Multimedia Đọc Báo in

Thiếu nước sinh hoạt do nắng nóng kéo dài

14:03, 12/04/2019

Nắng nóng kéo dài trong thời gian qua đã gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Dưới cái nắng oi bức của những ngày đầu tháng 4, chúng tôi tìm về xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) mới thấy rõ hơn tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân nơi đây. Đang loay hoay bơm nước vào bể chứa, chị Trương Thị Thúy Tình (thôn Trung) cho biết: Hơn 11 năm nay, gia đình chị đều sử dụng nguồn nước từ chiếc giếng khoan sâu 45 m để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và tưới cho cây trồng. Thế nhưng từ đầu năm 2019, nguồn nước giếng ngày càng cạn kiệt. Để có nước dùng, gia đình chị đã phải bỏ ra 18 triệu đồng thuê người khoan một chiếc giếng mới sâu hơn 90 m nhưng lượng nước không nhiều, mới bơm khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ là đã cạn. "Với tình trạng nắng kéo dài như thế này, không biết giếng của gia đình tôi và các hộ dân khác trong thôn có còn đủ nước để dùng qua mùa khô năm nay hay không", chị Tình lo lắng.

Người dân xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) khoan giếng lấy nước sinh hoạt.
Người dân xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) khoan giếng lấy nước sinh hoạt.

Qua rà soát, trên địa bàn xã Ia Lốp hiện có 69 giếng của người dân và công trình cấp nước tập trung đã cạn khiến việc tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt của người dân nơi đây trở nên khó khăn. Theo ông Hà Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Ia Lốp, năm nào vào mùa khô ở đây cũng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại một số cụm dân cư. Trước thực trạng trên, xã đã hướng dẫn người dân nên sử dụng tiết kiệm, chia sẻ nguồn nước với nhau; đồng thời báo cáo với UBND huyện để tiến hành khoan bổ sung đối với những giếng nước tập trung nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt ở mức tối thiểu cho người dân, trong đó ưu tiên cho những nhóm hộ thiếu nước trầm trọng.

 
"Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đề xuất UBND tỉnh và các cơ quan, ban, ngành xem xét bố trí kinh phí để nâng cấp cải tạo các công trình cấp nước; bổ sung thêm giếng khoan, các thiết bị máy móc; đầu tư lắp đặt hệ thống máy bơm tăng áp biến tần để bơm bổ sung áp lực cho khu vực trên cao; mở rộng và kéo dài thêm một số tuyến ống dẫn vào các khu dân cư khó khăn về nước sinh hoạt… nhằm cung cấp đủ nguồn nước cho nhân dân vào mùa khô".
 
Ông Phạm Ngọc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn

Công trình cấp nước làng Thái (xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2011 đến tháng 11-2018 đều có nguồn nước dồi dào để phục vụ sinh hoạt cho người dân. Với công suất 136 m3/ngày, công trình cung cấp nước cho 376 hộ dân thuộc 7 thôn của xã. Thế nhưng từ cuối năm 2018, có 2 trong 3 giếng khoan của công trình đã khô trơ đáy. Chiếc giếng còn lại cũng đã được khoan bổ sung thêm 73 m nhưng không thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân. Ông Vi Viết Hộ, người quản lý và vận hành công trình cấp nước làng Thái cho biết: “Tôi bơm liên tục cả ngày lẫn đêm nhưng không tài nào đủ nước cho người dân sử dụng. Hiện có khoảng 97 hộ tại khu vực địa hình cao không có nước dùng. Để có nước sinh hoạt, họ chọn cách khoan giếng hoặc đi xách nước từ các hộ ở khu vực thấp hơn”.

Được biết, hiện trên địa bàn huyện Ea Súp có hơn 1.200 hộ dân tại các xã Ia Lốp, Ya Tờ Mốt, Cư Kbang, Ea Lê, Ia R’vê, Ea Rốc bị thiếu nước sinh hoạt. Không riêng huyện Ea Súp, tình trạng nắng nóng kéo dài đã khiến cho hàng nghìn hộ dân tại các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea H’leo, Ea Kar, Krông Ana đang lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Theo đánh giá của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, năm nay tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại một số địa phương diễn ra sớm hơn so với mọi năm. Dự báo mùa mưa năm 2019 sẽ đến muộn hơn so với quy luật, làm ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Hiện lượng nước từ các giếng của người dân và các công trình nước đã giảm 50%, thậm chí có nơi đã giảm đến 90%. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường, nhiều vùng có lượng mưa trong năm thấp. Bên cạnh đó, tình trạng khoan giếng bừa bãi, nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước ngầm giảm sút.

Chị Trương Thị Thúy Tình (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) đang bơm nước dự trữ vào bể.
Chị Trương Thị Thúy Tình (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) đang bơm nước dự trữ vào bể.

Theo ông Phạm Ngọc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, hiện nay, Đắk Lắk đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô hạn, để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân, các địa phương cần sớm chủ động bố trí nguồn kinh phí khoan bổ sung các giếng nước tập trung cũng như có phương án lưu động xử lý các trường hợp sự cố như điều động xe bồn cung cấp nước cho các khu dân cư thiếu nước cục bộ. Đối với các công trình cấp nước tập trung cần tiến hành thổi rửa các giếng khoan, cấp nước luân phiên, thường xuyên kiểm tra các tuyến ống nhằm khắc phục sự cố kịp thời, tránh thất thoát nước; tuyên truyền người dân dùng nước tiết kiệm, đúng mục đích...

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.