Multimedia Đọc Báo in

Chuyện cứu hộ ở Trà Leng

06:59, 16/11/2020

Tham gia đào bới, tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân bị chết và mất tích trong vụ sạt lở đất kinh hoàng xảy ra tại nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) từ ngày 28-10 đến nay, có 4 chiến sĩ quê ở TX. Buôn Hồ, hiện đang công tác tại Đại đội cứu hộ cứu nạn 12, Tiểu đoàn vượt sông 4, Lữ đoàn Công binh 270, Quân khu 5.

Bão chồng bão, lũ chồng lũ, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất luôn tiềm ẩn, điều kiện sinh hoạt tạm bợ, khối lượng công việc nhiều, thường xuyên phải thức khuya dậy sớm, song gần ba tuần nay, các anh vẫn luôn sát cánh cùng đồng đội, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nhận lệnh lên Trà Leng tối muộn 28-10, dù cả ngày căng mình giúp người dân TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) chống bão số 9, các chiến sĩ Đại đội cứu hộ cứu nạn 12 khẩn trương lên đường. Con đường độc đạo dài gần 130 km từ TP. Tam Kỳ lên Trà Leng vốn đã khó đi, sau bão, cây cối, cột điện gãy đổ ngổn ngang, nhiều đoạn bị ngập sâu, sạt lở khiến việc hành quân cơ động trở nên rất khó khăn. Quyết tâm có mặt tại Trà Leng trong thời gian sớm nhất, với các phương tiện, trang bị chuyên dụng, hiện đại, bộ đội công binh vừa đi vừa nỗ lực mở đường. Gần trưa, khi còn cách hiện trường vụ sạt lở hơn 16 km, qua thông tin của cấp ủy, chính quyền địa phương, biết tuyến đường độc đạo phía trước có nhiều điểm bị chia cắt bởi đất, đá, cành cây gãy đổ, Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5 đã ra lệnh cho các lực lượng xuống xe, tổ chức hành quân bộ lên thôn 1 để kịp thời triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ người mất tích.

Binh nhất Y Ngon Mlô và các đồng đội khoan cắt bê tông, tìm các nạn nhân mất tích tại hiện trường  vụ sạt lở đất.  Ảnh: V. Hùng
Binh nhất Y Ngon Mlô và các đồng đội khoan cắt bê tông, tìm các nạn nhân mất tích tại hiện trường vụ sạt lở đất.

Chiều muộn, vừa có mặt tại hiện trường, các đơn vị nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện, tổ chức tìm kiếm các nạn nhân. Dưới đám bùn đất nhầy nhụa ngập đến nửa người, các binh nhất Y Gin Niê, La Văn Quý, Y Ngon Mlô, Y Bon Mlô – bốn chàng trai quê Đắk Lắk và các chiến sĩ trẻ vừa tích cực đào bới vừa thay nhau thu dọn hiện trường, giải phóng mặt bằng. Cách đó không xa, bên những ngôi mộ mới đắp lúc chiều trên những ngọn đồi cao, hàng trăm người dân vẫn chờ đón thông tin của người thân trong mỏi mòn, vô vọng. Để đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm các nạn nhân mất tích, đêm 29-10, sau khi mở thông đường, hàng chục máy ủi, máy xúc và đội chó nghiệp vụ của bộ đội biên phòng đã cơ động vào được thôn 1, xã Trà Leng. Sau 3 ngày tìm kiếm, lực lượng cứu hộ tìm được 8 nạn nhân đã tử vong trong đống đổ nát. Sang ngày thứ tư, bên cạnh việc huy động lực lượng tổ chức đào bới trên diện rộng để tìm kiếm các nạn nhân mất tích, bộ đội còn sử dụng ca nô, xuồng máy tích cực tìm kiếm trên sông Leng, sông Dơn, sông Nước Xa, sông Nước Ta và sông Tranh.

Binh nhất La Văn Quý chia sẻ: “Quá trình tìm kiếm, nếu phát hiện khu vực nào có nhiều quạ, diều hâu, ruồi nhặng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc là chúng tôi lập tức tiếp cận và tổ chức tìm kiếm ngay, bởi ở đó thường có xác động vật hoặc thi thể người đang phân hủy. Sau gần 5 ngày nỗ lực tìm kiếm, sáng 4-11, lực lượng cứu hộ đã tìm thêm được thi thể của một bé gái 9 tuổi, bị mắc kẹt trong một gốc cây to phía bên kia bờ sông Leng, cách hiện trường vụ sạt lở khoảng 3 km”. Binh nhất Y Bon Mlô kể: “Khi lũ tràn về, mực nước trên các con sông dâng lên rất cao, chúng tôi vừa tập trung quan sát dưới lòng sông, lòng suối vừa phải để ý cả trên bờ, phòng khi các nạn nhân bị mắc lại trên các lùm cây, hốc đá. Có chỗ gỗ, rác, cành cây dày đến 2 - 3 mét, bộ đội phải dùng sức tản chúng ra, để những thứ chìm sâu bên dưới có thể nổi lên trên. Thường xuyên ngâm mình trong nước, mặc đồ ẩm ướt, ai cũng ngứa ngáy, đỏ hết cả người, song vì nhiệm vụ, chúng tôi luôn cố gắng hết mình, chỉ mong sao sớm tìm được các nạn nhân còn lại".

Binh nhất Y Gin Niê bơi thuyền trên thủy điện Sông Tranh 2 tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Binh nhất Y Gin Niê bơi thuyền trên thủy điện Sông Tranh 2 tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Vất vả là vậy, song mỗi lần phải tạm dừng công việc tìm kiếm vì mưa bão, các cán bộ, chiến sĩ lại tích cực tham gia hỗ trợ cô trò các trường mẫu giáo, tiểu học ở Trà Leng, Trà Dơn, Trà Mai tổng dọn vệ sinh trường lớp, sửa chữa bàn ghế, đồ dùng học tập. Thiếu tá Trương Minh Mỹ, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn vượt sông 4 nhận xét: “Các chiến sĩ sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên thường có sức khỏe tốt hơn hẳn so với các thanh niên khác. Khả năng lội suối, băng rừng, dầm mưa, dãi nắng của họ cũng rất giỏi. Quá trình tham gia cứu hộ tại Trà Leng, bốn chiến sĩ người Đắk Lắk luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, vừa sẵn sàng chi viện, hỗ trợ cho các hướng, các mũi khác rất hiệu quả”.

Việt Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.