội.

Khoản 1, Điều 5 Luật PCCC quy định: “Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Vì vậy, phong trào PCCC cần được “Ngành ngành thực hiện, nhà nhà tham gia, người người làm theo”, phát triển ở các cơ quan, tổ chức, cơ sở, hộ gia đình, được mọi người dân ở thành thị, nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa tham gia.

Phong trào “Toàn dân PCCC” phải được duy trì thường xuyên, liên tục, ngày càng được nâng lên về chất lượng và thu hút đông đảo quần chúng tự giác, tích cực tham gia. Mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và các cá nhân phải tích cực tham gia công tác PCCC; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy phạm trong lĩnh vực PCCC. Chủ động nâng cao năng lực cho lực lượng PCCC tại chỗ (dân phòng, cơ sở, chuyên ngành) mạnh về chất, lớn về lượng, phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ); đồng thời tăng cường trang bị phương tiện PCCC đủ sức dập tắt các đám cháy khi vừa mới phát sinh, xây dựng phương án PCCC và bố trí thực tập sát với thực tế và đặc điểm tình hình cơ sở.

Để phong trào phát huy hiệu quả, có tác dụng thiết thực trong việc phòng ngừa, phát hiện và tổ chức chữa cháy tại chỗ kịp thời, ngăn chặn cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, lực lượng PCCC (dân phòng, cơ sở, chuyên ngành, Cảnh sát PCCC-CNCH) cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đổi mới về nội dung; xây dựng và nhân rộng các mô hình, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến về PCCC ở những nơi trọng điểm về PCCC; vận động nhân dân tích cực tham gia, từng bước xã hội hóa công tác PCCC. Ngoài ra, triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, kiềm chế gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra.

Đại tá Phạm Tiến Triệu

 Phó Giám đốc Công an tỉnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.