Multimedia Đọc Báo in

"Lay lắt" Trạm nước sinh hoạt tập trung xã Ea Hồ

12:54, 18/10/2017

Được đưa vào sử dụng từ năm 2007, đến nay, Trạm nước sinh hoạt tập trung xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) đã xuống cấp, hư hỏng nặng, lượng nước cung cấp không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Trạm nước sinh hoạt tập trung xã Ea Hồ do Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Năng làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2006 với tổng nguồn vốn 1,9 tỷ đồng, công suất thiết 90 m3 nước/ngày đêm, cấp nước cho 161 hộ của 6 thôn, buôn trên địa bàn xã. Sau khi công trình hoàn thành được bàn giao cho UBND xã Ea Hồ quản lý sử dụng từ tháng 3-2007 nhưng cuối năm 2008 đã tạm ngừng hoạt động.

Đến tháng 8 - 2010, UBND xã Ea Hồ bàn giao công trình này cho Hợp tác xã Nông - Công nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Ea Hồ quản lý, vận hành. Từ khi tiếp quản công trình đến nay, Hợp tác xã đã đầu tư gần 100 triệu đồng để sửa chữa các tuyến đường ống, máy bơm, lắp đặt thêm tuyến đường ống cấp nước đến buôn Hồ A dài 1.640 m. Năm 2014, UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí khoan thêm 1 giếng, nâng tổng số hộ được sử dụng nguồn nước từ trạm là 230 hộ. Tuy nhiên công trình cũng chỉ hoạt động ổn định được một thời gian ngắn.

Cán bộ Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh khảo sát hiện trạng của Trạm nước sinh hoạt  tập trung xã Ea Hồ.
Cán bộ Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh khảo sát hiện trạng của Trạm nước sinh hoạt tập trung xã Ea Hồ.

Hiện tại, một số giếng của trạm đã khô cạn; hệ thống đường ống bị bể, xuống cấp ở nhiều nơi, lượng nước thất thoát nhiều. Hơn nữa, do nguồn điện không ổn định khiến các máy bơm thường xuyên bị cháy. Trong khi đó, số tiền nước thu được không đủ trả lương nhân viên và tái đầu tư, sửa chữa công trình.

Ông Nguyễn Tấn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Nông – Công nghiệp – Kinh doanh tổng hợp Ea Hồ than thở: “Từ năm 2014, Hợp tác xã đã làm đơn xin hoàn trả lại công trình cho UBND xã hoặc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường (TTNSH-VSMT) tỉnh quản lý nhưng lãnh đạo huyện động viên duy trì hoạt động nên chúng tôi phải lấy lợi nhuận của các ngành nghề kinh doanh khác để bù vào. Đến nay, Hợp tác xã không thể gắng gượng được nữa, nếu không có đơn vị tiếp quản, sửa chữa, nâng cấp thì công trình này đành ngừng hoạt động”.

Theo ông Phan Quốc Thắm, Chủ tịch UBND xã Ea Hồ, toàn xã có 2.560 hộ, trong đó trên 70% là người dân tộc thiểu số, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô. Trong khi đó, do trạm cấp nước sinh hoạt tập trung xã đã xuống cấp trầm trọng nên hiện tại chỉ còn 30% hộ dân được sử dụng nước từ công trình. Vì vậy, UBND xã mong muốn các cấp, ngành liên quan đầu tư kinh phí nâng cấp, sửa chữa, tiếp quản, vận hành để công trình tiếp tục phát huy hiệu quả.

Ông Phạm Ngọc Bình, Phó Giám đốc TTNSH-VSMT tỉnh cho biết, cán bộ Trung tâm đã nhiều lần xuống khảo sát, yêu cầu đơn vị quản lý, địa phương hoàn chỉnh hồ sơ, khi có quyết định của UBND tỉnh sẽ tiếp nhận lại công trình, đưa vào hạng mục đầu tư, sửa chữa, nâng cấp theo dự án Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả trong thời gian tới.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.