Multimedia Đọc Báo in

Phát triển cây ăn quả: Tận dụng lợi thế để gia tăng giá trị

08:47, 19/01/2021

Cây ăn quả đang được coi là loại cây tiềm năng của Đắk Lắk khi mà giá trị kinh tế mang lại cao hơn nhiều loại cây công nghiệp thế mạnh của vùng. Tuy nhiên, sự phát triển tự phát, manh mún đang là bài toán khó cho chất lượng cũng như đầu ra sản phẩm.

Phát triển nhanh nhưng chưa bền vững

Theo số liệu của Sở NN-PTNT, giai đoạn 2016 - 2020, cây ăn quả tiếp tục phát triển mạnh cả diện tích trồng thuần và trồng xen canh, vượt so với quy hoạch đến năm 2020 của tỉnh (quy hoạch là 20.000 ha). Năm 2020 diện tích ước đạt 28.416 ha, tăng 18.526 ha so với năm 2015 (trong đó, phát triển nhanh nhất là giai đoạn 2017 – 2020, tăng 13.550 ha). Việc trồng cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê đã nâng cao thu nhập, giúp cải thiện đời sống cho người dân.

Mô hình cây bơ trồng xen trong vườn cà phê ở xã Ea Tân (huyện Krông Năng).
Mô hình cây bơ trồng xen trong vườn cà phê ở xã Ea Tân (huyện Krông Năng).

Đã bắt đầu hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh, tập trung áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, bước đầu đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất như: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An triển khai trồng 100 ha chuối xuất khẩu, trồng thử nghiệm 50 ha ca cao và xây dựng được thương hiệu để xuất khẩu chính ngạch; Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk đã trồng được gần 52 ha mít và trên 72 ha sầu riêng theo mô hình nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển bền vững, hình thành chuỗi khép kín. Ngoài ra, các HTX, trang trại, tổ hợp tác trồng cây ăn quả theo hướng tập trung cũng đang dần phát huy hiệu quả.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, đến nay đã có 16 cây ăn quả đầu dòng được công nhận, gồm: 12 cây sầu riêng, 2 cây bơ, 2 cây nhãn; 4 vườn cây ăn quả đầu dòng đã được công nhận (1 vườn mít nghệ cao sản; 1 vườn ca cao và 2 vườn bơ). Công tác quản lý và phát triển giống cây ăn quả được tăng cường đã góp phần cung cấp nguồn vật liệu nhân giống cây ăn quả bảo đảm chất lượng.

Tuy nhiên, do giá cả một số cây ăn quả tăng cao mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân như sầu riêng, bơ, cam quýt… nên tình trạng phát triển tự phát tăng nhanh ở nhiều địa phương. Đơn cử như huyện Buôn Đôn, năm 2015 có 490 ha cây ăn quả thì đến năm 2020 diện tích đã tăng lên 1.365 ha, năng suất đạt 170 tạ/ha, sản lượng 17.697 tấn. Tiềm năng phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện có thể nói là rất lớn, song việc trồng thuần cũng như trồng xen cây ăn quả mới được chú ý phát triển trong 4 – 5 năm trở lại đây và chủ yếu do tự phát nên thiếu tính bền vững và đầu ra không ổn định. Bên cạnh đó, hạn chế này một phần do cơ chế chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, các chương trình ưu tiên, ưu đãi chưa kịp thời, vốn đầu tư cho sản xuất còn hạn chế, thủ tục vay vốn đầu tư sản xuất còn rườm rà, chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm…

Tập trung xây dựng mã vùng trồng

Hướng tới phát triển bền vững và khắc phục những hạn chế nêu trên, việc xây dựng mã vùng trồng cho các loại cây ăn quả được ngành nông nghiệp tỉnh đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Đến thời điểm này, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cấp được 14 mã vùng trồng trên một số loại cây có trong danh mục được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Cụ thể: 9 mã vùng trồng vải, với tổng diện tích 110,7 ha; 3 mã vùng trồng chuối, với tổng diện tích 250 ha; 1 mã vùng trồng xoài, với diện tích 40 ha; 1 mã vùng trồng thanh long, với diện tích 50 ha. Ngoài ra, Sở NN-PTNT cũng đã phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, Công ty Cổ phần Otas Global triển khai cấp 24 mã số vùng trồng trên sầu riêng, với tổng diện tích 230 ha; 2 mã vùng trồng bưởi, với tổng diện tích 15 ha. Về cơ sở đóng gói, đã có 19  tổ chức, cá nhân được cấp mã số cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu (hiện còn 17 cơ sở hoạt động).

Phát triển cây vải theo hướng tập trung ở xã Ea Sar (huyện Ea Kar).
Phát triển cây vải theo hướng tập trung ở xã Ea Sar (huyện Ea Kar).

Ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hiện nay đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu. Theo đó, chỉ có nông sản (chủ yếu là rau quả tươi) được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… và gần đây nhất là Trung Quốc. Nếu không được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thì nông sản không đủ điều kiện xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đối với từng thị trường khác nhau thì các quy định liên quan đến cấp mã số vùng trồng có thể khác nhau nhưng tựu trung thì mục tiêu của việc cấp, quản lý và giám sát vùng trồng đã được cấp mã số là để bảo đảm truy xuất được đến từng vườn trồng, cơ sở đóng gói về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện trên vườn trồng; các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được sử dụng trên vườn trồng, đặc biệt là ghi nhận về các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng. Đồng thời, mỗi mã số vùng trồng được cấp không phải là không có thời hạn mà theo định kỳ, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành giám sát để đảm bảo vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trường hợp không đạt yêu cầu theo quy định của nước nhập khẩu, mã số sẽ bị thu hồi.

Nhằm tuyên truyền cho người dân hiểu rõ những vấn đề trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm kết nối nông dân, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và sơ chế hoa quả tươi với chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để giải đáp, hướng dẫn cụ thể những thắc mắc về sản xuất cũng như xây dựng mã vùng trồng. Riêng về vấn đề đầu ra của sản phẩm, để có đầu ra ổn định thì trước hết, các địa phương cần phải làm tốt khâu liên kết sản xuất nhằm bảo đảm chất lượng cũng như sản lượng cung ứng cho thị trường.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.