Multimedia Đọc Báo in

Cách khắc phục một số lỗi cơ bản thường gặp khi học lái xe

06:15, 12/04/2020

Năm 2011, sau nhiều năm lái xe tôi chuyển sang làm giáo viên dạy lái xe. Trong quá trình dạy học, tôi nhận ra nhiều học viên thường mắc một số lỗi cơ bản, cần được giáo viên hướng dẫn, chỉnh sửa cho hoàn thiện trước kỳ thi sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Việc khắc phục kịp thời những lỗi này sẽ giúp các học viên sau khi ra trường tránh được những tai nạn đáng tiếc khi lưu thông trên đường và đủ tự tin vận hành xe tham gia giao thông an toàn.

Sai từ tâm thế ngồi lái đến các thao tác cơ bản

Lần đầu tiên tôi được giao dạy kèm một người đàn ông khoảng 60 tuổi, bị cận nặng, đã trượt sát hạch 3 lần. Học viên lên xe, thắt dây an toàn rồi mà tâm thế vẫn cứ nhấp nhổm, mắt nhìn nhớn nhác. Ngay vạch xuất phát xe đang nổ máy nhưng ông vẫn tưởng chưa nổ, cứ vặn khóa đề liên tục khiến chiếc xe phát ra những tiếng kêu như gãy, vỡ. Khi khởi hành, ông nhả côn (ly hợp) đột ngột dẫn đến xe chết máy, nổ máy lại thì thao tác nhầm số, quên xi nhan, quên nhả phanh tay. Xe xuất phát thì giật cục, chồm chồm như con ngựa bất kham. Tay lái ông vặn theo mắt nhìn, chiếc xe cứ đánh võng như người say rượu. Tôi kiểm soát tay lái thì thầy kéo bên này, trò kéo bên kia như kiểu tranh nhau lái. Học viên mặt mày tái mét, mồ hôi như mưa, cả người ôm cứng vô lăng.

Giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Vinasme Tây Nguyên hướng dẫn học viên cách đóng mở cửa xe đúng cách.
Giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Vinasme Tây Nguyên hướng dẫn học viên cách đóng mở cửa xe đúng cách.

Tôi phải hướng dẫn học viên lại từ những thao tác cơ bản như: cách mở, đóng cửa khi lên xuống xe, cách chỉnh ghế, thắt và mở dây an toàn, tư thế ngồi lái, cách đạp côn dứt khoát và nhả côn từ từ, cách kéo và nhả phanh tay… Tôi yêu cầu ông làm đi làm lại nhiều lần các thao tác cho thật thành thạo mới cho chạy vào sa hình rồi chỉ cho học viên biết nguyên lý để chiếc xe chạy thẳng, khuyến khích ông tập lái một tay tìm cảm giác lái xe một cách nhàn nhã, không bấu víu, lên gân vào vô lăng. Một tay trái lái, tay còn lại tăng, giảm số linh hoạt, xe không bị choạng lái. Tôi lấy giấy bút rồi đọc cho học viên viết những nguyên tắc cơ bản mỗi khi lên xe để ông ghi nhớ: một là mở cửa, đóng cửa; hai là chỉnh ghế, chỉnh gương; ba là thắt dây an toàn; bốn là đạp côn vào số 1, nới côn tiếp giáp, nhả phanh tay… Tôi còn yêu cầu ông viết đi viết lại 10 lần bài thi sát hạch cho thuộc làu để có run, có hoảng loạn cỡ nào thì lý thuyết từng bài vẫn không thể quên… Những lý thuyết cơ bản phải nhớ nằm lòng thì khi ra đường tham gia giao thông mới không hoảng loạn, biết cách xử lý.

Sai thao tác kéo, nhả phanh tay

Hôm đó là ngày trước kỳ thi sát hạch quốc gia cấp giấy phép lái xe, trên sân tập các học viên đang tập trung ôn luyện. Một chiếc xe do phụ nữ điều khiển cứ đến bài dừng và khởi hành ngang dốc thì đứng gầm rú, giãy, trồi lên, tụt xuống một lúc, đèn báo đỏ rồi quay về xuất phát lại. Hỏi ra mới biết người phụ nữ đã 3 lần thi rớt sát hạch và luôn gặp khó khăn trong thao tác kéo, nhả phanh tay.

Tôi yêu cầu chị thực hiện động tác. Người phụ nữ nghiến răng ra sức kéo phanh tay lên, ở đoạn cuối chị dùng hai tay để kéo. Đoạn nhả phanh, chị vặn cả người để nhả phanh tay xuống. Làm lại lần nữa chị vẫn thao tác như vậy, vô cùng vất vả. Rõ ràng thao tác kéo và nhả phanh tay của chị sai dẫn đến xe chết máy giữa dốc nhiều lần vì lý do: khi kéo phanh tay lên chị đã kéo quá lực, đến khi cần nhả, chị lại dồn hết sức vào hai tay để nhả phanh, dẫn đến chân côn bung ra và chết máy; vội nổ máy lại khi phanh tay đã nhả dẫn đến trôi xe và… rớt sát hạch.

Tôi hướng dẫn chị tay trái để trên vành vô lăng ở tư thế đang lái, cầm tay phải của chị chỉ cách kéo phanh tay lên dứt khoát nhưng vừa sức đến khi có cảm giác hơi nặng thì dừng lại. Nâng nhẹ cần phanh, kết hợp đầu ngón tay cái nhấn nút khóa hãm, nhả tay phanh xuống hết hành trình. Tôi yêu cầu chị làm đi làm lại động tác kéo phanh tay lên và hạ xuống, đến khi thấy chị không còn lên gân khi kéo, nhả phanh tay nữa mới cho chị tập kết hợp khởi hành ngang dốc. Dừng đúng vạch, kéo phanh tay, chờ có lệnh đi tiếp mới nới nhẹ chân côn, xe rung nhẹ thì giữ im chân côn, bấm nhả phanh tay hết hành trình. Côn dần ra, ga dần vào cho xe lên dốc.

Cả hai học viên kể trên nằm trong vài trăm học viên mà tôi có dịp được hướng dẫn trong suốt 9 năm dạy lái đều vượt qua kỳ sát hạch quốc gia và có giấy phép lái xe. Mỗi khi dạy lái, tôi luôn nhắc học viên hãy cẩn thận, chạy chậm thì trước sau rồi cũng đến và phải bình tĩnh trong mọi tình huống. Những bài học trong trường lớp mới chỉ là những mảnh ghép cơ bản, còn thực tế lái xe có trăm nghìn tình huống, không cái nào giống cái nào… song thiếu một trong những mảnh ghép cơ bản ấy sẽ là những tai nạn đáng tiếc, có khi phải đánh đổi bằng tài sản, tính mạng người khác hoặc là chính mạng sống của mình. 

                             Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.