Multimedia Đọc Báo in

Hướng phát triển kinh tế mới của phụ nữ xã Ea Na

08:04, 23/09/2020

Hơn 3 năm qua, mô hình khởi nghiệp từ chăn nuôi dê của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ea Na (huyện Krông Ana) đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp nhiều chị em khó khăn cải thiện cuộc sống.

Lập gia đình rồi ra ở riêng từ năm 2015, không có đất sản xuất nên để có tiền trang trải sinh hoạt gia đình, vợ chồng chị Lường Thị Lý (thôn Quỳnh Ngọc) phải đi làm thuê vất vả. Năm 2017, chị Lý được Hội LHPN xã giúp đỡ vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư mua 10 con dê giống về nuôi. Chị chịu khó học hỏi kỹ thuật từ sách báo cũng như kinh nghiệm của các hộ trong thôn để áp dụng vào chăn nuôi nên đàn dê của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, trong trang trại chăn nuôi của gia đình luôn duy trì khoảng 70 con dê thịt, cho thu nhập bình quân mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Không chỉ là tấm gương sáng trong phong trào khởi nghiệp, chị Lường Thị Lý còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ con giống cho các chị em có nhu cầu chăn nuôi dê trên địa bàn.

Trang trại nuôi dê của gia đình chị Lường Thị Lý.
Trang trại nuôi dê của gia đình chị Lường Thị Lý.

Cũng giống gia đình chị Lý, năm 2018, chị Lê Thị Tuyết (thôn Quỳnh Ngọc) được Hội LHPN xã hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi dê. Từ 2 con dê mẹ ban đầu, hơn 1 năm chăn nuôi, chị cho xuất chuồng 8 con dê thịt và mua thêm 1 dê đực về để gây giống. Chị Tuyết chia sẻ: “Gia đình tôi áp dụng hình thức nuôi dê bán chăn thả, mỗi ngày thả cho ăn cỏ từ 2 – 3 tiếng đồng hồ, kết hợp cắt lá cho ăn thêm tại chuồng. Tận dụng được nguồn thức ăn từ vườn nhà như cỏ, các loại lá keo, lá mít... nên giảm chi phí đầu vào, có lãi hơn nhiều so với các loại vật nuôi khác, tôi mong muốn được vay thêm vốn để mở rộng chuồng, phát triển thêm”.

Chị Nguyễn Thị Vi (thôn Quỳnh Ngọc) thuộc diện gia đình khó khăn cũng được Hội LHPN xã hỗ trợ vay 30 triệu đồng để đầu tư nuôi dê. Ngay lứa đầu tiên, 4 con dê cái đã sinh sản 12 con dê con. Chỉ sau một năm chị Vi đã có lãi, trả được khoản tiền vay mua dê giống. Đến nay, không chỉ trả hết nợ, mở rộng chuồng trại chăn nuôi, chị Vi còn mua thêm được 7 sào đất trồng điều. Đây cũng chính là động lực giúp chị kiên trì phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Cán bộ Hội LHPN xã Ea Na (bìa phải) hướng dẫn hội viên phụ nữ thủ tục vay vốn ưu đãi.
Cán bộ Hội LHPN xã Ea Na (bìa phải) hướng dẫn hội viên phụ nữ thủ tục vay vốn ưu đãi.
 
“Mô hình nuôi dê thương phẩm đang là một hướng đi phù hợp, tạo động lực để hội viên phụ nữ khó khăn có điều kiện mở rộng sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống; đồng thời giúp chị em phát huy được tính tự chủ trong phát triển kinh tế”.
 
Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Na Lưu Thị Gấm

Nhận thấy mô hình nuôi dê đem lại hiệu quả cho nhiều gia đình phụ nữ trên địa bàn, Hội LHPN xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp chị em tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; đồng thời huy động vốn khởi nghiệp từ Hội LHPN tỉnh, huyện; vận động hội viên thành lập các tổ tiết kiệm, tổ tương trợ, tổ xoay vòng vốn để góp vốn giúp đỡ cho các hội viên khó khăn với lãi suất vay thấp.

Ngoài ra, Hội phối hợp với các đơn vị vận động chị em tham gia các lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật chăn nuôi dê, chăm sóc thú y; tham gia các chương trình học ngắn hạn để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi. Hiện trên địa bàn xã có gần 40 gia đình hội viên phụ nữ phát triển kinh tế từ nuôi dê với tổng đàn hơn 1.000 con. Đầu ra mô hình nuôi dê của các chị em khá ổn định do nhu cầu của thị trường khá cao, nhờ vậy thu nhập được cải thiện đáng kể.

Thời gian tới, Hội đang lên kế hoạch xây dựng tổ hợp tác chăn nuôi dê trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chị em tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi cũng như tập huấn khoa học kỹ thuật, tham quan mô hình, hỗ trợ trang thiết bị máy móc, đầu ra… nhằm tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao; từng bước ổn định và phát triển kinh tế hộ gia đình.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.