Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh - "Thành trì" phòng chống dịch Covid-19
Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Đa phần người dân đã quay trở lại với cuộc sống bình thường sau những ngày chống chọi với dịch bệnh căng thẳng. Tuy vậy, đối với những y bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh - nơi đang điều trị 2 bệnh nhân mắc Covid-19 và những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh vẫn đang tiếp tục với công việc của mình, vững vàng, kiên cường nơi tuyến đầu với “cuộc chiến” chống dịch.
Thiết lập “rào chắn” vững vàng
Cuối tháng 7-2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 1 ca mắc bệnh đầu tiên trở về từ Đà Nẵng (BN 448), sau đó thêm 2 ca mắc (BN 601, 602) và hàng chục người nghi nhiễm. Được chọn làm nơi tiếp nhận, khám sàng lọc và điều trị các trường hợp mắc và nghi mắc Covid-19, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh nhanh chóng thiết lập "rào chắn" nhằm đáp ứng những yêu cầu với cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.
Bác sĩ Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cho biết, với trách nhiệm là một cơ sở điều trị các loại bệnh liên quan đến hô hấp lớn nhất tỉnh nên đơn vị không bất ngờ khi được chọn là nơi tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị các trường hợp mắc hoặc nghi nhiễm Covid-19. Sau khi nhận “lệnh”, đơn vị đã tiến hành kích hoạt đồng bộ nhiều giải pháp vừa bảo đảm phòng, chống dịch vừa bảo vệ sức khỏe, an toàn cho những bệnh nhân đang điều trị tại đây. Để phù hợp cho tình hình mới, đơn vị đã tiến hành “giải phóng” tất cả các bệnh nhân đang điều trị, các bệnh nhân mắc bệnh lao tạm ổn định có thể điều trị hồi cứu được chuyển về Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố; những bệnh nhân cần theo dõi được chuyển sang khu D, Bệnh viện Tâm thần tỉnh; những bệnh nhân nặng được chuyển xuống Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị. Với những bệnh nhân mắc bệnh phổi khác, bệnh nhẹ thì chuyển về các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố, bệnh nặng chuyển sang Bệnh viện vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị.
Phun hóa chất khử khuẩn khu cách ly tập trung của cán bộ y tế tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. |
Sau khi chuyển xong bệnh nhân, bệnh viện đã phun khử khuẩn toàn bộ bệnh viện trước khi tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. Cùng với đó, thiết lập 5 khu cách ly gồm: khu tiếp đón, khám sàng lọc bệnh nhân; khu cách ly bệnh nhân nghi ngờ nhiễm; khu cách ly bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính; khu cách ly điều trị các bệnh nhân nặng, cấp cứu cần phải thở máy; khu điều trị bệnh nhân chờ hồi phục để xuất viện nhằm đáp ứng việc điều trị bệnh Covid-19. Với lực lượng khoảng 60 người, bệnh viện đã chia nhân lực với 1 tổ điều trị (gồm 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng và 1 hộ lý) sang khu D, Bệnh viện Tâm thần tỉnh tiếp tục làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân mắc lao. Số còn lại được chia làm 4 kíp (mỗi kíp trực lâm sàng có 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng, 2 hộ lý) ở lại thay nhau “chiến đấu” với Covid-19. “Tất cả anh em ở đây đều đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đương đầu với dịch bệnh nên khi nhận nhiệm vụ đều thoải mái và cảm thấy rất tự hào”, bác sĩ Châu Đương kể.
Tuyến đầu đã có chúng tôi!
Hơn 20 ngày nay, các y bác sĩ, nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh đã quen với cảnh khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ, khẩu trang, kính, găng tay bịt bùng từ đầu đến chân trong giờ làm việc và về khu cách ly tập trung những lúc nghỉ ngơi, mọi liên lạc với gia đình, bạn bè chỉ thông qua chiếc điện thoại.
Nhân viên y tế được đo thân nhiệt khi về nghỉ tại khu cách ly Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh sau ca trực. |
Bên trong căn phòng ở Trung tâm Chăm sóc người có công tỉnh - nơi đang cách ly đội ngũ các y bác sĩ, điều dưỡng làm việc trên tuyến đầu chống dịch, bác sĩ Nguyễn Thị Liên, Phó Trưởng Khoa Nội 1, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh đang nghỉ ngơi sau một ngày vất vả với công tác điều trị cho các bệnh nhân bị mắc Covid-19 đang điều trị ở bệnh viện. Ngày nhận “lệnh” điều trị cho bệnh nhân Covid-19 và những trường hợp nghi nhiễm, chị chỉ kịp gói ghém ít quần áo, dặn chồng chăm sóc con cái rồi bắt tay vào nhiệm vụ. Khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ, chị cùng với các đồng nghiệp ngày đêm thay nhau túc trực để chăm sóc, thăm khám và điều trị cho các bệnh nhân. Được chồng con, người thân luôn động viên, chị thêm vững vàng, tập trung cho công việc. Hỏi chị có lo lắng cho bản thân khi làm việc trực tiếp với các bệnh nhân đối diện với những nguy cơ lây nhiễm, chị cười bảo: “ Đây là nghề của mình mà, có gì đâu mà e ngại. Ai trong chúng tôi cũng xem đây là sứ mệnh, trách nhiệm của ngành y, nên nỗ lực hết mình với công việc, chỉ mong cho dịch chóng qua để về với gia đình”.
Các y bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh tập thể dục nâng cao sức khỏe trong thời gian nghỉ ngơi sau ca trực.
|
Dù làm việc với căn bệnh nguy hiểm, cường độ cao và căng thẳng nhưng những y bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viên Lao và bệnh phổi tỉnh luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời, xua tan đi những căng thẳng giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, tạo cho những bệnh nhân ở đây tinh thần thoải mái, giúp họ hồi phục nhanh hơn. Chị Lê Thị Bình, Điều dưỡng trưởng Khoa Nội 2, Bệnh viện Lao và bệnh phổi cho biết, 3 ca mắc Covid-19 điều trị ở bệnh viện đều ở thể nhẹ, tuy nhiên khi mới nhập viện họ hết sức lo lắng và áp lực. Biết được điều này, ngoài việc thăm khám, điều trị, mọi người còn dành thời gian để thăm hỏi, động viên đối với bệnh nhân. Dần dà, mối quan hệ giữa y bác sỹ và bệnh nhân trở nên thân thiết, không dừng ở cuộc trò chuyện trong lúc làm việc, mà những lúc thời gian rảnh rỗi, mọi người cũng nhắn tin, thăm hỏi nhau bằng điện thoại. Những thắc mắc, lo lắng dần dần được giải đáp, xây dựng nên sự tin tưởng để cùng nhau nỗ lực, chiến thắng dịch bệnh.
Bùi Lê Phạm
Ý kiến bạn đọc