Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối nạn tảo hôn ở huyện Cư M'gar

09:03, 13/05/2016

Những năm qua, nạn tảo hôn diễn ra khá phổ biến tại các địa phương trên địa bàn huyện Cư M’gar, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cặp vợ chồng lấy nhau khi chưa đủ tuổi trưởng thành đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong cuộc sống.

Khi đứa con được 1 tháng tuổi cũng là lúc chồng H.T.  (xã Cư M’gar) bỏ về nhà bố mẹ đẻ sống. Lý do chia tay là: không hợp nhau. Từ ngày chia tay chồng, từ một cô gái hay nói cười, H.T. trở nên trầm cảm, ít nói, ngại tiếp xúc với mọi người, nhất là người lạ. H.T năm nay mới 18 tuổi nhưng đã lấy chồng được hai năm. Chồng H.T. cùng tuổi, cô cậu quen nhau khi Y.D. đến làm công cho gia đình. Sau một thời gian tìm hiểu và yêu nhau, H.T. và Y.D. nên duyên vợ chồng; từ đó, việc học hành của H.T. phải bỏ dở giữa chừng dù chỉ còn một tháng nữa là học xong THCS. Giờ đây, chồng bỏ về nhà, cuộc sống của bà mẹ trẻ với đứa con còn đỏ hỏn hoàn toàn dựa vào bố mẹ.

Cán bộ dân số xã Ea Kuêh (bìa trái) đến tận nhà người dân tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ
Cán bộ dân số xã Ea Kuêh (bìa trái) đến tận nhà người dân tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ.

Cách đây khoảng 1 năm, con gái đầu của anh Y.K. (xã Ea Kuêh) là H’Kh. đã kết hôn với Y.T. ở huyện Ea H’leo. Điều đáng nói, H’Kh. mới 15 tuổi, giữa H’Kh. và chồng có quan hệ họ hàng, là chị em. Lấy nhau khi còn quá trẻ, cặp vợ chồng này thường xảy ra mâu thuẫn với những lý do rất "trẻ con". Có lần vì quá giận chồng, H’Kh. đã uống thuốc sâu tự tử nhưng may mắn được cứu kịp thời... Nói về nguyên nhân dẫn đến tự tử của con mình, anh Y.K. kể: “Lúc con tự tử mình không có ở nhà mà đang đi khám bệnh, khi về nghe người ta nói là nó tức giận vì chồng mở nhạc to…”.

Theo thống kê của Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Cư M’gar, chỉ tính riêng từ năm 2013 đến 2015, trên địa bàn huyện đã ghi nhận 298 trường hợp tảo hôn (bình quân mỗi năm có 99 cặp tảo hôn), trong đó có nhiều trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Nạn tảo hôn xảy ra ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện nhưng tập trung nhiều tại các xã như: Ea H’Đing, Quảng Hiệp, Ea Tar, Cư M’gar, Cư Suê,  Ea Kuêh, Ea Đrơng… Ông Nguyễn Quang Dáp, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’gar, cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã, ngoài lý do thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản dẫn đến có thai ngoài ý muốn, buộc gia đình phải cho cưới nhau thì còn ảnh hưởng rất lớn từ phong tục tập quán… Chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến trực tiếp các hộ về chính sách dân số - KHHGĐ, có hộ đã nghe ra và chấp nhận thực hiện, tuy nhiên nhiều hộ vẫn còn cho con lập gia đình khi chưa đủ độ tuổi kết hôn. Chỉ tính riêng năm 2015 trên địa bàn xã đã xảy ra 20 trường tảo hôn, chủ yếu ở các buôn dân tộc thiểu số”.

Có thể thấy, đa phần các cặp vợ chồng tảo hôn đều có cuộc sống rất khó khăn, mãi luẩn quẩn trong cảnh đói nghèo. Thiệt thòi nhất có lẽ là những đứa trẻ sinh ra không được đăng ký giấy khai sinh mà phải đợi đến khi bố mẹ đủ tuổi kết hôn…

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.