Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng ngừa "giặc lửa"

08:45, 02/10/2020

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH), Công an tỉnh đã tập trung nâng cao toàn diện các mặt công tác; tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC, kịp thời phát hiện các tồn tại, thiếu sót về điều kiện đảm bảo an toàn PCCC để kiến nghị, hướng dẫn cơ sở khắc phục.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC, hướng dẫn kỹ năng xử lý ban đầu khi có cháy, nổ xảy ra; tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ; duy trì công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu đảm bảo chủ động về lực lượng, phương tiện để tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Theo thống kê, trong 9 tháng năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 32 vụ cháy làm 2 người bị thương, thiệt hại tài sản 6 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2019 số vụ cháy giảm 28 vụ, thiệt hại do cháy giảm 23,5 tỷ đồng. Đây là những kết quả cho thấy chất lượng công tác PCCC trên địa bàn tỉnh nâng cao rõ rệt, số vụ cháy, nổ được kéo giảm hiệu quả.

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Buôn Đôn thực hành sử dụng khăn để dập tắt bình gas đang cháy.  Ảnh: Hiếu Hải
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Buôn Đôn thực hành sử dụng khăn để dập tắt bình gas đang cháy. Ảnh: Hiếu Hải

Để kiềm chế tốt tình hình cháy, nổ, từng bước đưa công tác đảm bảo an toàn PCCC phát triển toàn diện, xuyên suốt, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh cần trở thành “cánh tay nối dài” đắc lực của lực lượng cảnh sát PCCC, qua đó chung tay cùng thực hiện tốt công tác phòng ngừa, phấn đấu không để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng.

Muốn làm được như vậy, người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức và từng cá nhân cần nâng cao vai trò trong công tác PCCC, coi đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, gia đình, bản thân chứ không chỉ riêng lực lượng cảnh sát PCCC. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC và CNCH, thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCC tại nơi làm việc, nơi sản xuất kinh doanh, sinh sống; tiến hành khắc phục các tồn tại, thiếu sót về điều kiện an toàn PCCC, không để tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ.

Mỗi người dân cần xây dựng thói quen thường xuyên kiểm tra hệ thống thiết bị điện, khắc phục các hỏng hóc có nguy cơ dẫn đến chạm chập, sự cố; chủ động thay thế các dây dẫn vỏ cách điện bị lão hóa, rạn nứt; kiểm tra hệ thống bếp gas, dây dẫn gas, thay mới các ống dẫn gas đã bị rạn nứt, hư hỏng; bố trí hàng hóa, vật dụng đảm bảo an toàn PCCC, nơi để các loại hàng hóa và đồ dùng dễ cháy phải cách xa nơi đun nấu và các nguồn nhiệt khác. Thực hiện nghiêm quy định trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, không đốt nhang, đèn thờ cúng và đun nấu trong khu vực sản xuất, văn phòng làm việc; không để vật tư, hàng hóa, phương tiện cản trở lối đi, lối thoát nạn. Không tàng trữ các chất nguy hiểm dễ cháy như: xăng, dầu, gas tại nơi làm việc và trong khu vực kinh doanh, bảo quản. Dự kiến các tình huống sự cố cháy, nổ có thể xảy ra tại nơi làm việc, kinh doanh để chuẩn bị sẵn sàng phương án xử lý ngay từ ban đầu; chủ động học tập, nghiên cứu nắm vững kỹ năng thoát nạn, cứu người và biện pháp xử lý khi có cháy, nổ.

Kịp thời thông báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC khi phát hiện có tình huống cháy, nổ xảy ra. Chủ động trang bị các thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thông dụng như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ phòng độc… để có thể xử lý và thoát nạn hiệu quả ngay khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Thượng tá Mai Văn Ngân

Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an tỉnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.