Multimedia Đọc Báo in

Nhiều điểm mới trong chính sách bảo hiểm y tế

08:54, 13/12/2018

Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã có hiệu lực từ 1-12-2018 với khá nhiều điểm mới nhằm bảo đảm tính công bằng trong thực hiện chính sách BHYT.

Nhiều đối tượng được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT

Một trong những điểm mới của Nghị định 146 đề cập là quy định 5 nhóm đối tượng được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT. Cụ thể, hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh cho các đối tượng gồm: người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; thân nhân của người có công với cách mạng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật đối với người hoạt động cách mạng trước năm 1945, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, trẻ em dưới 6 tuổi.

Chuyên viên BHXH huyện Ea Súp hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT.
Chuyên viên BHXH huyện Ea Súp hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT.

Đồng thời 3 nhóm đối tượng khác cũng được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh, gồm: người bệnh khám chữa bệnh tại tuyến xã; người bệnh có chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% lương cơ sở; người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ khi tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến).

Thành viên hộ gia đình không phải tham gia BHYT cùng lúc

Nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT theo hộ gia đình, góp phần mở rộng đối tượng BHYT, Nghị định 146 cũng quy định không bắt buộc toàn bộ thành viên hộ gia đình phải tham gia BHYT cùng một thời điểm và việc giảm trừ mức đóng khi thành viên thứ 2 tham gia được thực hiện trong năm tài chính.

Bên cạnh đó, Nghị định này cũng nêu rõ mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho một số đối tượng tham gia BHYT. Theo đó, từ ngày 1-12-2018, hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ. Đồng thời, hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo của Chính phủ ban hành; người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp người thuộc hộ gia đình nghèo theo tiêu chí về thu nhập, người thuộc hộ nghèo đa chiều có thiếu hụt về BHYT quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, mức hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT được áp dụng đối với học sinh, sinh viên; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ…

Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng thì được hưởng mức hỗ trợ đóng BHYT theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất.

Bảo đảm quyền lợi của người bệnh BHYT

Để tạo điều kiện cho người tham gia được hưởng quyền lợi tham gia BHYT 5 năm liên tục, Nghị định 146 bổ sung, điều chỉnh một số trường hợp được xác định là tham gia BHYT liên tục, gồm: người được cơ quan có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, làm việc tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có thân nhân đi theo (phu nhân, phu quân hoặc con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi); người đi lao động ở nước ngoài đã tham gia BHYT trước khi đi, nếu khi về nước tham gia BHYT trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh; đối tượng thuộc lực lượng vũ trang, cơ yếu khi nghỉ hưu, xuất ngũ, chuyển ngành hoặc thôi việc, nếu thời gian học tập, công tác trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và tổ chức cơ yếu chưa tham gia BHYT thì cũng được tính tham gia BHYT liên tục khi chuyển ngành.

Người bệnh BHYT khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột.
Người bệnh BHYT khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột.

Không những thế, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh BHYT, Nghị định 146 còn bổ sung và điều chỉnh một số trường hợp được BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh  theo quy định như trường hợp người bệnh được cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên chẩn đoán và phương thức điều trị được chuyển về theo dõi quản lý, cấp phát thuốc. Hay trường hợp cơ sở khám chữa bệnh chỉ cần chuyển mẫu bệnh phẩm, hoặc chuyển người bệnh lên tuyến trên đến cơ sở khám chữa bệnh khác xét nghiệm hoặc chụp X quang hay phục hồi chức năng thì cũng được bảo hiểm chi trả (trước đây, mỗi lần chuyển cơ sở khám chữa bệnh trong trường hợp bất khả kháng, người bệnh phải làm lại các xét nghiệm gây tốn kém không cần thiết).

Đặc biệt, người đang tham gia BHYT mà thẻ hết hạn sử dụng thì vẫn được hưởng BHYT khi khám chữa bệnh tại cơ sở đó, tối đa là 15 ngày từ khi hạn BHYT hết hạn. Trong vòng 15 ngày đó, cơ quan BHXH sẽ có trách nhiệm thực hiện cấp, gia hạn thẻ BHYT cho người bệnh. 

Khoản 3, Điều 14, Chương III của Nghị định 146/2018/NĐ-CP nêu rõ: Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến, sau đó được cơ sở nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến cơ sở khám chữa bệnh khác thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo như đi trái tuyến, trừ các trường hợp: cấp cứu; đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh; tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.