Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp nào để nâng cao giá trị nông sản của TP. Buôn Ma Thuột?

08:11, 28/04/2021

Với lợi thế về khí hậu, cơ sở hạ tầng tốt, đặc biệt là vị trí trung tâm của tỉnh, TP. Buôn Ma Thuột có nhiều thuận lợi để gia tăng giá trị cho nông sản. Thế nhưng hiện nay, kinh tế nông nghiệp của thành phố vẫn chưa phát triển xứng tầm.

TP. Buôn Ma Thuột có tổng diện tích cà phê là 11.308 ha, trong đó có 10.816 ha cà phê kinh doanh, sản lượng bình quân hằng năm khoảng 27.820 tấn; diện tích rau gần 1.832 ha, sản lượng khoảng 41.220 tấn; tổng đàn heo 149.509 con; gà 2.075.333 con…

Trên địa bàn thành phố hiện mới có 68 trang trại nuôi heo (107.000 con), 39 trang trại nuôi gà (851.820 con) liên kết với các doanh nghiệp theo hướng chăn nuôi gia công; hơn 3.325 ha cà phê (sản lượng bình quân hằng năm khoảng 9.931 tấn) liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo các bộ nguyên tắc quốc tế theo hướng bền vững.

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực của TP. Buôn Ma Thuột tại một sự kiện diễn ra trên địa bàn thành phố.
Trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực của TP. Buôn Ma Thuột tại một sự kiện diễn ra trên địa bàn thành phố.

Trong liên kết tiêu thụ theo chuỗi ở các bếp ăn tập thể, thì hiện nay toàn thành phố có 97 trường học có bếp ăn bán trú với 30.566 học sinh, trung bình hằng năm các công ty liên kết ký hợp đồng cung ứng sản phẩm chủ lực của thành phố cung cấp cho bếp ăn bán trú được hơn 570 tấn rau, gần 537 tấn thịt, hơn 668 tấn thực phẩm khác...

Liên kết sản xuất tại các vùng trồng cũng khá khiêm tốn. Chẳng hạn như tại xã Ea Tu, cà phê là cây trồng chủ lực của xã với 1.502 ha, chiếm khoảng 55% tổng diện tích tự nhiên toàn xã, nhưng chỉ có gần 320 ha sản xuất theo các nguyên tắc quốc tế, 300 ha liên kết với doanh nghiệp thu mua. Bí thư Đảng ủy xã Ea Tu Lê Thanh Hải cho biết, những năm qua, địa phương đã nỗ lực phát triển cà phê theo hướng gia tăng giá trị nhưng đến nay vẫn chỉ dừng ở mức ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo giống thông qua ghép chồi, tái canh… Sản xuất manh mún nên chất lượng chưa đồng đều, chưa đáp ứng một số tiêu chuẩn của thị trường, giá trị mang lại còn thấp. 

Tương tự, phường Khánh Xuân là vùng trọng điểm sản xuất rau của thành phố, với tổng diện tích bình quân mỗi năm là 170 ha, sản lượng bình quân hằng năm 3.655 tấn. Diện tích rau và sản lượng lớn, nhưng việc liên kết với các đơn vị tiêu thụ rau hiện tại rất hạn chế. Ông Nguyễn Xuân Thăng, Phó Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân cho biết, Thành ủy, UBND thành phố đã kịp thời chỉ đạo các phòng, ban cụ thể hóa chủ trương, kế hoạch để gia tăng giá trị cho nông sản địa phương, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp còn phân tán, nhỏ lẻ; liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ còn yếu nên giá trị đem lại chưa cao…

Sản xuất cà phê theo hướng đặc sản ở Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu.  Ả
Sản xuất cà phê theo hướng đặc sản ở Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu.

Với mong muốn thúc đẩy nông nghiệp thành phố phát triển, tận dụng được lợi thế về địa hình, khí hậu và đặc biệt là thị trường tiêu thụ, mới đây TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá Chương trình 6a-CT/KH-UBND, ngày 3-11-2016 của UBND thành phố về việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2016 - 2020. Tại hội nghị, các đại biểu đã bàn thảo giải pháp nâng cao giá trị cho nông sản Buôn Ma Thuột. Theo bà Phạm Thị Hồng Mong, đại diện Điểm kết nối và trưng bày các sản phẩm nông nghiệp an toàn thành phố cho hay, việc tìm đầu ra cho thị trường nông sản luôn là bài toán khó, nan giải của nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, bao quát vấn đề cho thấy, người sản xuất chưa quan tâm nhiều đến bao bì, nhãn mác, thương hiệu sản phẩm. Phía người tiêu dùng vẫn chưa tiếp cận được các sản phẩm nông sản do nông dân TP. Buôn Ma Thuột làm ra. Thậm chí, tại nhiều siêu thị trên địa bàn cũng vắng bóng sản phẩm nông sản "Made in Buôn Ma Thuột". Để “rộng đường” cho nông sản đến với người tiêu dùng, thành phố cần làm việc với đại diện các siêu thị trên địa bàn, đặt vấn đề kết nối và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Về lộ trình, trước mắt có thể thực hiện một gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản chủ lực của thành phố.

Về lâu dài, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Ea Tu đề xuất, TP. Buôn Ma Thuột cần có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là thu hút doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để doanh nghiệp yên tâm đầu tư công nghệ, máy móc và gắn bó lâu dài với nông dân thành phố.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.