Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo bằng cách rao bán tiền giả trên mạng

07:37, 03/04/2017

Buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng thời gian gần đây, tiền giả lại trở thành món hàng được rao bán công khai trên các trang mạng xã hội.

Từ rao bán tiền giả

Chỉ cần một cú kích chuột vào ô tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook sẽ ngay lập tức hiển thị rất nhiều địa chỉ rao bán tiền giả với những cái tên đầy tin cậy như “Mua bán tiền giả không cọc - đảm bảo uy tín”, “Mua bán tiền giả - giao hàng toàn quốc – uy tín 100%”... Đa số các nhóm, trang (page) buôn bán tiền giả đều để ở chế độ công khai cho mọi đối tượng dễ dàng nhìn thấy, giao dịch. Thử kích chuột vào nhóm “Mua bán tiền giả không cọc - đảm bảo uy tín”, hiện ra trước mắt là hàng loạt các facebook cá nhân liên tục đăng tin quảng cáo bán tiền giả, kèm theo đó là hàng trăm lượt bình luận, hỏi han cách thức mua hàng, tất cả đều diễn ra một cách “thản nhiên” như thách thức pháp luật.

Trên trang Facebook Sang Sang Tran (TP. Hồ Chí Minh) liên tục rao bán tiền giả với những lời mời chào như: “Làm giàu không khó, ai có nhu cầu thì liên hệ mình sẽ tư vấn nhiệt tình. 1 triệu tiền thật đổi được 10 triệu tiền giả. Mệnh giá: (500k, 200k, 100k, 50k). Chất lượng Polymer giống thật 99%. Số sê-ri khác nhau dễ tiêu thụ. Mình làm ăn uy tín, đảm bảo an toàn”. Tương tự, trên Facebook Nguyen Thi Duyen (Lạng Sơn) thì đánh vào tâm lý cần tiền của một số đối tượng như: “Bạn đang gặp khó khăn về tài chính. Bạn đang là học sinh, sinh viên hay người đi làm nhưng thu nhập không ổn định, hoạc bạn đang cần tiền để kinh doanh. Hãy để chúng tôi tháo gỡ giúp bạn”...

Một trang rao bán tiền giả trên Facebook.    Ảnh: Chụp từ màn hình
Một trang rao bán tiền giả trên Facebook. (Ảnh: Chụp từ màn hình)

Tất cả các địa chỉ rao bán trên đều “tư vấn” nhiệt tình cho khách hàng cách tiêu tiền giả để không bị phát hiện: “Mua nhỏ lẻ ở mấy tiệm tạp hóa, cây xăng, quán ăn. Không tham lam, không tiêu xài quá trớn hay tỏ ra giàu có hơn bình thường để người khác nghi ngờ. Tốt nhất nên dùng ở vùng quê, nông thôn, vùng sâu, vùng xa…”. Trước những lời rao bán đó, nhiều người hám tiền đã đồng ý giao dịch, thậm chí có người còn mạo hiểm để lại số điện thoại với lời nhắn “Để cho mình 5 triệu loại 200k dùng thử, nếu được thì lấy nhiều”.

Đến lừa đảo

Theo một số người dùng mạng xã hội, việc mua bán tiền giả trên Facebook là không có thực, đó chỉ là chiêu trò lừa đảo hòng chiếm đoạt tiền thật của những người nhẹ dạ cả tin bằng thủ đoạn yêu cầu người mua gửi mã thẻ cào điện thoại hoặc chuyển khoản trước, sau đó tiền giả sẽ được gửi đến người mua qua bưu điện, xe khách.

Tuy nhiên, khi người mua gửi tiền hoặc thẻ cào xong thì các đối tượng này ngay lập tức cắt đứt liên lạc, còn nạn nhân thì không dám trình báo sự việc lên cơ quan chức năng. Dạo quanh các trang, nhóm mua bán tiền giả nếu tinh ý dễ nhận thấy các nick rao bán tiền giả phần lớn là ảo, các đối tượng lừa đảo đều không dám đăng hình ảnh, khai báo danh tính, địa chỉ thật của mình.

Trên thực tế, mọi hoạt động mua bán, lưu hành tiền giả đều bị pháp luật nghiêm trị. Cuối năm 2016, Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố bắt tạm giam một đối tượng tên D. về hành vi lưu hành tiền giả. Trước đó, từ tháng 6 đến tháng 9- 2016, D. đã nhiều lần nhận tiền giả loại mệnh giá 200 nghìn đồng (tổng cộng 9,2 triệu đồng) của một người không rõ lai lịch rồi mang về xã vùng sâu Cư Đrăm (huyện Krông Bông) tiêu thụ. Sau khi tiêu thụ trót lọt được 6 triệu đồng thì bị người dân phát hiện bắt giữ giao cho cơ quan công an.

Rao bán tiền giả trên mạng xã hội là một thủ đoạn lừa đảo nên người dân cần cảnh giác để tránh “tiền mất, tật mang”. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng rao bán tiền giả trên mạng. Nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội nên có biện pháp ngăn chặn, xử lý những thông tin tiêu cực, tránh để cho các đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.