Multimedia Đọc Báo in

Nhiều giải pháp thực hiện chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ mới

09:10, 15/10/2020

Với tinh thần sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm, tại phiên thảo luận tổ chiều 14-10, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về nhiệm vụ chiến lược và giải pháp đột phá để triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ mới.

Đột phá về giao thông là động lực phát triển

Nỗ lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông mở rộng không gian liên kết, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo đà phát triển kinh tế – xã hội là một trong những vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Thảo luận về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường khẳng định: Quan điểm của lãnh đạo tỉnh làa lấy phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông làm khâu đột phá, xem đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu và đi trước một bước. Trong đó, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giao thông hiện đại, an toàn, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là tiền đề phát triển kinh tế – xã hội, củng cố an ninh – quốc phòng của khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; đồng thời phục vụ nhu cầu vận tải nhanh, an toàn, thúc đẩy phát triển du lịch, kết nối giữa rừng với biển.

 

Đầu tư hạ tầng giao thông là một trong những động lực để Đắk Lắk phát triển. Ảnh: Hoàng Gia
Đầu tư hạ tầng giao thông là một trong những động lực để Đắk Lắk phát triển. Ảnh: Hoàng Gia

Cũng quan tâm đến vấn đề phát triển hệ thống giao thông, theo đại biểu Y Khút Niê, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, hiện nay mạng lưới giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu, một số tuyến đường xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Để phát triển giao thông nông thôn, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, cần có sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, trong đó công tác tuyên truyền, vận động và huy động sức dân là yếu tố quan trọng. Qua đó tạo ra những địa phương điển hình, nhân rộng ra các địa phương khác là một trong những giải pháp cơ bản để tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của phong trào xây dựng giao thông nông thôn…

Xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Đại biểu Vũ Văn Hưng, Quyền Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột nêu ý kiến: “Để khắc phục những hạn chế, tồn tại của ngành nông nghiệp hiện nay, nghị quyết của đại hội cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc thù, nâng cao giá trị cũng như năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại có hiệu lực. Các tỉnh như Sơn La, Gia Lai... sớm xây dựng thương hiệu cho nông sản nên sản phẩm của họ có nhiều thuận lợi trong việc gia nhập thị trường khi các hiệp định thương mại có hiệu lực. Trong khi đó, ở Đắk Lắk đang gặp nhiều trở ngại, khó khăn”.

Trồng dưa leo hữu cơ trong hệ thống nhà lồng ở Trang trại nông nghiệp hữu cơ hỗn hợp Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ). Ảnh: Hoàng Gia
Trồng dưa leo hữu cơ trong hệ thống nhà lồng ở Trang trại nông nghiệp hữu cơ hỗn hợp Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ). Ảnh: Hoàng Gia

Để tạo bước đột phá trong nông nghiệp, ông Huỳnh Thủ Đô, đại biểu TP. Buôn Ma Thuột cho rằng: Cần chú trọng đến việc quy hoạch vùng chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp dựa trên những loại cây trồng chiếm ưu thế để thuận lợi trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến liên quan.

 Về vấn đề đầu ra cho nông sản, theo đại biểu Nguyễn Đình Viên, Bí thư Huyện ủy Cư M’gar, sản xuất nông nghiệp hiện nay rất khó khăn, sản phẩm làm ra không bán được. Vấn đề đặt ra cho tỉnh là cần định hướng cho người dân trồng cây gì, nuôi con gì để phù hợp và phải gắn với thị trường tiêu thụ; cần tập trung nghiên cứu thị trường để định hướng, dự báo tình hình cho người dân. Bên cạnh đó, hiện nay một vấn đề người dân rất quan tâm đó là giá cả nông sản bấp bênh, có tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Do vậy tỉnh cần có thêm các cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản để góp phần ổn định đầu ra, có nơi bao tiêu nông sản để người dân yên tâm sản xuất…

Ưu tiên nguồn lực để Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng

Để Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên như Kết luận 67 của Bộ Chính trị, các đại biểu cho rằng, tỉnh cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong phân cấp, phân quyền cho thành phố, nhất là trong vấn đề thu hút đầu tư, điều tiết nguồn thu, tạo thuận lợi cho thành phố chủ động cân đối đầu tư công. Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường khẳng định: “Bên cạnh sự quan tâm của tỉnh, các bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền TP. Buôn Ma Thuột cần học tập nghiên cứu một số mô hình của TP. Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ để xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ gắn với điều kiện thực tế”. 

Chế tạo cơ khí tại một doanh nghiệp trong Cụm Công nghiệp Tân An 1 (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Minh Thông
Chế tạo cơ khí tại một doanh nghiệp trong Cụm Công nghiệp Tân An 1 (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Minh Thông

Đối với vấn đề bản sắc cho đô thị Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung, một số ý kiến cũng đặt vấn đề: Ngoài việc quan tâm bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị truyền thống của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn, cần chú trọng hơn nữa đến mảng cây xanh đô thị. Việc trồng cây xanh cũng nên lựa chọn những loại cây đặc thù của Tây Nguyên…

Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi kinh tế số

Đại biểu Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Sở Thông Tin – Truyền thông nêu vấn đề: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển với tốc độ nhanh chóng và tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội hiện nay. Những ứng dụng của cuộc cách mạng đã đem lại kết quả tích cực cho nền văn minh nhân loại, đặc biệt là ra đời sản phẩm công nghệ cao. Còn ở Việt Nam, Chính phủ đang tập trung đẩy nhanh tiến độ và tốc độ để bắt nhịp với xu thế toàn cầu. Đắk Lắk là tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên, tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế. Để đẩy nhanh việc ứng dụng cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm từng lĩnh vực theo hướng chuyển đổi số và xây dựng nền kinh tế số tại tỉnh ta. Trong đó, phải thực hiện việc tích hợp dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung; ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính.

Cùng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Từ Thái Giang, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột cho rằng: Để đáp ứng yêu cầu phát triển cần đầu tư nguồn nhân lực, nhất là nguồn lao động có trình độ tay nghề cao. Nếu không có sự chuẩn bị kịp thời sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Cho nên cần có chương trình, hoặc nghị quyết riêng cho việc xây dựng nguồn nhân lực của địa phương. 

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Nguyễn Văn Minh nêu ý kiến: Tỉnh cần có cơ chế đầu tư thật sự thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư, nhất là vào nông nghiệp, công nghiệp; gắn sản xuất chế biến với tiêu thụ. Là một tỉnh nông nghiệp tỉnh cần dành ưu tiên nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, đặc biệt những xã vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Nếu đầu tư thành công sẽ làm thay đổi bộ mặt của toàn tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân sẽ có nhiều khởi sắc.

Thảo luận về vấn đề này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê cho rằng, hiện nay so với bình quân chung của cả nước, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh chưa đạt do Đắk Lắk có địa bàn rộng, dân cư thưa thớt. Lâu nay chúng ta mới chỉ tập trung nơi nào có thể đi trước để phấn đấu đạt một số chỉ tiêu. Cách làm như thế mới chỉ là giải pháp trước mắt. Về mặt lâu dài, phải đứng trên quan điểm xây dựng nông thôn mới là tất cả người dân đều được hưởng lợi. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ này cần phải tính toán lại nguồn lực, ngoài việc thực hiện theo yêu cầu của Trung ương về mặt tiến độ, thì phải đi vào thực chất hơn và làm sao quan tâm hơn các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt là các huyện nghèo theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy.

Phát triển công nghiệp gắn với chế biến sâu

Phát biểu tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay, hiệu quả hoạt động các cụm công nghiệp trong tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Trong nhiệm kỳ tới cần thực hiện phân loại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp theo hướng chuyên sâu, sản xuất theo từng lĩnh vực để thuận lợi trong quản lý, xử lý môi trường, tạo nguồn nguyên liệu và thu hút đầu tư. Các đại biểu thống nhất với việc quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng liên kết, tuy nhiên cần phải tập trung đầu tư các nhà máy chế biến sau thu hoạch, các loại hình doanh nghiệp thu hút, giải quyết được nhiều lao động cho địa phương.

Tỉnh cần đánh giá thêm về công tác quản lý bảo vệ rừng, bởi trong những năm qua chúng ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác phối hợp ngăn chặn tình trạng phá rừng nhưng chưa đề cập đến công tác phát triển kinh tế rừng. Muốn làm được điều này cần có quy hoạch vùng trồng, giao khoán rừng hợp lý, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy chế biến gỗ nguyên liệu từ rừng để giải quyết đầu ra…

Thu hút các nguồn lực để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trong mục tiêu tổng quát, Đại hội đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên đến năm 2025, cơ bản trở thành trung tâm vùng vào năm 2030 và đến năm 2045 thực sự là trung tâm của vùng Tây Nguyên. Các đại biểu cho rằng, về mặt địa lý thì Đắk Lắk là trung tâm vùng Tây Nguyên nên để tỉnh thực sự xứng đáng với vị trí này, cần tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư để Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Đây là nỗi niềm, khao khát rất lớn của tỉnh. Vì vậy, cần chọn những lợi thế của Buôn Ma Thuột để phát huy hơn nữa. Đó là trung tâm tài chính ngân hàng của khu vực, trung tâm đào tạo đại học và lao động chất lượng cao, trung tâm y tế với việc hướng đến nâng cấp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thành Bệnh viện Trung ương vùng Tây Nguyên.

 

Khám phá, tìm hiểu văn hóa các dân tộc là sản phẩm du lịch độc đáo ở Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia
Khám phá, tìm hiểu văn hóa các dân tộc là sản phẩm du lịch độc đáo ở Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia

Một trong những nội dung trọng tâm được các đại biểu tập trung thảo luận đó là việc thu hút mạnh các nguồn lực để phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Theo các đại biểu, tiềm năng về du lịch, thắng cảnh thiên nhiên của tỉnh nhiều nhưng việc đầu tư còn sơ sài, khai thác chưa đến nơi đến chốn, sản phẩm du lịch chưa nhiều, việc kêu gọi đầu tư sẽ khó khăn. Vì vậy, cần có hướng liên kết các điểm du lịch nhỏ thành điểm lớn để dễ dàng trong việc tìm nhà đầu tư. Đồng thời, cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư. Trong đó, quan tâm đến vấn đề phát triển du lịch gắn liền với nông nghiệp, nhất là cây cà phê bởi đây là nông sản chủ lực của tỉnh, đã được công nhận chỉ dẫn địa lý và gắn bó lâu đời với người dân trên địa bàn. Để nâng cao giá trị cho cây cà phê gắn với phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh, cần tập trung nâng cao giá trị gia tăng của loại cây trồng này thông qua cơ chế khuyến khích, hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến sâu, hạn chế xuất thô. Bên cạnh đó, quy hoạch lại vùng phát triển du lịch và tạo điều kiện cho tư nhân chuyển đổi, đầu tư phát triển du lịch.

Nhóm phóng viên (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.