Multimedia Đọc Báo in

Nhiều triển vọng từ giống lúa Hương Châu 6

06:32, 06/10/2020

Tuy chỉ mới đưa vào gieo trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nhưng giống lúa thuần Hương Châu 6 đã mang lại kết quả cao về cả năng suất và chất lượng, giúp nông dân có thêm lựa chọn giống lúa phù hợp với điều kiện sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập.

Vụ hè thu năm nay, gia đình bà Trần Thị Liên (thôn Đông Giang 1, xã Buôn Tría, huyện Lắk) đã trồng thử nghiệm hơn 8 sào lúa giống Hương Châu 6 của Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed Group). Trong quá trình sản xuất, bà Liên nhận thấy giống lúa mới có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống lúa khác. Cụ thể, cây phát triển xanh tốt, không sâu bệnh, cứng cây, chống đổ tốt, hạt lúa chắc, ngon cơm, lại dễ chăm sóc, cho năng suất và giá cả cao hơn so với giống Đài thơm 8. Sau hơn ba tháng chăm sóc, gia đình bà thu hoạch được 6,5 tạ/sào, được thương lái thu mua với giá 7.300 đồng/kg.

Cánh đồng giống lúa Hương Châu 6 tại xã Buôn Tría, huyện Lắk.
Cánh đồng giống lúa Hương Châu 6 tại xã Buôn Tría, huyện Lắk.

Tương tự, gia đình bà Huỳnh Thị Chẩm (thôn 1, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana) cũng gieo trồng 1 ha lúa Hương Châu 6 trong vụ hè thu. Tuy nhiên do nắng hạn, thiếu nước nên gia đình bà đã xuống giống trước 4 sào, cách 20 ngày sau mới gieo trồng 6 sào còn lại. Ruộng lúa của gia đình bà được chăm sóc kỹ lưỡng, phát triển tốt, cây lúa trĩu hạt nên người dân trong vùng thường xuyên đến tham quan, học hỏi. Nhờ thời tiết thuận lợi, đến thời điểm thu hoạch, 4 sào lúa của gia đình đạt năng suất 8 tạ/sào. Còn 6 sào sắp đến ngày thu hoạch dù liên tục gặp mưa to và gió lớn nhưng kết quả thu được ngoài mong đợi khi lúa đạt năng suất 7 tạ/sào. Bà Chẩm cho hay, giống lúa này ít sâu bệnh, kết hạt nhiều, vỏ trấu mỏng, với ưu điểm cứng cây nên hầu như lúa của gia đình không bị đổ ngã. Sau thu hoạch, gia đình bà cũng bán được giá cao, với 7.100 đồng/kg.

Ông Trần Anh Hai, nhân viên kinh doanh của Vinaseed Group khu vực Tây Nguyên cho biết, Hương Châu 6 là giống lúa thuần, do công ty lai tạo thành công, được Bộ NN-PTNT công nhận vào tháng 6-2020. Hương Châu 6 đã được đưa vào sản xuất hai vụ ở Đắk Lắk (tại huyện Krông Ana và Lắk). Do có nhiều ưu điểm vượt trội, giống lúa mới này được người dân đón nhận tích cực và đang mở rộng diện tích. Hiện công ty đang triển khai nhân rộng và xây dựng mô hình trình diễn giống lúa Hương Châu 6 tại TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Pắc, Ea Kar, Ea Súp trong vụ đông xuân 2020 – 2021.

Mô hình trình diễn giống lúa Hương Châu 6 ở xã Quảng Điền, huyện Krông Ana.
Mô hình trình diễn giống lúa Hương Châu 6 ở xã Quảng Điền, huyện Krông Ana.

Trực tiếp đồng hành cùng người dân, theo dõi quá trình sản xuất giống lúa mới trên địa bàn huyện, chị Hứa Thị Vui, viên chức Trạm Khuyến nông huyện Krông Ana cho biết, vụ hè thu năm nay, người dân đã đưa vào trồng thử nghiệm 10 ha giống lúa Hương Châu 6 ở các xã Quảng Điền, Bình Hòa và thị trấn Buôn Trấp. Dù thời tiết vụ hè thu không được thuận lợi, song giống lúa Hương Châu 6 vẫn cho năng suất trung bình đạt 6,5 tấn/ha (thời gian trồng 95 - 100 ngày cho thu hoạch), nếu trồng vụ đông xuân, năng suất dự kiến sẽ đạt 9 tấn/ha (trồng 115 – 120 ngày thu hoạch).

Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Buôn Tría (huyện Lắk), giống lúa Hương Châu 6 đã được gieo trồng hai vụ trên địa bàn xã với diện tích 25 ha và mang lại hiệu quả cao. Hiện xã có khoảng 942 ha lúa gồm các giống: Đài thơm, ST24, RVT… trong đó giống Đài thơm chiếm 50% diện tích. Địa phương dự định chuyển đổi dần diện tích Đài thơm sang giống Hương Châu 6 và liên kết với Vinaseed Group để ổn định đầu ra, góp phần đa dạng hóa cơ cấu giống, giúp người dân lựa chọn giống lúa phù hợp để cải thiện thu nhập.

Trong quá trình chăm sóc cho thấy, giống lúa Hương Châu 6 phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương, cây phát triển xanh tốt, kháng được bệnh đạo ôn, rầy nâu, lúa trổ bông đồng loạt, năng suất tốt, giá cả ổn định… có nhiều tiềm năng phát triển sản xuất, thay thế được giống lúa thuần cũ.


Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.