Multimedia Đọc Báo in

Những chi hội trưởng nông dân năng nổ, nhiệt tình ở M'Đrắk

09:16, 05/09/2018

Dù công tác ở những địa bàn khác nhau tại huyện M’Đrắk nhưng những chi hội trưởng nông dân ấy đều có chung đặc điểm là năng nổ, nhiệt tình trong công tác hội; nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tìm ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, cải thiện kinh tế gia đình.

Năm 2013, chị Lê Thị Hương Giang được tín nhiệm làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 14, xã Ea Riêng. Xác định muốn đưa phong trào hội đạt được kết quả cao thì trước hết phải vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng gia sản xuất để thoát nghèo và có cuộc sống ổn định, bằng sự tận tụy với công việc, chị Giang đã tích cực phối hợp với Ban tự quản thôn, hội nông dân cấp trên thường xuyên tuyên truyền hội viên thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện các chương trình, kế hoạch của hội cấp trên.

Đặc biệt, chị vận động hội viên tham quan và phát triển thành công các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi cá nước ngọt, trồng sầu riêng hạt lép, nuôi heo bán công nghiệp... Nhờ vậy đời sống vật chất của hội viên cũng như bà con trong thôn không ngừng được nâng lên, số hộ nghèo ở thôn 14 đến nay giảm còn 34/85 hộ, cận nghèo 17/85 hộ, 78 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Ngày càng có nhiều hội viên tham gia các phong trào của hội, từ 40 hội viên năm 2013, đến nay số hội viên trong Chi hội đã tăng lên 69 người.

Không chỉ tích cực tham gia công tác hội, chị Hương Giang (hàng trên thứ ba từ trái qua) còn nhiệt tình tham gia các phong trào thể thao của địa phương.
Không chỉ tích cực tham gia công tác hội, chị Hương Giang (hàng trên thứ ba từ trái qua) còn nhiệt tình tham gia các phong trào thể thao của địa phương.

Không chỉ nhiệt tình, tâm huyết với các phong trào hoạt động của Hội Nông dân, chị Giang còn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, gia đình chị có 1 ha cà phê xen canh sầu riêng; chăn nuôi 2 con bò sinh sản và hàng chục con gà, có nguồn thu nhập ổn định.

Đến nay, anh Giàng Seo Chủ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 4, xã Ea M’đoal cũng có gần 10 năm gắn bó với phong trào nông dân. Thời gian đầu tham gia công tác hội, anh Chủ gặp rất nhiều khó khăn bởi thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng tuyên truyền, vận động nên chưa thu hút đông đảo hội viên tham gia. Bên cạnh đó, hội viên phần lớn là người dân tộc Mông ở phía Bắc vào làm ăn sinh sống, trình độ văn hóa còn thấp.

Trước những khó khăn đó, anh Chủ thường xuyên xuống các chi hội để gần gũi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của hội viên, kịp thời giải quyết những vướng mắc và đề ra phương hướng hoạt động phù hợp; tích cực vận động hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa bỏ lối canh tác truyền thống lạc hậu. Nhờ vậy, đến nay, Chi hội Nông dân thôn 4 chỉ còn 28 hộ nghèo; đời sống của bà con ngày một khấm khá hơn. Nhờ những kết quả đó, nhiều năm liền Chi hội Nông dân thôn 4 được cấp trên tuyên dương, khen thưởng.

Chị Nguyễn Thị Quế, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Tân Lập, xã Cư Mta (bên trái) trao đổi kinh nghiệm công tác hội với đại biểu tham dự Đại hội Nông dân huyện M'Đrắk  nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Chị Nguyễn Thị Quế, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Tân Lập, xã Cư Mta (bên trái) trao đổi kinh nghiệm công tác hội với đại biểu tham dự Đại hội Nông dân huyện M'Đrắk nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Cũng phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong thời gian đầu đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Tân Lập (xã Cư Mta), chị Nguyễn Thị Quế thường xuyên thăm hỏi, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn; chủ động lồng ghép tuyên truyền về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia tổ chức hội nông dân trong các buổi sinh hoạt về các chương trình xóa đói giảm nghèo, vay vốn, tạo việc làm. Nhận thấy nhiều hội viên muốn vượt khó vươn lên nhưng không có vốn, chị Quế đã vận động hội viên nông dân đóng góp xây dựng nguồn quỹ hội gần 50 triệu đồng, thường xuyên giúp 5 lượt hội viên vay vốn; đồng thời phối hợp với Hội cấp trên thu hút đầu tư xây dựng các mô hình trình diễn, hội thảo đầu bờ, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp hội viên định hướng phát triển kinh tế, phát huy các nguồn vốn vay. Nhờ vậy trung bình mỗi năm, Chi hội có từ 1 - 2 hội viên nông dân thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn thôn xuống còn 17%. Từ chỗ chỉ trên 50% hộ nông dân tham gia sinh hoạt trong tổ chức hội, đến nay, Chi hội thôn Tân Lập đã có 54 hội viên (đạt 100% tỷ lệ hộ nông dân). Chi hội nhiều năm liền đạt đơn vị vững mạnh xuất sắc tiêu biểu.

Không những nhiệt tình trong công tác hội, chị Quế còn là người mẹ mẫu mực, người phụ nữ làm kinh tế giỏi. Chồng mất sớm, một mình chị phải gánh vác trọng trách nuôi nấng ba người con, chăm sóc bố mẹ già. Nhưng với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, chị tần tảo sớm hôm vun vén gia đình, xây dựng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng hiệu quả. Có những thời điểm gia đình chị nuôi đến 15 con bò, hơn 30 con heo nái và heo thịt, kết hợp trồng lúa và trồng rừng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Với những nỗ lực trong công tác, năm 2016 chị Nguyễn Thị Quế đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân, được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn và tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn.

Thúy Diệp - Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.