Multimedia Đọc Báo in

Bất cập tại các dự án ổn định dân di cư tự do (Kỳ 2)

08:29, 01/12/2020

Kỳ 2: Nhiều dự án không phát huy hiệu quả

Mặc dù đã triển khai thực hiện nhiều dự án sắp xếp, ổn định cuộc sống cho dân di cư tự do (DCTD) với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải dự án nào cũng đạt hiệu quả như kỳ vọng...

Đìu hiu khu tái định cư

Có mặt tại khu tái định cư thôn Giang Đông (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng), chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh đìu hiu, hoang tàn, không một bóng người. Từ đầu thôn, đập vào mắt chúng tôi là những căn nhà nhỏ chật chội, nhếch nhác. Nền xi măng xen lẫn xà bần, đất cát; mái tôn gỉ sét thủng lỗ chỗ, cửa sổ và cửa chính bị vỡ kính, bản lề xiêu vẹo… Tìm mãi chúng tôi mới gặp được cụ bà Lầu Thị Dí đang ngồi bên bậu cửa vá áo. Cụ Dí cho biết, mình đã già, không còn sức lao động nữa nên ra thôn tái định cư để chăm cháu đi học. Thôn tái định cư Giang Đông này chỉ toàn người già và trẻ con (học sinh) sinh sống. Những người có đủ sức khỏe làm việc thì vẫn cứ ở trong thôn cũ trong rừng (cách chừng 15 km). Ở trong đó có đất để làm nương rẫy...

Việc đi lại ra khu định cư buôn Mông mới (gần UBND xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar) khá vất vả nhưng nhiều hộ dân di cư  tự do vẫn chấp nhận ở trong rừng.
Việc đi lại ra khu định cư buôn Mông mới (gần UBND xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar) khá vất vả nhưng nhiều hộ dân di cư tự do vẫn chấp nhận ở trong rừng.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2004 dự án hoàn thành và bàn giao cho người dân. Tuy nhiên, do cuộc sống bức bối, chật hẹp (mỗi gia đình được cấp nhà 24 m2, trong khi hộ nào cũng có ít nhất 5 - 7 người), đất sản xuất thì khô cằn, bạc màu, khó trồng cây… nên nhiều người chỉ ở được mấy tháng thì lại kéo về nơi ở cũ. Từ đó đến nay, khu tái định cư này gần như bị bỏ hoang, chỉ có vài căn nhà được dùng làm nơi ở tạm của học sinh...

Còn tại khu tái định cư xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar), dù được đầu tư đường bê tông kiên cố, hệ thống nước sạch tập trung, đường điện kéo đến tận nhà, có nhà văn hóa cộng đồng, trường mầm non, tiểu học… nhưng người dân lại không mặn mà với nơi ở mới. Cảnh vật nơi đây cũng vắng vẻ, hoang tàn do rất ít người ở và hầu như nhà nào cũng cửa đóng then cài. Theo ông Hoàng Văn Páo, Trưởng buôn Mông, ở trong rừng, người dân khai hoang để trồng tỉa ngô, đậu; khi mất mùa thì hái măng, bẫy chim, lấy lan rừng, mật ong đem bán cũng có tiền mua gạo. Nếu ra nơi ở mới, thiếu đất sản xuất, người dân không có nghề nghiệp ổn định thì lấy gì để mưu sinh. Vì vậy, đến nay có khoảng 64 hộ đăng ký ra định cư ở làng mới chủ yếu là để có nhà ở, nhập khẩu, làm giấy khai sinh cho con đi học, hằng ngày họ vẫn sinh sống và làm rẫy trong rừng.

Đâu là nguyên nhân?

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch UBND xã Ea Kiết cho biết, hiện tổng số người dân tộc Mông ở cả làng trong và làng ngoài có gần 400 hộ, trong đó, khoảng 131 hộ thuộc diện sắp xếp vào dự án ổn định dân cư, số còn lại là di cư vào sau nên không nằm trong quy hoạch. Hằng năm, huyện Cư M’gar đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng khu định cư ngày càng khang trang hơn để thu hút người dân ra nơi ở mới, tuy nhiên, họ vẫn không chấp thuận. Nguyên nhân là do đa phần các hộ người Mông đã dựng nhà, khai hoang đất nhiều năm trong rừng, không ít rẫy cà phê, tiêu, điều đã cho thu hoạch ổn định. Còn ở khu dự án mới chỉ được cấp nhà ở, không có đất để sản xuất. Nhiều người lo lắng nếu ra nơi ở mới thì nhà nước sẽ thu hồi vườn rẫy đang canh tác trong rừng thì sẽ không còn kế sinh nhai.

Việc đi lại ra khu định cư buôn Mông mới (gần UBND xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar) khá vất vả nhưng nhiều hộ dân DCTD vẫn chấp nhận ở trong rừng.
Việc đi lại ra khu định cư buôn Mông mới (gần UBND xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar) khá vất vả nhưng nhiều hộ dân DCTD vẫn chấp nhận ở trong rừng.

Giải thích về một số bất cập của các dự án tái định cư cho dân DCTD, ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, nguyên nhân là do nguồn vốn bố trí hằng năm không đáp ứng đủ nhu cầu của địa phương (tính đến tháng 8-2020, Trung ương mới bố trí được khoảng 478/670 tỷ đồng để đầu tư cho 13 dự án). Chưa kể đến nay, nhiều hạng mục đội vốn so với thời điểm được phê duyệt do trượt giá. Bên cạnh đó, các hộ dân DCTD tăng liên tục dẫn tới tình trạng quá tải, các dự án chưa kịp bố trí, sắp xếp ổn định được số dân thì lại thêm nhiều hộ dân khác đến, nhiều dự án phải điều chỉnh lại mục tiêu dự án 2 đến 3 lần. Qua rà soát, hầu hết các dự án đang triển khai đều tăng về quy mô (theo phê duyệt của 13 dự án là 4.402 hộ, quy mô sau khi rà soát năm 2019 là 6.383 hộ).

Một nguyên nhân nữa, theo ông Dũng, việc giải quyết nhu cầu về đất ở, đất sản xuất cho người dân theo quy hoạch dự án đang gặp nhiều vướng mắc. Để thu hồi đất do các hộ dân đã xâm canh, lấn chiếm cấp lại cho vùng dự án là khó khả thi; việc chuyển đổi mục đích đất lâm nghiệp không còn rừng mà người dân DCTD đã canh tác sản xuất nhiều năm sang đất rừng sản xuất hoặc đất nông nghiệp còn vướng cơ chế chính sách. Do không được chuyển mục đích sử dụng đất nên người dân DCTD vẫn cư trú, canh tác trên đất bất hợp pháp; họ không được đăng ký hộ khẩu, hộ tịch. Mặc dù nhiều hộ có điều kiện kinh tế rất khó khăn nhưng vẫn không đủ điều kiện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

(Còn nữa)

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.