Multimedia Đọc Báo in

Vừa chống lũ, vừa tập trung khắc phục thiệt hại

08:46, 03/12/2020

Tình hình ngập lụt trên địa bàn tỉnh đang diễn biến khá phức tạp, tính đến ngày 2-12, đã có thêm 4 huyện bị ảnh hưởng nặng. Nhiều tuyến đường bị ngập nặng, hư hỏng; nhiều vùng bị cô lập trong nước lũ.

Thêm 4 địa phương bị ngập nặng

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT-TKCN), tính đến ngày 2-12, trên địa bàn tỉnh có thêm 4 huyện bị ngập nặng là Krông Pắc, Cư Kuin, Krông Ana, Lắk, nâng tổng số địa phương đang bị ảnh hưởng do mưa lũ lên 7 huyện. Mực nước trên các sông tiếp tục lên và đạt đỉnh lũ vào chiều tối ngày 2-12 với cao trình mực nước đỉnh lũ: Trạm Giang Sơn ở mức 425,20 m, trên báo động III là 1,20 m; Bản Đôn ở mức báo động 172 m, trên báo động I là 1 m.

Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin cho biết, mưa lớn, nước sông dâng cao khiến đường giao thông từ buôn Kpung đi buôn Cư Knao (xã Hòa Hiệp) bị ngập khoảng 1 km, độ ngập so với mặt đường đoạn sâu nhất khoảng trên 1 m. Tại xã Cư Êwi, đoạn từ thôn 4 đi qua thôn 5 bị nước chảy xiết băng qua đường gây xói lở, cuốn trôi đá rải đường cấp phối dài khoảng 50 m, gây khó khăn trong quá trình đi lại và bồi lấp một số diện tích ruộng lúa của người dân. Chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân cẩn thận hoặc không lưu thông qua tuyến đường này trong thời gian ngập.

 Lực lượng cứu hộ  vào thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría (huyện Lắk) hỗ trợ  người dân vận chuyển tài sản (lúa, gia cầm)  đến nơi  an toàn.
Lực lượng cứu hộ vào thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría (huyện Lắk) hỗ trợ người dân vận chuyển tài sản (lúa, gia cầm) đến nơi an toàn.

Nước sông Krông Ana dâng nhanh gây ngập 50 ha lúa vụ thu đông tại buôn Kpung, thôn Đông Sơn (xã Hòa Hiệp). Đặc biệt, khu vực 16 hộ tại thôn Giang Sơn, Thành Công, Hiệp Tân (xã Hòa Hiệp) xảy ra tình trạng sạt lở đất, trong đó có 2 hộ nằm trong diện phải di dời khẩn cấp. Các hộ còn lại được UBND xã Hòa Hiệp và lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, tuyên truyền, vận động chủ động di dời đến nơi tránh trú an toàn khi xảy ra mưa lớn hoặc mưa kéo dài.

Ông Đinh Công Thiện, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp cho biết, trên địa bàn xã đã có nhiều khu vực bị ngập nặng như thôn Giang Sơn, Đông Sơn, buôn Cư Pung, buôn Cư Nao. Hiện nước lũ dâng cao gây cô lập thôn Đông Sơn và buôn Cư Nao. Từ chiều tối ngày 1-12, có 100 hộ bị ảnh hưởng. Xã đã hỗ trợ di dời 43 hộ ở vùng thấp đến nơi an toàn, hiện đã ổn định. Trưa 2-12, xã dùng ca nô để đi vào các vùng cô lập, tiếp tế nhu yếu phẩm cho bà con.

Tại huyện Krông Pắc, tuy đã ngớt mưa nhưng nước vẫn đang dồn về các vùng trũng như: Ea Uy, Ea Yiêng, Ea Kuăng gây ngập nhiều tuyến đường, diện tích cây ăn quả, cây lâu năm, hoa màu và lúa sạ sớm. Một số hộ dân ở khu vực trũng, nước ngập vào nhà, có nơi ngập sâu 40 - 50 cm. Đặc biệt tại các xã Vụ Bổn, Ea Uy, Ea Yiêng, chính quyền đã tổ chức di dời hơn 30 hộ tại khu vực bị nước cô lập vào ở tạm tại hội trường thôn, nhà dân khu vực cao. Hiện nước vẫn chưa rút, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Ngoài ra, một số diện tích lúa đông xuân sạ sớm tại các xã Ea Yông, Vụ Bổn, Ea Kuang, Ea Kly bị ngập, đến nay nước vẫn chưa rút, khả năng phải gieo sạ lại. Nước ngập nhiều diện tích cây cà phê, cây ăn quả, hoa màu, bắp, một số diện tích ao cá; cuốn trôi hơn 200 con gia cầm.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng NN-PTNT, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Krông Pắc cho biết, trước tình hình trên, lãnh đạo huyện, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn triển khai công tác phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ". Yêu cầu Công an huyện, UBND xã tổ chức lực lượng cắm chốt, trực bảo vệ đảm bảo an toàn tại các tuyến đường, khu vực bị ngập. Kiên quyết không cho người dân đi qua nếu không cần thiết cho đến khi nước rút.

Tập trung ứng phó, khắc phục thiệt hại

Trước tình hình diễn biến của mưa lũ, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, Sở NN-PTNT và các địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ nghiêm túc; chủ động thực hiện phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm an toàn tính mạng người dân là trên hết.

Lực lượng cứu hộ vào thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría (huyện Lắk) hỗ trợ dân vận chuyển tài sản (lúa, gia cầm) đến nơi an toàn
Lực lượng cứu hộ vào thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría (huyện Lắk) hỗ trợ dân vận chuyển tài sản đến nơi an toàn.

Theo đó, các địa phương tổ chức trực ban phòng chống thiên tai theo dõi cập nhật tình hình. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Krông Bông đã phân công lực lượng chức năng trực, không cho người dân qua lại các tuyến đường trong thời gian bị ngập nước; chỉ đạo lực lượng quân sự xã tổ chức sơ tán các hộ dân có nguy cơ sạt lở; hỗ trợ 96 triệu đồng cho các gia đình có nhà ở bị sập hoàn toàn và hư hỏng nặng. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Ea Kar đã di dời các hộ dân tại các thôn thuộc xã Cư Elang ra khỏi vùng nguy hiểm. Đối với huyện Cư Kuin, hiện đã chủ động tập kết đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm tại các điểm trước khi xảy ra tình trạng cô lập để cung cấp cho nhân dân đảm bảo sinh hoạt. UBND huyện đã quyết định cho nghỉ học đối với học sinh của các Trường THCS Giang Sơn, Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Mầm non Hoa Phượng và một số học sinh thuộc khu vực ngập lụt nguy hiểm và sẽ tổ chức học bù sau khi nước lũ rút.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết, theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 1 người chết; 7 nhà bị hư hỏng và 16 hộ bị ảnh hưởng do sạt lở đất; bị ngập và chia cắt trên 1.000 hộ dân, sơ tán gần 450 hộ; rất nhiều tuyến đường, điểm giao thông bị sạt lở, hư hỏng nặng; trên 1.000 ha lúa, hoa màu, cây lâu năm bị ngập lụt…

Ngoài ra, các đơn vị quản lý giao thông cũng đang tích cực khắc phục thiệt hại để thông các tuyến đường bị hư hỏng nặng. Trong đó, Quốc lộ 26 đoạn qua huyện M’Drắk có 2 vị trí bị hư hỏng nặng. Cụ thể Km 54+350 sạt lở đất, đá taluy dương rơi xuống mặt đường, khối lượng khoảng 1.000 m3, làm hư hỏng 80 m tường hộ lan tôn sóng; tại Km53+400 đường bị đứt hoàn toàn với chiều dài 50 m, sâu 10 m.

Theo Chi cục Quản lý đường bộ III.5, đơn vị đang phối hợp với các đơn vị liên quan dùng đá để đổ xuống dưới tạo mặt bằng vì khu vực này sạt lở lớn và là dòng suối ở vị trí đứt đường. Các đơn vị thi công sẽ đắp đá rồi lắp ống cống để thoát nước, đắp nền đường. Quyết tâm trong ngày 3-12 thông xe toàn tuyến. Khi các vị trí chưa được khắc phục hoàn toàn, Chi cục đã phân công cán bộ và phối hợp với các lực lượng phân luồng giao thông. Cụ thể, các phương tiện tham gia giao thông hướng từ Đắk Lắk đi Khánh Hòa lưu thông trên Quốc lộ 26 đến nút giao ngã ba Km92-900 rẽ trái theo Quốc lộ 29 đến nút giao Quốc lộ 1 (tỉnh Phú Yên) và rẽ phải theo Quốc lộ 1 đi vào Khánh Hòa. Các phương tiện tham gia giao thông theo hướng ngược lại từ Khánh Hòa – Đắk Lắk lưu thông theo Quốc lộ 1 về phía Bắc rẽ trái theo Quốc lộ 29, đến Quốc lộ 26 (đoạn huyện Ea Kar). Dự kiến tổng kinh phí khắc phục khoảng 5 tỷ đồng.

Đối với cầu dân sinh tại đường liên xã Cư Bông – Ea Ô (huyện Ea Kar), hiện nay địa phương đã lắp rào chắn, cảnh báo nhân dân không đi lại qua khu vực này. Ông Nguyễn Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã Cư Bông cho biết, cầu trên đường liên xã dài khoảng 15 m, sâu 8 m nối xã Ea Ô với các thôn 21, 22, 23 và buôn Trưng (xã Cư Bông). Đến chiều ngày 3-12 nước ở khu vực này vẫn chảy mạnh và xiết nên chưa thể triển khai các biện pháp khắc phục. Ngoài ra, trên tuyến có 2 điểm sạt lở, UBND xã đã thông tin đến ban tự quản thôn, buôn thông báo để người dân hạn chế đi lại, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Tại các thôn gồm 9, 10 và 11 thuộc xã Cư San (huyện M’Drắk) bị ngập lụt, sau khi khảo sát tình hình thiệt hại, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh đã quyết định chi hơn 300 triệu đồng hỗ trợ cứu đói và phương tiện đi lại cho các hộ bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ. Trong ngày 3-12, đơn vị sẽ thực hiện cấp phát gạo cho 59 hộ, với 322 khẩu, mức hỗ trợ 15 kg gạo/khẩu/3 tháng, mức giá 14.000 đồng/kg.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh đã hết mưa, tuy nhiên nước đang đổ mạnh về hạ nguồn nên mực nước sông, suối ở các huyện phía Đông tỉnh như Krông Ana, Cư Kuin, Lắk, Krông Pắc tiếp tục dâng cao, gây ngập lụt ở nhiều khu vực trũng, thấp. Vì vậy, các địa phương cần theo dõi sát tình hình để ứng phó kịp thời, đặc biệt là đề phòng sạt lở đất ở các huyện Krông Bông, Cư Kuin, Lắk…

Minh Thuận - Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.