Multimedia Đọc Báo in

Liên kết chăn nuôi dê: Hướng phát triển kinh tế hiệu quả ở Ea Ning

06:33, 06/10/2020

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ea Ning (huyện Cư Kuin) đã liên kết thành tổ hợp tác chăn nuôi dê để hỗ trợ nhau trong chăn nuôi, góp phần tăng thêm thu nhập.

Ông Hồ Đăng Xuân, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi dê xã Ea Ning cho biết, tổ hợp tác được thành lập vào năm 2017 với mục đích hợp tác cùng phát triển chăn nuôi theo quy trình chăn nuôi an toàn tại các hộ gia đình. Tham gia tổ hợp tác, các thành viên được hỗ trợ vắc xin phòng bệnh, kỹ thuật chăn nuôi và liên kết tìm đầu ra, hướng tới ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn. Sau một thời gian hoạt động, các hộ chăn nuôi trong tổ còn tự sản xuất và hỗ trợ nhau về con giống. Ngoài ra, các thành viên còn được hội nông dân các cấp tư vấn, hỗ trợ và trang bị thêm nhiều kiến thức về điều hành, tổ chức tổ hợp tác, kỹ thuật chăn nuôi...

Trong quá trình hoạt động, ban quản lý tổ hợp tác thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình chăn nuôi tại các hộ thành viên để bảo đảm an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, các thành viên trong tổ cũng giao ban định kỳ để thông báo kết quả sản xuất, trao đổi kinh nghiệm cũng như những khó khăn đang gặp phải để cùng nhau kịp thời giải quyết.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Cư Kuin tham quan mô hình chăn nuôi dê của gia đình anh Lê Văn Tuấn  (thôn 21,xã Ea Ning).
Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Cư Kuin tham quan mô hình chăn nuôi dê của gia đình anh Lê Văn Tuấn (thôn 21,xã Ea Ning).

Sau 4 năm thành lập, đến nay Tổ hợp tác chăn nuôi dê xã Ea Ning đã có 9 thành viên. Nhờ cách tổ chức sản xuất khoa học, hợp lý và chặt chẽ nên hiệu quả chăn nuôi của tổ hợp tác được nâng lên rõ rệt, đàn vật nuôi lớn nhanh, khỏe mạnh, đạt năng suất cao và không xảy ra dịch bệnh. Anh Lê Văn Tuấn (ở thôn 21, xã Ea Ning) chia sẻ: Trước đây gia đình anh trồng 1 ha cà phê, hồ tiêu nhưng giá cả xuống quá thấp nên anh tham gia tổ hợp tác chăn nuôi dê để phát triển kinh tế gia đình. Ban đầu anh Tuấn đầu tư 60 triệu đồng làm chuồng trại và nuôi vài con giống. Sau khi được các thành viên trong tổ hợp tác trao đổi kinh nghiệm và nhận thấy nhiều gia đình có thu nhập khá từ nuôi dê nên anh đã mạnh dạn mở rộng chăn nuôi. Hiện gia đình anh Tuấn có trên 30 con dê thịt, với giá bán ổn định từ 120.000 – 125.000 đồng/kg cùng nguồn phân chuồng, mỗi năm gia đình anh có nguồn thu trên 100 triệu đồng. Theo anh Tuấn, nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định mà không quá vất vả do loài vật này có sức đề kháng cao, ít bị bệnh; thức ăn thì có thể tận dụng các loại lá cây hái trong nương rẫy hoặc cỏ tự trồng.

Hội Nông dân huyện Cư Kuin tham quan mô hình nuôi dê theo hướng liên kết hộ gia đình ở xã Ea Ning.
Hội Nông dân huyện Cư Kuin tham quan mô hình nuôi dê theo hướng liên kết hộ gia đình ở xã Ea Ning.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ning, toàn xã hiện có 380 con dê, tăng 100 con so với năm 2019. Mô hình liên kết sản xuất, chăn nuôi dê đang là hướng phát triển kinh tế có hiệu quả của nhiều hộ dân trên địa bàn xã. Nhiều hội viên của tổ hợp tác chăn nuôi dê đã vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống. Bên cạnh hỗ trợ người dân vay vốn ngân hàng chính sách đầu tư chuồng trại và con giống, thời gian tới Hội Nông dân xã sẽ đề xuất các cấp, ngành hỗ trợ kinh phí giúp hội viên mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.