Multimedia Đọc Báo in

Những người không cam chịu đói nghèo

06:17, 12/01/2021

Điểm khác biệt và đáng khâm phục ở những người dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn của huyện Krông Pắc là họ đã biết cách biến nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước trở thành “đòn bẩy” để vươn lên thoát nghèo bền vững...

Xây dựng mô hình đa cây đa con

Đón tiếp chúng tôi trong căn nhà mới, anh Ai Dế (dân tộc Vân Kiều) ở buôn Ea Drai, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc không giấu được niềm vui: “Vậy là mình đã thoát nghèo được 3 năm rồi. Điều đáng mừng là không “tái” nghèo như một số hộ. Làm nông mà có thu đều đều là “ngon” rồi, không bán gà, vịt, thỏ thì cũng có mít, bơ, ớt, mãng cầu... Lấy cái nọ bù cái kia thì sao mà nghèo mãi được”.

Anh Ai Dế phát triển thêm mô hình nuôi thỏ từ năm 2019 để tăng thu nhập cho gia đình.   Ảnh: N. Xuân
Anh Ai Dế phát triển thêm mô hình nuôi thỏ từ năm 2019 để tăng thu nhập cho gia đình.

Vợ chồng Ai Dế từng nghèo nhất nhì xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc). Không có đất đai, vốn liếng, sáu anh em Ai Dế thay nhau canh tác 1 sào ruộng được bố mẹ chia cho để lấy gạo ăn. Không cam chịu, năm 2004, anh chuyển đến buôn Ea Drai – buôn đặc biệt khó khăn của xã Tân Tiến sinh sống. Được bà con họ hàng chia cho 300 m2 đất, vợ chồng anh dựng tạm một cái chòi che mưa nắng, ai thuê gì làm nấy. Năm 2007, gia đình Ai Dế được hỗ trợ 1 con bò giống từ Chương trình 135. Anh làm chuồng trại để nuôi nhốt, xung quanh che bạt tránh rét, cắt cỏ, chăm sóc cẩn thận. Nhờ vậy, bò đã phát triển lên 4 con. Ai Dế mua thêm 5 sào rẫy, rồi dùng nguồn vốn 20 triệu đồng được vay ưu đãi đầu tư trồng cà phê. Để có gạo ăn, vợ chồng anh thuê 2 sào ruộng nước trồng lúa; nuôi thêm trâu, heo... Để tăng thêm nguồn thu, Ai Dế trồng xen chuối, bơ, sầu riêng, mãng cầu, ớt... trong vườn cà phê. Những phế phẩm chăn nuôi được vợ chồng anh tận dụng ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng.

“Trên địa bàn huyện có rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Họ là những điển hình tiêu biểu, đáng học tập, noi theo bởi đã biết tận dụng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước như một “đòn bẩy” trong hành trình dựng xây một cuộc sống tốt đẹp hơn” .
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh

Qua tìm hiểu trên mạng, Ai Dế đặt mua 7 con gà Tây ở Bình Dương về nuôi rồi bán giống cho các hộ trong buôn. Năm 2019, anh Ai Dế lại tìm tòi, làm chuồng nuôi thỏ. Vừa làm, vừa học, con gì, cây gì anh cũng biết nuôi, biết trồng. Chăm làm lại biết chi tiêu tiết kiệm, vợ chồng Ai Dế đã mua thêm được 1 ha đất rẫy và các phương tiện sinh hoạt, sản xuất.

Thất bại thì làm lại từ đầu

Năm 2008, vợ chồng anh Y Như Ayun (dân tộc Êđê) chuyển vào buôn Ea Su - buôn đặc biệt khó khăn của xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) sinh sống và được Nhà nước cấp cho 5 sào đất, hỗ trợ 1 con bò theo Chương trình 132, 134. Để tiện công làm chuồng trại, chăm sóc, vợ chồng anh “liều” vay thêm 30 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội mua thêm 2 con bò nữa. Sau một thời gian, bò đã sinh sản thêm được 4 con.

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ và lãnh đạo UBND huyện Krông Pắc thăm hỏi tình hình  đời sống của gia đình anh Y Như Ayun (giữa) ở buôn Ea Su, xã Ea Phê.
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ và lãnh đạo UBND huyện Krông Pắc thăm hỏi tình hình đời sống của gia đình anh Y Như Ayun (giữa) ở buôn Ea Su, xã Ea Phê.

Đối với 5 sào đất được cấp, vợ chồng anh trồng 2,5 sào hoa màu ở khu đất xấu hơn để “lấy ngắn nuôi dài”, số diện tích còn lại thì trồng cà phê. Bao công sức của anh bỏ ra đã bị cơn bão cuối năm 2010 quét sạch. Không nản chí anh quyết tâm làm lại từ đầu, tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cà phê, tiêu, học hỏi thêm những mô hình kinh tế. Rồi Y Như bàn bạc với vợ bán bớt bò để khoan giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và mua giống gầy dựng lại vườn cây.

Y Như cho rằng nếu chỉ độc canh cà phê thì với diện tích ít ỏi đó sẽ chẳng thu được là bao. Vì vậy, anh đã trồng xen tiêu và cây ăn trái. Thay vì sử dụng thuốc diệt cỏ, anh tự tay làm cỏ giúp vườn cây vừa thoáng đãng, đất đai lại tơi xốp. Các cây trồng xen cũng được anh chọn lọc kỹ sao cho không tranh chấp ánh sáng, dinh dưỡng mà còn bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Nhờ vậy, dù chỉ với 2,5 sào đất trồng cây lâu năm, mỗi năm gia đình anh cũng thu được từ 50 – 60 triệu đồng. Năm 2018, gia đình anh được hỗ trợ làm nhà 167 và vươn lên thoát nghèo.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.