Multimedia Đọc Báo in

Người dân xã Ea Bông mong mỏi nguồn nước sạch

08:48, 17/04/2018

Không có nguồn nước hợp vệ sinh nên lâu nay, hàng trăm hộ dân ở một số thôn, buôn trên địa bàn xã Ea Bông (huyện Krông Ana) phải dùng nguồn nước giếng ô nhiễm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

Xã Ea Bông có 13 thôn, buôn, trong đó có 9 buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, tất cả người dân địa phương đều dùng nguồn nước giếng khoan, đào phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Tuy nhiên, ngoài một số khu vực có nguồn nước hợp vệ sinh mà theo như người dân là “không màu, không mùi, không vị” thì toàn xã còn hàng trăm hộ dân ở 3 thôn, buôn (thôn 10-3, buôn Riăng và buôn Knul) vẫn đang phải dùng nguồn nước bị ô nhiễm.

Do đời sống còn nhiều khó khăn nên lâu nay người dân ở buôn Riăng vẫn dùng chung 2-3 nhà 1 giếng nước. Nguồn nước giếng của hầu hết các gia đình ở đây đều bị nhiễm phèn, vẩn đục, có mùi hôi, nhất là vào thời điểm mùa nắng nóng. Lo sợ việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nên nhiều năm nay, hầu hết người dân ở đây đều phải mua nước lọc bình về dùng để nấu ăn và uống, còn lại mọi việc tắm giặt tưới tiêu cho cây trồng đều vẫn sử dụng nguồn nước này. Chị H’Mry Bkrông chia sẻ: “Gia đình đông người nên mỗi ngày sử dụng hết một bình nước lọc, đó là chưa kể những lúc nhà có khách hay ngày giỗ. Biết là tốn kém nhưng không dám dùng nước giếng để uống và nấu ăn vì nước có màu đục và mùi hôi rất khó chịu”.

Nguồn nước giếng của một hộ dân ở buôn Knul bị ô nhiễm.
Nguồn nước giếng của một hộ dân ở buôn Knul bị ô nhiễm.

Ở buôn Knul, nước giếng sau khi bơm lên đựng trong xô, chậu một lúc đều bị đóng cặn vàng dưới đáy. Ông Y Yiêm Êban, Trưởng buôn Knul bày tỏ: “Buôn có hơn 180 hộ dân đều phải sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh. Ngoài việc bị ô nhiễm thì vào mùa khô nguồn nước ở đây cũng bị cạn kiệt, không đủ dùng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch”.

Ở thôn 10-3, việc dùng nguồn nước bị ô nhiễm đã trở thành nỗi lo của người dân. Họ đang rất băn khoăn, hoang mang khi những năm gần đây, trong thôn có nhiều người bị ung thư và chết. Dù chưa xác định rõ nguyên nhân nhưng họ cũng không loại trừ một phần do việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm bấy lâu nay.

Gia đình chị H’Mry Bkrông (buôn Riăng) sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm trong sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: T.Hồng
Gia đình chị H’Mry Bkrông (buôn Riăng) sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm trong sinh hoạt hằng ngày. 

Ông Nguyễn Xuân Khu, Chủ tịch UBND xã Ea Bông cho biết: “Thực trạng ô nhiễm nguồn nước ở các thôn, buôn nói trên đòi hỏi phải khẩn trương xây dựng công trình nước sạch, nhưng thực tế  không có nguồn kinh phí đầu tư, mặt khác các thôn, buôn này nằm ở khu vực cao, dốc nên càng khó  kéo nguồn nước đến nơi. Đây cũng là bài toán khó đối với địa phương”.

Hiện xã Ea Bông đang được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch với công suất thiết kế phục vụ cho khoảng 1.000 hộ dân ở 4 thôn, buôn (thôn Hòa Tây, Hòa Trung, Hòa Đông và buôn Ea Kruế), tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng, dự kiến đi đưa vào hoạt động trong năm 2020. Như vậy, 3 thôn, buôn có nguồn nước bị ô nhiễm nói trên vẫn còn phải chờ nước sạch không biết đến bao giờ. Thiết nghĩ, các ngành, cơ quan chức năng cần quan tâm tìm giải pháp đưa nguồn nước sạch về phục vụ sinh hoạt người dân để họ yên tâm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Hồng Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.