Multimedia Đọc Báo in

Tai nạn điện - hiểm họa khôn lường

08:01, 07/08/2017

Thời gian gần đây, tại một số địa phương trong tỉnh, nhất là ở khu vực nông thôn đã xảy ra nhiều vụ tai nạn điện gây chết người. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chủ quan, bất cẩn trong quá trình sử dụng điện sản xuất, sinh hoạt.

Những tai nạn thương tâm

Theo thống kê của Công ty Điện lực Đắk Lắk, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra ít nhất 6 vụ tai nạn điện giật do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, trung áp và hàng chục vụ tai nạn điện trong sinh hoạt, nhất là khu vực nông thôn.

Để ngăn chặn gia súc phá hoại cây trồng, ngày 15-12-2016 ông Nguyễn Bá Thịnh (SN 1963, trú tại thôn 5, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) đã đấu nối dây dẫn điện vào hàng rào thép gai quanh vườn nhà mình. Vào khoảng 9 giờ 30 phút ngày 17-12-2016, anh Ai Pai (SN 1991, dân tộc Vân Kiều) ở buôn Kruc (cùng xã) đi bắt rắn, ếch gần khu vườn nhà ông Thịnh đã vô tình chạm vào hàng rào dây thép bị điện giật tử vong tại chỗ. Mới đây, TAND tỉnh đã tổ chức phiên tòa hình sự sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bá Thịnh 7 năm 6 tháng tù về tội giết người, đồng thời còn phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 149 triệu đồng.

Đã nhiều tháng trôi qua kể từ sau vụ tai nạn điện dẫn đến cái chết thương tâm của anh Đinh Quang Minh (SN 1994, trú tại thôn Hợp Thành, xã Cư Kpô, huyện Krông Búk), người nhà nạn nhân vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, mẹ anh Minh kể: Minh mới cưới vợ và sinh con chưa đầy một tháng tuổi. Trưa 29-4-2017, trong lúc đào giếng thuê cho người dân gần nhà, Minh sơ ý chạm vào dây điện dẫn bóng thắp sáng xuống giếng (bị guồng quay cáp kẹp hở) giật tử vong.

Dây điện 3 pha  kéo qua rẫy nhà ông Nguyễn Duyên  ở thôn 1,  xã Ea Hiao (huyện  Ea H’leo)  chỉ ngang vai người đứng,  rất nguy hiểm.
Dây điện 3 pha kéo qua rẫy nhà ông Nguyễn Duyên ở thôn 1, xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo) chỉ ngang vai người đứng, rất nguy hiểm.

Hay như trường hợp mới đây, vào ngày 19-7-2017, anh Y Thoan Niê (SN 1998, trú tại buôn Tham, xã Ea Bông, huyện Krông Ana) trong lúc làm thuê cho hộ ông Nguyễn Thái Bình ở thôn 10-3 (cùng xã), khi trèo lên cây muồng (gần trụ điện 128/17/28 ĐD471KNA) để chặt cành, do không có biện pháp an toàn nên ngọn muồng đổ vào đường dây điện trung thế đã gây phóng điện giật trọng thương. Y Thoan bị bỏng nặng trên 50% cơ thể, phải cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Nâng cao ý thức,  bảo đảm an toàn sử dụng điện

Theo ông Tạ Minh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk, phần lớn các vụ tai nạn điện là do người dân chủ quan, bất cẩn và thiếu hiểu biết trong sử dụng điện. Phổ biến là tình trạng “chia hơi” đồng hồ điện sinh hoạt, sản xuất ở các vùng nông thôn và việc trồng, chặt cây, thu hoạch quả trên cao vi phạm hành lang an toàn điện. Trong khi đó, hiện nay ngành điện chỉ quản lý, vận hành điện đến công tơ của khách hàng, còn sau đó, người dân thường kéo dây điện vô tội vạ, giăng mắc tràn lan qua vườn, rẫy, vào trụ gỗ, lùm cây cũng như sử dụng dây kéo điện không đúng tiêu chuẩn, bong tróc, rò rỉ điện. Trong quá trình thi công nhà cửa, sản xuất, trồng cây, nhiều gia đình cũng bất cẩn hoặc vi phạm hành lang an toàn lưới điện dẫn đến các sự cố điện đáng tiếc.

Ông Bùi Khắc Dũng, Trưởng Phòng An toàn điện (Công ty Điện lực Đắk Lắk) cho biết, thời gian qua, ngành điện đã có nhiều nỗ lực đầu tư, cải tạo mạng lưới điện vùng nông thôn; đẩy mạnh công tác vận động, hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tuyên truyền về Luật Điện lực… thông qua nhiều hình thức. Thế nhưng, ý thức người dân về sử dụng điện an toàn chưa có sự cải thiện rõ nét; mạng lưới điện ở khu vực nông thôn vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trên thực tế, việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm Luật Điện lực rất khó, nhất là trường hợp nạn nhân chính là người thân của người vi phạm, thậm chí cũng chính là “thủ phạm”.

“Để hệ thống lưới điện bảo đảm an toàn, giảm thiểu thấp nhất rủi ro tai nạn điện, ngoài nỗ lực của ngành điện thì các cấp chính quyền, đoàn thể cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về cách phòng tránh tai nạn điện, sử dụng điện an toàn đối với từng địa phương, từng hộ gia đình. Cùng với đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ an toàn lưới điện theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP, ngày 26-2-2014 của Chính phủ; thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp hệ thống lưới điện sau công tơ để bảo đảm an toàn, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra… ”- ông Dũng chia sẻ.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.