Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng sạt lở đất ở huyện Krông Bông

06:31, 09/03/2021

Những năm gần đây, khu vực dọc sông Krông Bông (huyện Krông Bông) đoạn đầu nguồn từ buôn Hằng Năm của xã Yang Mao đến xã Khuê Ngọc Điền thường xuyên xảy ra tình trạng xói mòn, sạt lở đất.

Tình trạng này khiến người dân ở hai xã vùng đầu nguồn là Yang Mao và Cư Drăm bị mất hàng trăm héc ta đất canh tác và cây trồng ven suối.

Xã Yang Mao có gần 500 ha đất thấp, bằng phẳng, màu mỡ với chiều dài gần 7 km bắt đầu từ đầu nguồn sông Krông Bông (buôn Hằng Năm) đến cuối buôn Tul. Trước đây, diện tích đất màu mỡ này là nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ đồng bào Êđê, M’nông từ việc canh tác cây ngắn ngày như các loại đậu đỗ, ngô lai, sắn, rau củ quả... Một số hộ còn đầu tư trồng cà phê, hồ tiêu.

Hàng chục héc ta đất của người dân ở buôn Mnăng Dơng, xã Yang Mao trải dài gần 1 km ven suối bị xói mòn giờ đã trở thành bãi đá.
Hàng chục héc ta đất của người dân ở buôn Mnăng Dơng, xã Yang Mao trải dài gần 1 km ven suối bị xói mòn giờ đã trở thành bãi đá.

Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay nhiều đoạn hai bên bờ sông đã xảy ra tình trạng sạt lở, một số đoạn sạt lở nghiêm trọng, có nguy cơ làm sập các cây cầu (cầu treo buôn Mghí, cầu treo buôn Ea Chố), sập nhà dân (ở thôn 2) và khiến người dân bị mất nhiều đất sản xuất. Hiện mỗi năm có từ 10 - 15 ha đất bằng hai bên suối của các hộ dân bị xói lở, biến thành những bãi cát, bãi đá rộng hàng trăm héc ta không còn canh tác được. Nhiều đoạn taluy sập có độ cao từ 4 – 6 m. Trận mưa lũ do ảnh hưởng cơn bão số 12 vào tháng 11-2017 đã làm xói lở gần 30 ha đất ven suối, trong đó có gần 5 ha cà phê, hồ tiêu trong thời kỳ kinh doanh. Thiệt hại nhiều nhất là buôn Mnăng Dơng với 7 ha, buôn Ea Chố 6 ha, buôn Mghí 5 ha, thôn 1 có 2 ha… Trận lũ do ảnh hưởng cơn bão số 12 vào cuối năm 2020 vừa qua cũng đã làm xói, sạt lở 17 ha đất ven suối, trong đó có 2,43 ha cà phê, 2 ha lúa nước, 2,2 ha sắn… Ông Y Lá Ksơr, Trưởng buôn Ea Chố cho biết: “Năm nào vào mùa mưa, bà con trong buôn cũng bị mất đất do sạt lở. Năm 2020 vừa qua, các hộ trong buôn mất 4,3 ha đất vì sạt lở, trong đó có 0,8 ha cà phê, 1,5 ha lúa, 2 ha sắn bị mất trắng, 2,3 ha cây trồng khác bị ảnh hưởng. Hiện nhiều đoạn ven suối đang có nguy cơ xói lở. Diện tích đất bị sạt lở giờ trơ lại đá cuội và cát, không trồng được cây gì".

Các địa phương đang xây dựng kế hoạch di dời những hộ dân ở gần những nơi có nguy cơ cao bị sạt lở trong mùa mưa đến nơi an toàn; triển khai công tác trồng, bảo vệ rừng đầu nguồn…

Dọc ven suối các buôn Tơng Rang A, buôn Chàm A, buôn Chàm B của xã Cư Drăm những năm gần đây cũng xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, làm mất hàng chục héc ta đất canh tác và cây trồng của các hộ dân mỗi năm. Riêng đợt mưa lũ cuối năm 2020, ở ba buôn này bị sạt lở gần 10 ha đất ven suối khiến nhiều gia đình bị thiệt hại nghiêm trọng, đơn cử như: gia đình bà H’Giông Êban (ở buôn Chàm B) bị xói lở 1,1 ha đất rẫy ven suối; gia đình anh Y Núc Niê (buôn Chàm B) có 6 sào cà phê và sầu riêng năm thứ 6 đang vào mùa thu hoạch cũng bị nước lũ làm xói lở toàn bộ. Gia đình bà H’Oăn Byă ở buôn Chàm A có hơn 1 ha đất ven suối, bằng phẳng, màu mỡ hằng năm mang về thu nhập hơn 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí từ việc trồng các loại đậu, ngô lai, sắn... Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, hai bên bờ suối xảy ra tình trạng sạt lở khiến diện tích đất của gia đình bà đến nay chỉ còn hơn 3 sào. Thiệt hại nặng nề hơn là gia đình ông Y Riếu Êban, Trưởng buôn Tơng Rang A trong những năm qua đã mất hơn 2 ha đất ven suối do bị sạt lở. Ông Y Riếu cho hay: “Trong buôn Tơng Rang có 15 hộ có đất ven sông và những hộ này thường bị mất đất do sạt lở vào mùa mưa. Cuối năm vừa rồi, gia đình tôi, gia đình mẹ đẻ và em trai cũng bị sạt lở mất hơn 2 ha đất canh tác ven suối”.

Hơn 1 ha đất màu của gia đình bà H'Oăn Byă ở buôn Chàm A, xã Cư Drăm bị xói lở giờ chỉ còn được vài sào.
Hơn 1 ha đất màu của gia đình bà H'Oăn Byă ở buôn Chàm A, xã Cư Drăm bị xói lở giờ chỉ còn được vài sào.

Dễ thấy nguyên nhân xảy ra tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng ở các địa phương vùng đầu nguồn sông Krông Bông là do rừng đầu nguồn bị khai thác, chặt phá quá mức; một số đoạn sông đã thay đổi dòng chảy; biến đổi khí hậu khiến thời tiết gần đây diễn biến bất thường… Việc xây kè để chống xói mòn, sạt lở cần phải có nguồn vốn lớn, trong khi các địa phương vùng sâu huyện Krông Bông không có nguồn lực. Hiện tại, các địa phương nói trên đang thống kê diện tích đất bị xói mòn, sạt lở đề xuất cấp trên hỗ trợ kinh phí xây kè những đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn nhà ở của một số hộ dân và cầu, đường.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.