Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng nghề nuôi tằm ở Cư Amung

07:16, 07/01/2021

Xã Cư Amung (huyện Ea H'leo) có gần 1.300 hộ, với hơn 5.300 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 94%; gần 42% là hộ nghèo và cận nghèo.

Là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện, trước đây người dân vẫn loay hoay tìm hướng đi trong phát triển kinh tế nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Gần đây, nhiều nông hộ trên địa bàn mạnh dạn đầu tư nuôi tằm, bước đầu đã giải quyết thời gian rảnh rỗi, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Chị Hoàng Thị Vành, ở thôn 10B, tốt nghiệp đại học sư phạm năm 2010, do không xin được việc nên chị quyết định ở nhà làm nông nghiệp. Sau nhiều năm làm rẫy, trồng hoa màu thấy năng suất, sản lượng thấp, chị tìm hiểu các mô hình hay, các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn để áp dụng. Đến năm 2018, chị Vành mạnh dạn lấy dâu về trồng ven bờ rào và trên diện tích 5 sào trồng hoa màu để nuôi tằm. Chị Vành cho biết: Thời gian đầu, chị mua 150 nghìn đồng tiền giống tằm về nuôi, thời gian 24 ngày thì bán kén được 3,6 triệu đồng. Chị tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư thêm trang thiết bị để nuôi tằm, đến nay bình quân mỗi đợt bán kén, chị thu được hơn 10 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, chị Hoàng Thị Vành còn vận động, hướng dẫn nhiều hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo trên địa bàn xã trồng dâu dọc theo bờ rào, trên diện tích đất cằn cỗi để nuôi tằm. Đến nay, đã có 6 gia đình thực hiện, qua đó đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp họ từng bước thoát nghèo...

Chị Hoàng Thị Vành hái lá dâu cho tằm ăn.
Chị Hoàng Thị Vành hái lá dâu cho tằm ăn.

Nhận thấy trên địa bàn xã có nhiều hộ dân trồng sắn với diện tích lớn, chị tư vấn người dân nuôi tằm lá sắn. Hiện nay, toàn xã có 20 hộ thực hiện mô hình này, trong đó có hộ ông Phạm Văn Ba, ở thôn 10B. Lúc đầu trên diện tích 1 ha, gia đình ông Ba trồng tiêu, sau 5 năm chuyển sang trồng đậu, bắp và sắn, mỗi năm cho thu nhập 30 triệu đồng. Năm 2019, được chị Vành tư vấn, gia đình ông mạnh dạn dùng nhà kho để nuôi tằm, với nguồn thức ăn là lá sắn có sẵn. Ông Ba cho biết thêm: "Việc nuôi tằm lá sắn làm thực phẩm không tốn thời gian nhiều, chủ yếu là buổi trưa, hoặc buổi tối đến thăm xem tằm có khỏe mạnh hay không; phải cung cấp lá sắn nhiều vào thời điểm tằm ăn rỗi. Mà tằm chỉ ăn lá sắn, nên vườn sắn đến kỳ vẫn thu hoạch củ bình thường".

Việc trồng dâu nuôi tằm thu hoạch kén và nuôi tằm lá sắn làm thực phẩm đã giúp các hộ dân trên địa bàn có thêm nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Amung chia sẻ: "Năm 2019 các hộ trồng dâu nuôi tằm thành lập Hợp tác xã dâu tằm và UBND huyện Ea H'leo hỗ trợ gần 82 triệu đồng mua giống dâu về trồng, mở rộng diện tích và quy mô nuôi tằm".

Với nguồn tiêu thụ, đầu ra ổn định, có hợp đồng mua bán lâu dài do Hợp tác xã ký kết với doanh nghiệp, nghề trồng dâu nuôi tằm được địa phương đánh giá là một hướng sản xuất phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn..

Trường Ngữ

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.