Multimedia Đọc Báo in

Cái Tết quê đầu tiên không sợ... rượu bia

05:49, 09/02/2020

Cứ Tết đến, tôi thường đưa chồng con về quê thăm ông bà, người thân. Việc khiến tôi "đau đầu" nhất là viện đủ lý do để “giải cứu” anh chồng thoát khỏi những cuộc nhậu triền miên không có hồi kết. Nhưng năm nay mọi chuyện đã khác...

Thường những ngày giáp tết ở quê hay làm tất niên, trước để cúng ông bà tổ tiên sau đó là đãi người thân, con cháu đi làm ăn xa mới về. Mâm cỗ rất to và không thể thiếu rượu, bia. Ai ngồi trong mâm cũng nâng ly, mỗi người mời nhau một ly là đủ nhưng rồi lại thêm ly nữa cho hết chai rượu này đến thùng bia khác.

Người nào muốn dừng lại cũng rất khó từ chối bởi các bậc lớn tuổi ở quê mời rất nhiệt tình, không uống đồng nghĩa với việc không tôn trọng họ. Bữa tiệc chỉ tàn khi người uống say mềm nằm lăn ra sàn nhà. Song đây chưa phải là cuộc nhậu cuối. Người chưa hết say đã tới lịch nhà khác mời cỗ, điệp khúc say kéo dài cho qua năm mới.

Quá ngán với những cuộc nhậu triền miên, coi thường sức khỏe nên mỗi khi về quê tôi thường hạn chế để anh chồng sa vào hũ mèm, nếu lỡ rồi thì viện đủ lý do để dứt. Dù biết gia chủ không mấy vui thậm chí có người thể hiện ra mặt nhưng đành chấp nhận bởi Tết chỉ được nghỉ mấy ngày, vợ chồng tôi phải tranh thủ thời gian để đi thăm người thân, hàng xóm.

Một gia đình cùng nhau thưởng thức đồ ăn chờ khoảnh khắc bước sang năm mới.
Một gia đình cùng nhau thưởng thức đồ ăn chờ khoảnh khắc bước sang năm mới.

Từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP ra đời và có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 với rất nhiều quy định mới, tăng nặng mức xử phạt giao thông, nhất là những người có nồng độ cồn... người dân đã biết “sợ” rượu bia. Về quê đón Xuân Canh Tý 2020, gia đình tôi đã cảm thấy thoải mái hơn khi đi ăn cỗ hay chúc Tết. Bữa tiệc đã vơi dần những thùng bia, can rượu, gia chủ cũng văn minh hơn không còn “ép” uống rượu và khách cũng sẵn sàng từ chối khi không muốn uống.

Chiều mùng ba sang nhà bác hàng xóm chúc Tết, tôi khá ngạc nhiên khi thấy 2 thùng bia còn nguyên trong góc nhà. Hỏi, bác bảo năm nay vợ mua 3 thùng bia để uống nhưng từ hôm tất niên đến nay đã hết Tết vẫn chưa uống hết một thùng. Hai đứa con lớn về nhà ăn Tết cũng không uống mà dành thời gian đi chơi với bạn. Rồi bác kể tiếp, không uống thì đỡ tốn, uống rồi chạy xe ra đường không may Công an thổi phạt nồng độ cồn tốn 7 - 8 triệu đồng thì khổ.

Bà bán tạp hóa trong xóm cho biết thêm, mọi năm cứ Tết đến là trữ nhiều bia, rượu nhưng năm nay lượng mua giảm hẳn, nhà mua 1 - 2 thùng, có nhà không mua thùng nào. Không uống nhiều bia, rượu nên người dân cũng ít có nhu cầu hát Karaoke hơn. Sợ nhất là những loa “kẹo kéo” âm thanh lớn phát inh ỏi. Ngoài ra tình trạng chạy xe máy phóng nhanh, nẹt pô ầm ĩ của các trai làng say rượu cũng giảm đi nhiều.

Người dân ở quê đốt củi cầu may mắn trong đêm giao thừa.
Người dân ở quê đốt củi cầu may mắn trong đêm giao thừa.

Tết đầu tiên không dùng nhiều rượu, bia, người dân vẫn vui vẻ du Xuân. Thay vì phải chén chú chén anh say cả ngày thì họ dành thời gian đi thăm họ hàng, bạn bè hoặc đưa gia đình đi thăm cảnh đẹp. Với những người con xa quê như tôi sẽ chẳng còn phải "sợ" mỗi khi về quê ăn Tết.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.