Multimedia Đọc Báo in

Sự hy sinh thầm lặng của những người lính cứu hỏa, cứu nạn cứu hộ

09:28, 27/10/2020

Băng mình qua “biển" lửa cứu người bị nạn, cứu tài sản; lặn lội trong mưa gió cứu giúp bà con vùng lũ; ngâm mình dưới đáy sông sâu buốt lạnh suốt ngày đêm tìm kiếm thi thể nạn nhân... là công việc của người lính phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) - Công an tỉnh.

Nặng nhọc, nguy hiểm luôn tiềm ẩn, song những người lính cứu hỏa luôn có mặt ngay từ đầu để cứu hộ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Mỗi vụ cháy, mỗi vụ tai nạn là một “cuộc chiến” với "kịch bản" hoàn toàn khác nhau, thách thức sự mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của người chỉ huy, chiến sĩ PCCC-CNCH. Họ thường xuyên đối mặt với nhiều vụ tai nạn lao động, tai nạn giao thông, đuối nước, cứu người từ hỏa hoạn, cứu người muốn quyên sinh..., dù ở tình huống nào vẫn luôn phải chạy đua với thời gian, bằng mọi cách cứu người, cứu tài sản. Trong trường hợp nạn nhân tử vong, phải tích cực tìm kiếm thi thể nhanh nhất để người thân họ bớt đau lòng... Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ là một lần hiểm nguy mà chỉ cần sơ suất một chút, cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu nạn, cứu hộ có thể là nạn nhân.

Những người lính cứu hỏa đang làm nhiệm vụ trong một vụ cháy.
Những người lính cứu hỏa đang làm nhiệm vụ trong một vụ cháy.

Ở những vụ cháy, không người lính cứu hỏa nào biết trước được trong ngôi nhà, trong công trình bị cháy đang chứa đựng những gì. Đáng sợ là khi bình gas, bình xăng, thùng đựng hóa chất phát nổ dưới sức nóng cao của lửa. Một tình huống thường xuyên xảy ra trong các vụ cháy nhưng khó đối phó là khi kết cấu của các công trình bị cháy rơi xuống hoặc đổ sập. Do vậy, khi tham gia cứu nạn, cứu hộ ở các vụ cháy, ngoài chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, đòi hỏi người lính cứu hỏa phải có khả năng phán đoán, cảnh giác cao độ để vừa dập lửa hiệu quả vừa tránh được thương tích… Song cho dù đã hết sức cẩn thận và được trang bị bảo hộ, nhưng vẫn khó tránh khỏi tai nạn, thương tích đáng tiếc xảy ra.

Vụ việc xảy ra gần đây nhất, vào đầu tháng 6-2020, trong khi chữa cháy một shop bán quần áo và hoa nhựa ở chợ Ea Kar (huyện Ea Kar), chiến sĩ Nguyễn Như Khang (Công an huyện Ea Kar) không may bị trượt chân ngã và bị kính đâm vào đùi... Hay trong quá trình tham gia chữa cháy một nhà dân hồi đầu năm 2020, chiến sĩ Phạm Huy Hoàng thuộc Đội chữa cháy, cứu nạn cứu hộ số 1 (Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH) đã bị tôn của mái nhà cắt đứt gân tay. Hai năm trước đó, trong vụ cháy tiệm hoa ở TP. Buôn Ma Thuột vì phải cố phá đến hai lớp cửa sắt nên đại úy Đoàn Quyết Thắng, Đội phó Đội chữa cháy, cứu nạn cứu hộ số 1 đã bị thương nặng rách toác bàn tay…

 
“Các vết bỏng, thương tích như trầy da, đứt, xước tay, chân xảy ra thường xuyên nên hầu như chẳng ai nhớ đến. Các vết thương cứ thế chồng lên nhau trên thân thể người lính cứu hỏa, cứu nạn cứu hộ. Bất kể ngày đêm, bất kể hiểm nguy, chúng tôi uôn trong tư thế chiến đấu với "giặc lửa" để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân...".
 
Thiếu tá Phùng Việt Đức - Đội trưởng Đội chữa cháy, cứu nạn cứu hộ số 1 (Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH)

Ngoài những hiểm nguy trên, không ít lần cán bộ, chiến sĩ PCCC-CNCH đối mặt với tình huống giữa sự sống và cái chết, giữa trách nhiệm và tình yêu nghề để rồi cuối cùng chọn sự hiểm nguy, quên mình hoàn thành nhiệm vụ. Đã hơn 3 năm, Trung úy Đinh Trọng Dũng, Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an huyện Krông Búk) vẫn nhớ như in khoảnh khắc thoát khỏi lưỡi hái của tử thần trong gang tấc. Vụ việc xảy ra khi anh tham gia vớt hai nạn nhân bị tử vong do ngạt khí dưới giếng tại buôn K'Bung A (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn). Giếng sâu hơn 23 m, bỏ hoang lâu, tích tụ nhiều khí độc, việc đưa thi thể hai nạn nhân lên gặp nhiều khó khăn…, Trung úy Dũng đã bị choáng, ngất ngay dưới giếng. Rất may đồng đội đã kịp thời phát hiện, kéo dây lên, cứu anh thoát khỏi cái chết. Và còn nhiều vụ tai nạn khi đang làm nhiệm vụ khiến cán bộ, chiến sĩ cứu hỏa mang thương tật, đau đớn suốt đời, như trường hợp thương binh Tạ Hoàng Sơn, trong lần chống bạo loạn ngày 10-4-2004 đã bị dao đâm vào đùi và bị ném đá vỡ xương hàm. Thương binh Nguyễn Văn Ánh, trong khi chỉ huy và trực tiếp tham gia chữa cháy một ngôi nhà trên đường Hoàng Diệu (TP. Buôn Ma Thuột) vào năm 2005, bất ngờ mái nhà sập hất anh từ trên cao rơi xuống đất vỡ xương chậu…

Một buổi  diễn tập  chữa cháy  và cứu nạn cứu hộ tại Bệnh viện  Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Một buổi diễn tập chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Nghề PCCC-CNCH mặc dù nặng nhọc, nguy hiểm, áp lực là vậy nhưng các anh không nản chí, ngày đêm làm việc hết mình với một chữ tâm. Đại úy Đoàn Quyết Thắng, Đội phó Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ số 1, chia sẻ, ở những thành phố lớn có đội cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp và riêng biệt, còn ở Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH của tỉnh chỉ có một lực lượng. Chính vì thế mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tập luyện tổng hợp, “đa năng”, từ chữa cháy, bơi, lặn, chạy, nhảy, leo trèo, khuân vác, cõng, cáng, học cách sơ cấp cứu… và học cả cách trấn an, thuyết phục đối tượng, nạn nhân, người nhà nạn nhân ở mọi tình huống. Tập luyện với cường độ cao, liên tục khó tránh khỏi tai nạn, thương tích, song lính cứu hỏa xác định đó chính là sự tôi luyện về chuyên môn, nghiệp vụ để sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách... “Lửa thử vàng, gian nan thử sức" - trong bất cứ trường hợp nào xảy ra, những người lính cứu hỏa luôn dặn lòng “Cứu tính mạng và tài sản của nhân dân là trên hết". 

Minh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.