Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm làm giả giấy tờ

09:38, 24/02/2018
Những năm gần đây, tình hình tội phạm làm giả giấy tờ có nhiều diễn biến phức tạp.
 
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ vụ án Chu Ngọc Hải làm giả hàng loạt hồ sơ và chữ ký của Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh Krông Bông (Agribank Krông Bông) để rút tổng số tiền trên 120 tỷ đồng. Tính đến thời điểm bị bắt (tháng 5-2017), số tiền dư nợ từ số hồ sơ liên quan đến hành vi của Hải còn 118 tỷ đồng. Hay như vụ án Trần Ánh Tuyết, 37 tuổi (ở 164A Phan Chu Trinh, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã chiếm đoạt trên 1 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Nơ Trang Long, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột... Đây là hai vụ án đã làm cho các chiến sĩ Đội Giám định Kỹ thuật hình sự (KTHS) truyền thống và tài liệu, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh phải mất nhiều công sức điều tra.
 
Theo Thiếu tá Cao Tiến Trung, Đội trưởng Đội giám định KTHS truyền thống và tài liệu, ở vụ án Chu Ngọc Hải sự “điêu luyện” trong quá trình giả chữ ký của giám đốc ngân hàng thể hiện rõ ở sự ổn định trong các đường nét của chữ ký, mà ngay cả chủ chữ ký cũng không thể phân biệt được thật, giả. Ở vụ án của Trần Ánh Tuyết còn “đặc biệt” hơn, đối tượng đã làm giả tất cả các hồ sơ, trong đó có nhiều con dấu, chữ ký..., đến ngân hàng và các đơn vị công chứng cũng không phát hiện ra. 
 
Qua điều tra cho thấy, để thực hiện trót lọt các “phi vụ” lừa đảo ngân hàng, Tuyết đã thuê các đối tượng giao dịch qua mạng làm giả con dấu của UBND TP. Buôn Ma Thuột, UBND huyện Buôn Đôn, Văn phòng Công chứng Tây Nguyên, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Buôn Ma Thuột..., giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài liệu liên quan cần có trong hồ sơ vay vốn để nộp cho các ngân hàng. Dù đã xác định Tuyết làm giả giấy tờ, nhưng khi đến nhà khám xét, thu thập chứng cứ, đối tượng đã phi tang chứng cứ bằng cách dùng kéo cắt nát con dấu cao su giả. Đội giám định KTHS phải thu thập hàng trăm mảnh vụn của con dấu để ghép lại. “Chúng tôi tiến hành in và so sánh, đối chiếu với các hồ sơ. Dù quá trình ghép con dấu đã tạo ra những đặc điểm riêng mới, làm ảnh hưởng đến việc so sánh giữa hai bản thật và giả. Nhưng bản thân con dấu giả vẫn mang những đặc điểm riêng, nhất là trong con chữ như: góc, cạnh, các nét ngang, sổ, móc, hất... cho thấy sự tương đồng trên mẫu cần thẩm định. Ngoài ra, đối tượng còn giả chữ ký của nhiều người để làm giả hồ sơ. Mặc dù có sự tập luyện nhưng chữ ký còn khá thô, chưa đẹp, có những chữ ký không luyện được, đối tượng scan màu lại”, Thiếu tá Trung cho biết.
 
Cán bộ, Đội Giám định kỹ thuật hình sự đối chiếu chữ ký trong vụ án Chu Ngọc Hải.
Cán bộ, Đội Giám định kỹ thuật hình sự đối chiếu chữ ký trong vụ án Chu Ngọc Hải.
Liên quan đến giả chữ viết, trong vài năm trở lại đây, tình hình tội phạm về buôn bán xe máy giả ngày càng tăng và tinh vi hơn. Chỉ riêng năm 2017, Đội giám định KTHS Truyền thống và tài liệu đã thụ lý và giải quyết gần 100 xe máy được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh theo hình thức làm giả số khung, số máy và giấy tờ xe. Theo đó, một số đối tượng tiêu thụ xe máy trộm cắp, xe máy trôi nổi, xe máy nhập lậu về Việt Nam đã mài bỏ số khung, số máy cũ, sau đó lợi dụng công nghệ CNC (hệ thống máy tiện cơ khí khắc chữ được điều khiển bằng máy tính) để khắc lại số khung, số máy mới. Các dòng xe máy hay bị giả chủ yếu là Ablack của hãng Honda, Suzuki RGV... Theo giá thị trường, thì một chiếc Suzuki RGV có giá từ 180 - 220 triệu đồng, các đối tượng chỉ nhập xe với giá 20 - 30 triệu đồng, sau những lần “phẫu thuật thẩm mỹ”, chiếc xe máy được đưa ra thị trường với giá 120 - 150 triệu đồng. 
 
Để chiếc xe máy được hợp thức hóa, các đối tượng còn làm giả giấy tờ xe bằng cách mua lại các giấy tờ xe thật đã cũ, sau đó tách lớp ép plastic bên ngoài, dùng kim lẩy các hạt mực lấy đi phần số khung, số máy và dung tích xe, sau đó in lại nội dung mới và dùng nhiệt để ép lại, như vậy là đã có được giấy tờ mới giống như thật. Vì vậy, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm này, người dân nên đưa các giấy tờ cần thiết đến cơ quan có thẩm quyền thẩm định trước khi thực hiện giao dịch.
 
“Nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng tội phạm này vì một số đối tượng muốn trục lợi phục vụ cho nhu cầu tiêu xài cá nhân, công tác quản lý của một số bộ phận ở ngân hàng vẫn còn lỏng lẻo. Để phòng ngừa được tình trạng này, trước hết các khâu trong quản lý nhà nước phải được thực hiện nghiêm chỉnh, người dân nên kiểm tra giấy tờ tùy thân của người giao dịch để lưu lại phòng khi xảy ra sự cố”, thiếu tá Cao Tiến Trung, Đội trưởng Đội giám định KTHS truyền thống và tài liệu, Phòng Cảnh sát Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh).
 
Hoàng Ân

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.