Multimedia Đọc Báo in

Xào xạc tiếng chổi đêm…

10:26, 26/10/2016

Để phố phường sạch đẹp có sự góp sức lặng thầm, cần mẫn của những nữ công nhân quét rác, nhất là những người quét rác ca đêm.

Chị Nguyễn Thị Hiền (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột, công nhân Công ty TNHH MTV Quản lý đô thị và môi trường tỉnh) gắn bó với nghề lao công 15 năm nay. Công việc của chị bắt đầu từ lúc 0 giờ 30 phút khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ và kết thúc khi trời dần sáng; lúc này những đoạn đường do chị đảm nhiệm cũng đã trở nên sạch sẽ, thoáng đãng. Cứ thế, chẳng kể mùa nắng hay mưa, ngày thường hay lễ, Tết… chị đều lấy đêm làm ngày để chu toàn mọi việc. Dẫu nhọc nhằn, vất vả nhưng chị chưa từng nghĩ sẽ bỏ nghề này vì nó đã gắn bó với mình và là nguồn thu nhập chính để nuôi các con ăn học, chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Chị Hiền tâm sự: “Không chỉ làm việc mệt nhọc, độc hại bởi khói bụi, ô nhiễm mà nghề quét rác còn đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập như tai nạn giao thông, cướp giật… Biết vậy nhưng vẫn cố để kiếm tiền lo cho hai đứa con ăn học”. Ngoài công việc chính này, hằng ngày chị Hiền còn kiêm thêm làm dịch vụ lau dọn nhà, cắt cỏ thuê cho những hộ gia đình có nhu cầu thuê mướn.

Phút nghỉ ngơi của các nữ lao động sau giờ làm việc.
Phút nghỉ ngơi của các nữ lao động sau giờ làm việc.

Chị Nguyễn Thị Ngân (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã làm công việc quét rác đêm hơn 13 năm nay. Cũng chừng đó năm, chưa có ngày lễ, Tết nào chị được quây quần bên gia đình, dù đêm hôm mưa gió hay giá lạnh vẫn cặm cụi với việc làm sạch đẹp đường phố. Vất vả là vậy, mà nhiều khi còn tủi thân khi nhận được không ít thái độ thiếu thiện cảm của nhiều người bị góp ý vì việc xả rác bừa bãi ra đường mặc dù những người lao công vừa quét dọn xong. Chị Ngân chia sẻ: “Biết nghề này vất vả nhưng cũng nhờ nó mà tôi mới có thể lo cho cuộc sống của cả gia đình khi chồng bị liệt do tai nạn lao động phải ngồi xe lăn hơn 20 năm nay; đặc biệt là chi phí cho 2 người con học đến đại học”. Công việc này dường như chỉ chọn phụ nữ bởi nó đòi hỏi sự kiên trì, chăm chỉ, tỉ mỉ khi mà cả Xí nghiệp vệ sinh môi trường (Công ty TNHH MTV Quản lý đô thị và môi trường tỉnh) có đến 210 lao động; trong đó có 5 công nhân nam và hơn 100 lao động động là nữ làm ca đêm, trung bình mỗi đêm một người đảm nhiệm việc vệ sinh khoảng 2.000 m2 đường phố.

Quả thật, khó có thể kể hết nỗi vất vả của những chị lao công, nhất là những người làm ca đêm. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh và lợi ích chung cho cộng đồng họ luôn cố gắng vượt qua, gắn bó với công việc công nhân vệ sinh môi trường. Để rồi, mỗi người cũng dần quen với đôi bàn tay ngày càng chai sạn, bộ đồ bảo hộ lao động kín mít, tiếng chổi tre xoàn xoạt vang xa trong đêm dài yên tĩnh; kể cả những hành động, lời nói vô tâm hay cố ý của một người nào đó còn xem thường công việc quét rác…

Giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, cả cộng đồng chứ không của riêng ai. Vì vậy, mỗi một hộ gia đình, cá nhân nên có ý thức hơn nữa trong việc xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày, điều đó đồng nghĩa với việc bảo vệ chính cuộc sống của mình, cũng góp phần vơi gánh nặng trên đôi vai những người lao công.

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh thải ra khoảng 450 tấn chất thải rắn, riêng TP. Buôn Ma Thuột khoảng 200 tấn; trong khi đó, tỷ lệ thu gom, xử lý chỉ mới đạt gần 80% (trung bình tăng trên 3%/năm).


Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.