Multimedia Đọc Báo in

Rau rớt giá, nông dân lao đao

05:55, 26/02/2021

Nông dân vùng chuyên canh rau ở thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) đang lao đao vì rau ế ẩm và giá rớt thê thảm.

Nhổ bỏ vì không có người mua

Trái với không khí vui tươi của những ngày đầu Xuân, trên đồng rau ở tổ dân phố Tân Tiến (thị trấn Ea Pốk), thời điểm này, nông dân buồn hiu hắt. Năm nay, giá rau xanh rớt chưa từng thấy, lại bế tắc đầu ra, nhiều chủ vườn phải cuốc bỏ, chất đống rau bên bờ ruộng.

Nhìn ruộng rau gần 3 sào đã “quá lứa” nhưng không có người hỏi mua, chị Nguyễn Thị Thủy, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Toàn Thịnh không khỏi xót xa. Chị rơm rớm nước mắt kể, hơn 20 năm gắn với nghề trồng rau, chưa năm nào chị thấy giá rớt thảm như năm nay. Mọi khi, giá rau có hạ thì cũng còn 4.000 - 5.000 đồng/kg. Còn hiện nay, bắp sú, cải dưa, xà lách thu tại vườn chỉ với giá 1.000 - 2.000 đồng/kg. “Rau bị hạ giá, có người mua còn đỡ, đằng này, không có ai hỏi mua”, chị Thủy than thở. Chồng chị là anh Nguyễn Đình Tuấn đang ngậm ngùi cầm cuốc đào đi những luống bắp sú, cải dưa còn xanh tốt nhưng không ai mua. Theo anh Tuấn, có hơn 2 tấn rau anh đành phải cuốc bỏ đi để lấy đất. Vụ này, gia đình bị thiệt hại khoảng 20 triệu đồng.

Anh Nguyễn Đình Tuấn đành phải cuốc bỏ gần 2 tấn bắp sú để giữ màu cho đất.
Anh Nguyễn Đình Tuấn đành phải cuốc bỏ gần 2 tấn bắp sú để giữ màu cho đất.

Rau xanh đầy ruộng nhưng làm “héo” lòng người trồng bởi giá rớt thảm, lại bí đầu ra, nhiều nông dân không buồn xuống giống cho vụ tiếp theo. Lão nông Trương Văn Diên buồn bã cho hay, cận Tết rau xà lách bán ra tại ruộng được 2.000 - 3.000 đồng/kg. Sau Tết, giá bán hạ xuống 2.000 rồi 1.000 đồng/kg mà cũng không có người hỏi mua. Điện thoại gọi thương lái vào nhập rau bán, họ cũng không  nghe máy. 23 luống xà lách ông xuống giống trước Tết, mới bán được 1/3, giờ bỏ mặc kệ để cây già, đắng bởi cắt ra rồi cũng chẳng có ai mua. Trên diện tích đất hơn 2 sào, ông Diên chưa có ý định xuống giống lứa khác mà phải nghe ngóng thị trường xem sao.

Ông Bùi Duy Bình, Tổ trưởng tổ dân phố Tân Tiến nhẩm tính, đã có khoảng 300 tấn rau vụ này của nông dân địa phương bị ế ẩm, không có đầu ra, đành nhổ bỏ để giữ màu cho đất.

Theo nhiều nông dân trồng rau, vụ rau Tết thường đem lại thu nhập đáng kể cho người trồng. Thế nhưng năm nay, giá rớt thê thảm lại bỏ không trên ruộng khiến nhiều hộ điêu đứng. Hiện các loại rau, quả như cải ngọt, xà lách, bắp sú, dưa leo, cà chua… bán ra tại ruộng chỉ từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg. Nông dân phải năn nỉ thương lái mua hộ nhưng cũng không có người mua, đành nhổ bỏ đi.

Cung vượt xa cầu

Tổ dân phố Tân Tiến có 225 hộ, trong đó có đến gần 200 hộ chuyên nghề trồng rau, với diện tích khoảng 25 ha. Ông Bùi Duy Bình, Tổ trưởng tổ dân phố Tân Tiến cho biết, các hộ trồng rau đều rơi vào tình cảnh xót xa như hiện nay. Nhà ít thì 1 - 2 sào, có nhà 4 sào cũng đành phá bỏ đi. Một số hộ chẳng buồn thu hoạch, mặc kệ rau lên ngồng, cao ngang gối rồi héo khô ngay trên luống.

Rau Ea Pốk nổi tiếng xưa nay. Vựa rau này cung cấp rau cho các siêu thị, trường học, chợ ở TP. Buôn Ma Thuột và các vùng lân cận. Rau không chỉ phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng trong tỉnh mà còn bán đi các tỉnh lân cận. Cũng nhờ loại cây trồng này, nhiều người dân nơi đây đã khấm khá hơn. Vụ rau dịp Tết năm nay, thời tiết hơi lạnh, thỉnh thoảng có kèm nắng ấm, rất thuận lợi để cây sinh trưởng. Tưởng rằng vụ rau này sẽ giúp mang lại cái Tết tươm tất hơn cho người trồng, nhưng ngược lại, đây lại là một vụ “rau đắng” vì mất giá, không có đầu ra. Tình trạng này kéo dài từ trước Tết Nguyên đán đến nay.

Anh Nguyễn Đình Tuấn chia sẻ, nếu như những năm trước, vào thời điểm này, anh cũng như nhiều người trồng rau ở Ea Pốk tất bật làm không kịp nghỉ tay ở ngoài vườn, thậm chí còn phải chong đèn, cắt rau cho kịp thương lái đến chở đi tiêu thụ thì bây giờ hoàn toàn ngược lại, rau đầy trên ruộng, nhưng người trồng thì lại rảnh rỗi, ngồi chơi không.

Rau xà lách mơn mởn đầy ruộng nhà ông Trương Văn Diên nhưng không có người hỏi mua.
Rau xà lách mơn mởn đầy ruộng nhà ông Trương Văn Diên nhưng không có người hỏi mua.

Theo nhiều hộ trồng rau, nguyên nhân khiến giá rau rớt thê thảm là do thời tiết năm nay có nhiều thuận lợi để cây phát triển tốt. Hầu hết nhà vườn đều có tâm lý chuẩn bị rau bán vào dịp trước, trong và sau Tết nên rau khá dồi dào, khiến nguồn cung vượt xa cầu, đẩy giá rau lao dốc. Ngoài ra, một số hộ có xu hướng tự trồng rau để cung ứng thực phẩm cho gia đình dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm. Thêm vào đó, do dịch bệnh Covid-19 nên thương lái không thể xuất bán đi xa khiến giá rau dù giảm mạnh cũng không tiêu thụ được.

Người trồng rau ở đây canh tác theo hình thức gối vụ. Thời gian này những vụ trước, người dân chuẩn bị làm đất xuống giống vụ rau sau Tết, nhưng năm nay, ở vựa rau lớn nhất nhì tỉnh này, cảnh lao động khá ảm đạm. Về làng rau mùa này, một không khí im ắng đến lạ, thi thoảng lại nghe tiếng từng nhát cuốc phá bỏ đi những luống rau xanh đang mơn mởn để dọn ruộng, làm đất.

Giữa trưa, trời nắng chang chang, trên các ruộng rau, nhìn từng đám rau cuốc bỏ chất đầy bên bờ ruộng được gom thành đống đốt đi hoặc những luống rau già, héo khô ngay trên luống mà không khỏi chạnh lòng, xót xa cho người trồng.

Đỗ Lan

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.