Multimedia Đọc Báo in

Tham gia giao thông an toàn: Hãy vì nụ cười con trẻ (Kỳ 2)

08:55, 03/10/2018

Kỳ 2: Chung tay bảo vệ trẻ em trước hiểm họa giao thông

Mỗi vụ tai nạn giao thông (TNGT) để lại hậu quả rất lớn đối với mọi gia đình và xã hội, trong đó không ít trẻ em đang tuổi ăn, tuổi học bỗng chốc trở thành những đứa trẻ mồ côi. Do đó, công tác bảo đảm  an toàn giao thông (ATGT) nói chung, cho trẻ em nói riêng cần được đặc biệt quan tâm.

Bơ vơ phận mồ côi

Còn nhớ vụ TNGT xảy ra vào rạng sáng 29-4-2017 tại km 14+550 Quốc lộ 27 (đoạn qua xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) khiến 2 vợ chồng tử vong tại chỗ. Vụ tai nạn thương tâm đã cướp đi sinh mạng của ông Bùi Thái Sở và bà Hoàng Thị Khánh Ly (ngụ xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn), để lại 3 đứa con đang tuổi ăn học. Còn quá nhỏ, 3 anh em Bùi Thanh Vũ (SN 1996), Bùi Thị Như Vân (SN 1998) và Bùi Xuân Viễn (SN 2000) đã phải trải qua nỗi đau tột cùng khi cùng lúc mất cả bố lẫn mẹ vì TNGT.

Trước đây, vợ chồng ông Sở thuê mặt bằng khu vực trung tâm huyện Buôn Đôn mở quán cơm, lấy công làm lãi, dành dụm nuôi 3 con ăn học. Do gia đình khó khăn, học hết cấp 3, Vũ theo học nghề tại một xưởng mộc trên địa bàn huyện, còn Vân học nghề trang điểm cô dâu ở TP. Buôn Ma Thuột. Bao nhiêu dự định của hai anh em đều tan biến khi tai họa TNGT ập đến. Từ ngày bố mẹ mất, hai anh em phải nghỉ học nghề, đi làm thuê kiếm tiền nuôi em Viễn học hết cấp 3. Cho đến giờ các em vẫn còn ám ảnh bởi chuyến đi định mệnh ấy. Vân kể trong nước mắt, sáng hôm đó, cả gia đình em đi Đà Lạt chơi bằng xe máy, bố chở mẹ, Vân chở em gái. Tầm gần 5 giờ sáng đến đoạn đường nói trên, xe máy của bố tông trúng một con chó chạy qua đường, cả bố và mẹ đều bị ngã xuống, sau đó xe có chiếc xe ben ngược chiều chạy ngang qua… Lúc đó, cả hai chị em đã bị ngất xỉu, không tin đó là sự thật.

Ông Nguyễn Văn Hà,  Chủ tịch UBND huyện Ea Kar trao mũ  bảo hiểm  và sách  làm quen  với luật an toàn giao thông tặng học sinh Trường  Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai,  thị trấn Ea Kar.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar trao mũ bảo hiểm và sách làm quen với luật an toàn giao thông tặng học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Ea Kar.

Không còn người nuôi nấng, mọi chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày và tiền học nghề của em Viễn, hai anh em Vũ, Vân cùng góp lại gửi cho em. Giờ Vũ phải vào TP. Hồ Chí Minh làm thuê cho một nhà hàng, Vân hằng ngày bán quán cơm ở trung tâm huyện, với mong muốn dành dụm được ít tiền để sau này có tiền học phí học lại nghề trang điểm đã bỏ dở trước đó. Ngôi nhà trước đây dù nghèo nhưng luôn rộn tiếng cười của mọi thành viên trong gia đình, giờ trở nên lạnh lẽo, thiếu vắng. Hằng ngày bà nội của 3 đứa trẻ năm nay gần 80 tuổi qua lại nhang khói cho bàn thờ 2 con. Bà bộc bạch, từ ngày con trai và con dâu mất, ngôi nhà như chốn không người, hai đứa cháu lớn lo làm kiếm tiền, đứa nhỏ cũng đi học xa nhà. Mỗi lần nhìn di ảnh hai con, nước mắt bà lại trào ra, mỗi khi các cháu ở nhà bà phải giấu nỗi đau ấy để động viên chúng vượt qua.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều trường hợp những đứa trẻ phải gánh chịu nỗi đau mất cha hoặc mẹ do TNGT. Trong đó, có những em may mắn còn người thân nuôi nấng, cũng không ít trẻ phải nương thân vào Trung tâm bảo trợ xã hội…

Nỗ lực giảm tổn thất do TNGT cho trẻ

Trước những thách thức to lớn cho công tác bảo đảm trật tự ATGT, Ủy ban ATGT Quốc gia đã xây dựng chương trình Năm ATGT 2018 với chủ đề "An toàn giao thông cho trẻ em", với mục tiêu phấn đấu giảm từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí; đặc biệt là giảm tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em 10% so với năm 2017.

Tại Đắk Lắk, nhiều chương trình, hoạt động nhằm mục đích giảm thiểu thương vong do TNGT đối với trẻ em đặc biệt được quan tâm, chú trọng trong nhiều năm nay. Theo đó, tỉnh và những sở, ngành liên quan đã phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền về ATGT cho lứa tuổi thanh, thiếu nhi, kết hợp trao tặng mũ bảo hiểm (MBH) cho các em học sinh trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như Chương trình “Ngày gia đình đi bộ hưởng ứng đội MBH cho trẻ em” do Công ty Yamaha Motor Việt Nam tài trợ vào năm 2013 đã trao tặng gần 15.000 MBH cho học sinh tiểu học ở một số trường trên địa bàn tỉnh; dự kiến trong năm nay Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ thực hiện Chương trình tặng MBH cho tất cả trẻ bước vào lớp 1 trong năm học 2018-2019 em với chủ đề “Giữ trọn ước mơ”…

Bà nội em Bùi Thị Như Vân an ủi, động viên cháu mỗi khi cháu buồn.
Bà nội em Bùi Thị Như Vân an ủi, động viên cháu mỗi khi cháu buồn.

Cùng với đó, chương trình tặng MBH cũng được Ban ATGT tỉnh đặc biệt quan tâm. Theo đó, hằng năm vào dịp đầu năm học mới, Ban ATGT đã tổ chức tặng khoảng 1.000 MBH cho học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số hoặc gia đình thuộc diện khó khăn tại các địa phương trong tỉnh. Đây là năm thứ 5 liên tục Ban ATGT tỉnh triển khai chương trình này, qua đó đã tặng khoảng 5.000 chiếc MBH cho các em học sinh trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm góp phần hình thành thói quen đội MBH cho học sinh khi tham gia giao thông. Đặc biệt, trong năm học mới 2018-2019, ngoài tặng 1.000 MBH cho học sinh, Ban ATGT còn tặng hơn 1.000 cuốn sách Làm quen với Luật giao thông cho các em bước vào lớp 1. Sách với nội dung ngắn gọn, chủ yếu bằng hình ảnh minh họa về các quy định liên quan đến Luật Giao thông đường bộ dành cho lứa tuổi học sinh tiểu học nên các em dễ nhớ, dễ hiểu. Em Nguyễn Hà Anh (lớp 1, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Ea Kar) vừa được Ban ATGT tỉnh tặng 1 chiếc MBH, em hồn nhiên chia sẻ, từ trước đến nay em ngồi trên xe gắn máy nhiều lần, nhưng chưa lần nào em đội MBH, nay được tặng mũ, được thầy cô giáo tuyên truyền em sẽ không quên thực hiện việc đội MBH khi ngồi trên xe máy…

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, nhất là chú trọng tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho các em học sinh, sinh viên nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho các em. Theo đó, vào đầu năm học mới, CSGT các địa phương trong tỉnh phối hợp với một số trường tiểu học, trung học cơ sở tổ chức nói chuyện chuyên đề, lồng ghép trong các buổi chào cờ, các tiết học ngoại khóa để tuyên truyền về ATGT cho các em học sinh. Từ kiến thức nắm được, các em sẽ dần dần thay đổi nhận thức, ý thức của mình để tham gia giao thông an toàn hơn. Đồng thời, các em sẽ trở thành những tuyên truyền viên để truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho những người xung quanh, thậm chí đối với các bậc phụ huynh khi tham gia giao thông.

Để các em tham gia giao thông an toàn, ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng, quan trọng nhất, mỗi bậc phụ huynh nên tạo cho con thói quen chấp hành đúng các quy định khi tham gia giao thông ngay từ lúc ra khỏi nhà, đồng thời bản thân phụ huynh cũng cần gương mẫu chấp hành để các em noi theo.

9 tháng năm 2018, Phòng CSGT – Công an tỉnh đã tổ chức 7 buổi tuyên truyền, giáo dục, vận động cho gần 4.000 lượt học sinh các trường THPT và người dân sống dọc các tuyến quốc lộ tham gia bảo đảm trật tự ATGT.

Hoàng Tuyết – Thùy Dung

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.