Multimedia Đọc Báo in

Chi ngân sách nhà nước năm 2021: Ưu tiên cho an sinh xã hội

07:57, 04/03/2021

Năm 2021, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách, bảo đảm nhiệm vụ chính trị cân đối thu - chi theo quy định và việc chi ngân sách dựa vào tình hình thực tiễn tại địa phương.

Theo đánh giá của ngành tài chính, nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 tiếp tục sụt giảm (ước giảm khoảng 900 tỷ đồng so với năm 2020). Do đó, ngành tài chính tiếp tục điều chỉnh siết chặt công tác chi bởi nguồn hụt thu nói trên là nguồn để cân đối chi thường xuyên.

Theo kế hoạch đề ra cuối năm 2016 thì năm 2020 là kết thúc thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017 - 2020 và năm 2021 xây dựng lại thời kỳ ổn định ngân sách mới cho giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm 2021 được điều chỉnh là năm kéo dài của thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2021. Việc điều tiết chi ngân sách năm 2021 phải bảo đảm ngưỡng chi theo hạn mức đã đề ra giai đoạn 2017 - 2020, nghĩa là định mức chi thường xuyên năm 2021 bằng năm 2017.

Lực lượng chức năng lập chốt kiểm soát công tác phòng, chống dịch bệnh tại huyện Ea H'leo năm 2020.
Lực lượng chức năng lập chốt kiểm soát công tác phòng, chống dịch bệnh tại huyện Ea H'leo năm 2020.

Dự toán chi NSNN năm 2021 là hơn 17.456 tỷ đồng, tăng 13,8% so với dự toán Trung ương giao, giảm 9% so với kết quả thực hiện năm 2020. Trong đó chi cân đối ngân sách địa phương hơn 15.356 tỷ đồng; phân bổ dự toán chi từ nguồn Trung ương bổ sung vốn theo mục tiêu đã xác định hơn 2.100 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Yên, Giám đốc Sở Tài chính cho hay, mặc dù năm 2021 hụt thu khoảng 900 tỷ so với năm 2020, nhưng kết quả thu các năm 2018, 2019 đều tăng so với năm kế trước. Năm 2020 tuy Đắk Lắk không hoàn thành dự toán phấn đấu nhưng vẫn hoàn thành dự toán thu NSNN Trung ương giao và có tăng so với năm 2019.

Dựa trên thực tế đó, việc chi ngân sách năm 2021 sẽ thực hiện theo phân cấp ưu tiên, cắt giảm các khoản không ưu tiên. Cụ thể là ưu tiên chi lương và chi các chế độ chính sách cho con người, chi an sinh xã hội; kế đến là khoản chi thường xuyên bảo đảm hoạt động của tổ chức bộ máy hành chính lẫn sự nghiệp theo định mức tại Nghị quyết 09/2016/NQ-HĐND, ngày 14-12-2016 của HĐND tỉnh ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017; chi các hoạt động thường xuyên cho con người, công tác phí, hội nghị bảo đảm hoạt động bộ máy; chi mua sắm bảo đảm hoạt động của các cơ quan, đơn vị…

Các khoản chi mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp mang tính chất đầu tư phải chuyển sang những năm kế tiếp để bảo đảm cân đối ngân sách. Riêng việc chi phòng, chống dịch Covid-19 sẽ dựa vào tình hình dịch bệnh và nhu cầu phát sinh, nhưng vẫn là khoản chi ưu tiên để bảo đảm công tác phòng, chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Cán bộ Cục Thuế tỉnh tiếp nhận hồ sơ của người nộp thuế tại trụ sở cơ quan thuế.
Cán bộ Cục Thuế tỉnh tiếp nhận hồ sơ của người nộp thuế tại trụ sở cơ quan thuế.

Để bảo đảm nhiệm vụ cân đối thu, chi năm 2021, ngoài tiết kiệm chi, ngành tài chính cũng đang siết chặt công tác quản lý nguồn thu, chống thất thu và tạo nguồn thu cho tương lai. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng thu NSNN hai tháng đầu năm 2021 đạt hơn 1.252 tỷ đồng, bằng 23,3% dự toán Trung ương giao, 16,9% dự toán HĐND tỉnh giao. Ngành thuế đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để siết chặt quản lý thu, với 12 kết luận thanh tra, truy thu và xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền chậm nộp vào NSNN hơn 1,8 tỷ đồng; 79 cuộc kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, truy thu và xử phạt hơn 4,3 tỷ đồng; giám sát và kiểm tra 1.178 hồ sơ khai thuế, số tiền tăng thu qua giám sát là 161 triệu đồng; đôn đốc thu nợ 99,1 tỷ đồng tiền nợ thuế; ban hành 120 quyết định cưỡng chế với số tiền 34,3 tỷ đồng, công khai 511 trường hợp chây ỳ nợ thuế với số tiền hơn 105 tỷ đồng…

Song hành với đó, các ngành, địa phương cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, cấp mã số thuế kịp thời cho 150 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế; ban hành 11 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với số tiền hơn 230 tỷ đồng. Về chi ngân sách, tổng chi ngân sách địa phương hai tháng đầu năm 2020 là 2.061 tỷ đồng, bằng 13,4% dự toán Trung ương giao, 11,8% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó chi đầu tư phát triển gần 218 tỷ đồng, đạt 6,6% dự toán Trung ương giao, 4,2% dự toán HĐND tỉnh giao; chi thường xuyên gần 1.843 tỷ đồng, đạt 15,3% dự toán Trung ương giao, 15% dự toán HĐND tỉnh giao.

Năm 2020, tỉnh Đắk Lắk đã chi gần 455,4 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó chi bảo đảm an sinh xã hội là chủ đạo thông qua việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020 của Chính phủ (436.018 đối tượng, với số tiền hơn 368 tỷ đồng); chi chế độ đặc thù trong phòng chống dịch 5,25 tỷ đồng; chi mua sắm trang thiết bị hơn 82 tỷ đồng…


Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.