Multimedia Đọc Báo in

Dân vận và sự minh bạch, đồng thuận xã hội

15:55, 16/10/2011

Đến Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15-10), dòng duy nghĩ lại hướng nhiều tới sự minh bạch và đồng thuận xã hội. Đó cũng là những khái niệm mà những năm gần đây báo chí và  cả trong đời sống xã hội hay đề cập đến. Sự minh bạch và đồng thuận xã hội cũng chính là một nhu cầu, một đòi hỏi của xã hội văn minh, dân chủ mà Đảng ta đang hướng tới.

Ngày 15-10-1949, trên báo Sự thật số 120, dưới bút danh  X.Y.Z, Bác Hồ đã cho đăng bài “Dân vận”. Đầu bài báo Bác viết: “Nước ta là một nước dân chủ”, tiếp đó chỉ ra hai dấu hiệu đặc trưng cơ bản của nhà nước dân chủ là: “bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Cuối cùng, Bác đưa ra kết luận: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Ở đây, một vấn đề nổi lên rất rõ đó là mối quan hệ giữa công tác dân vận với sự minh bạch và đồng thuận xã hội. Không thể thuyết phục được người dân, không thể “vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân... góp thành lực lượng toàn dân” (Dân vận)  nếu như đâu đó vẫn còn thiếu sự minh bạch. Và một khi đã thiếu đi sự minh bạch thì không thể nào có sự đồng thuận xã hội được.

Minh bạch có nghĩa là mọi việc, mọi sự đều phải sáng rõ, rành mạch (theo Đại từ điển tiếng Việt do GS-TS Nguyễn Như Ý chủ biên- Nhà xuất bản  Đại học Quốc  gia thành phố Hồ Chí Minh, năm 2008). Xã hội càng phát triển thì càng  ngày người dân càng có đòi hỏi rất cao về sự minh bạch. Có lẽ vì thế mà ngay sau khi một vị Bộ trưởng tuyên bố sẽ công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu liền nhận được sự ngợi khen và kỳ vọng của rất nhiều người. Nếu làm được điều đó chắc chắn sẽ tạo ra được sự đồng thuận xã hội và phải chăng đó cũng  chính là “dân vận khéo”.

Để có được sự đồng thuận xã hội thì người làm công tác lãnh đạo quản lý phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để đưa ra các quyết sách hợp lòng dân. Các quyết sách đó phải phù hợp với hệ giá trị, các chuẩn mực xã hội. Không thể nào có sự đồng thuận đúng nghĩa khi quyết sách chỉ là sự áp đặt ý chí chủ quan cá nhân mà không xuất phát từ lợi ích và vì lợi ích của người dân.

Như vậy có thể nói rằng: Làm dân vận cũng là để hướng tới việc xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh mà ở đó mọi sự đều minh bạch và có được sự đồng thuận xã hội cao.

Trương Thị Hiền

Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.