Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Súp: Nông dân khốn khổ vì nhiều diện tích lúa bị ngập úng

09:12, 19/10/2020

Những ngày qua, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn khiến nhiều diện tích lúa vụ hè thu đến thời kỳ thu hoạch trên địa bàn huyện Ea Súp bị ngập úng.

Vụ hè thu năm nay, toàn huyện Ea Súp gieo trồng hơn 12.360 ha lúa với các giống lúa năng suất cao như TBR225, IR50404, OM 4900, OM 6976, Đài thơm 8, ST 24... Mưa lớn trong những ngày qua đã khiến cho hơn 3.100 ha lúa bị ảnh hưởng; trong đó, địa phương có diện tích lúa ngã đổ nhiều nhất là các xã Ea Lê, Ea Bung, thị trấn Ea Súp…

Gần 1 ha lúa của gia đình chị Nguyễn Thị Hằng (thôn 2, xã Ea Lê) chỉ còn vài ngày nữa là gặt nhưng sau vài trận mưa lớn đã bị đổ rạp, ngập úng. Nhìn cảnh tượng ruộng lúa như bây giờ, gia đình chị chỉ biết lắc đầu, ngán ngẩm. Chị Hằng than thở: “Lúa bị ngâm nước không chỉ làm giảm năng suất, chất lượng mà việc tiêu thụ cũng rất khó khăn”.

Gia đình chị Trần Thị Hoa (thị trấn Ea Súp) cũng trong cảnh tương tự. Vụ hè thu này, gia đình chị gieo trồng trên 2 ha lúa. Do áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý nên diện tích lúa phát triển rất tốt, gia đình chị Hoa tràn đầy hy vọng vào một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị gặt thì trời mưa lớn trong thời gian dài khiến ruộng lúa đổ ngã, úng ngập và xuất hiện tình trạng lên mộng trên hạt. Gia đình chị Hoa phải huy động nhân công dựng cột lúa ngã đổ, thuê máy gặt vớt vát được chút nào hay chút đó. Chị Hoa chia sẻ: “Những vụ trước thời tiết thuận lợi, gia đình thu được trên 6 tấn/ha. Thế nhưng, vụ này thu hoạch chỉ còn hơn một nửa do lúa mới chín được 50 - 60% nhưng bị ngập nhiều ngày, bùn đất bám đầy và đổ ngã. Chúng tôi đành phải gặt về với hy vọng cố gắng vớt vát phần nào”.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (thôn 2, xã Ea Lê) tranh thủ buộc dựng lại lúa.   
 Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (thôn 2, xã Ea Lê) tranh thủ buộc dựng lại lúa.

Không chỉ riêng gia đình chị Hằng, chị Hoa, nhiều nông dân cũng đang buồn rầu vì lúa chín gặp mưa to bị đổ ngã, máy gặt đập liên hợp chạy hết công suất cũng không đáp ứng kịp nhu cầu trong khi dự báo trời sẽ còn tiếp tục mưa. Thêm vào đó, nhiều diện tích lúa gần thu hoạch bị ngã rạp phải gặt bằng tay vì không sử dụng được máy gặt nên công gặt cũng đắt hơn nhiều. Bình thường giá công gặt bằng tay đối với lúa đứng là 150.000 đồng/sào, nay lúa ngã giá lên đến 170.000 đồng/sào. Giá thuê máy gặt cũng tăng từ 110.000 đồng/sào lên 150.000 đồng/sào. Lúa giảm năng suất trong khi chi phí thuê máy gặt và nhân công vận chuyển tăng cao khiến nhiều hộ cầm chắc thất thu vụ này. Lúa đổ ngã khiến hạt lúa bị ngâm nước nhiều ngày bị đen, thậm chí nhiều diện tích còn bị lên mầm khiến cho việc bán lúa tươi cũng trở nên khó khăn. Nếu như lúa tươi, không bị đổ, cân tại ruộng có giá khoảng 5.100 đồng/kg thì với lúa đổ, bị ngâm nước chỉ bán được tầm 4.500 - 4.800 đồng/kg, lúa bị ngâm nước lâu thì thương lái hạn chế thu mua. Nhiều người dân cho hay: “Những vụ trước, chưa đến ngày thu hoạch lúa thì các thương lái đã gọi điện đặt tiền cọc mua trước còn vụ này thì ngược lại. Đến lúc thu hoạch, chúng tôi gọi điện thương lái đến mua nhưng họ cũng không mặn mà”.

Trước tình hình trên, Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp đã hướng dẫn nông dân khẩn trương tháo kiệt nước trong ruộng và huy động lực lượng dựng lúa đứng lên theo hướng đổ và tổ chức thu hoạch sớm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Trang Vũ


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.