Multimedia Đọc Báo in

Thị xã Buôn Hồ: Siết chặt việc công nhận xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

08:37, 26/06/2020

Sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg, ngày 8-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thị xã Buôn Hồ đã mạnh dạn chuyển từ “lượng” sang “chất” nhằm đưa công tác này ngày càng đi vào chiều sâu.

Theo quy định, các xã, phường muốn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải thực hiện 5 tiêu chí về tiếp cận pháp luật gồm: bảo đảm thi hành hiến pháp và pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở cơ sở... Năm 2017, UBND thị xã Buôn Hồ đã ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với 7/12 xã, phường; năm 2018 có 10/12 xã, phường được công nhận. Tuy nhiên năm 2019, toàn thị xã chỉ có 4 phường gồm: An Lạc, Đoàn Kết, Thiện An và Bình Tân được công nhận.

Cán bộ Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Cán bộ Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Sở dĩ kết quả năm 2019 đạt thấp là do thị xã đã “siết chặt” công tác chấm điểm nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Bà La Thị Thanh Sang, Phó Phòng Tư pháp thị xã Buôn Hồ cho biết, mặc dù các địa phương tự chấm điểm khá cao (từ 92 đến 98 điểm, nằm trong khung điểm đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn) nhưng đều bị Hội đồng đánh “trượt”. Bởi các địa phương này không cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu kiểm chứng để phục vụ việc đánh giá, chấm điểm theo quy định. Việc tự chấm điểm, đánh giá tiếp cận pháp luật ở một số xã, phường còn mang tính hình thức, chưa phản ánh đúng tình hình thực tiễn của địa phương, có sự đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình triển khai; chưa niêm yết kết quả đánh giá, công bố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định. Những địa phương thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm đều được Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật thị xã ghi nhận, đánh giá cao và được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật 3 năm liền gồm: phường An Lạc, Đoàn Kết và Thiện An.

Xác định việc xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, UBND phường An Lạc đã quan tâm đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, phân công cán bộ phụ trách từng lĩnh vực, niêm yết đầy đủ TTHC, phát phiếu lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng về chất lượng, thái độ thực thi công vụ. UBND phường cũng thành lập 15 tổ hòa giải ở 15 tổ dân phố, buôn, kịp thời hòa giải các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn ở cơ sở. Hội LHPN phường còn thành lập tổ tư vấn cộng đồng nhằm tư vấn, giải đáp pháp luật cho hội viên, người dân. Hằng năm, lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường và các ban, ngành đều tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân.

Thành viên tổ hòa giải thôn 8 (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) gặp gỡ, trò chuyện với gia đình người dân trong thôn.
Thành viên tổ hòa giải thôn 8 (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) gặp gỡ, trò chuyện với gia đình người dân trong thôn.

Theo Chủ tịch UBND phường An Lạc H’Thúy Mlô, để hướng đến sự hài lòng của người dân, UBND phường chỉ đạo các cán bộ, công chức có thái độ đúng mực, tận tình phục vụ người dân, giải quyết các thủ tục đúng thời gian quy định, không để trễ hạn, nếu trễ phải xin lỗi bằng văn bản. Trong thực hiện quy chế dân chủ, mọi công việc, chủ trương của phường đều được công khai để người dân theo dõi, nắm bắt, giám sát việc thực hiện, tạo được sự đồng thuận. Nhờ vậy, phường An Lạc đã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận 3 năm liền (2017, 2018, 2019).

 

Thà số lượng xã, phường được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ít còn hơn nhiều mà không thực chất, vì việc triển khai công tác này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân nên không thể chỉ có trên hồ sơ, giấy tờ được”.

 
Ông Nguyễn Thanh Tùng

Theo Quyết định số 140/QĐ-UBND, ngày 17-1-2020 của UBND tỉnh về điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã thuộc thị xã Buôn Hồ, từ năm 2020, thị xã có 5 xã, phường loại I và 7 xã, phường loại II, không còn xã, phường loại III. Các xã, phường loại I và II muốn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải có tổng từ 80 điểm trở lên và không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa. Phó Chủ tịch UBND thị xã, Chủ tịch Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật thị xã Buôn Hồ Nguyễn Thanh Tùng cho hay, các xã phường loại I và loại II thì yêu cầu và số điểm càng cao hơn nên muốn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, các địa phương phải thực sự vào cuộc, không thể làm theo kiểu “đối phó” được.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tùng, để nâng cao chất lượng xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong thời gian tới, UBND thị xã Buôn Hồ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định trách nhiệm cụ thể, phân công cán bộ phụ trách từng lĩnh vực, đầu công việc gắn với kết quả đánh giá thi đua cuối năm. UBND thị xã cũng tăng cường tổ chức bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm thực hiện tốt công tác xây dựng và đánh giá xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở nhằm nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của người dân.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.