Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

15:46, 27/09/2020

Lựa chọn các món đặc sản của quê hương để khởi nghiệp kinh doanh, nhiều bạn trẻ đã tìm cho mình cơ hội phát triển và thực hiện mục tiêu mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm ngon, sạch, có lợi cho sức khỏe.

Đưa thạch đen Cao Bằng đi xa

Anh Hứa Văn Điệp (SN 1994) sinh ra và lớn lên tại xã Cư Ni, huyện Ea Kar, nhưng vẫn thường về thăm bản làng dân tộc Nùng của mình ở quê hương Cao Bằng. Anh thấy quê nhà có món ăn đặc sản thạch đen (hay còn gọi là sương sáo) được nấu từ cây thạch đen, loại cây chỉ mọc ở vùng đất Cao Bằng, Lạng Sơn rất ngon, được nhiều người yêu thích nhờ có vị thanh mát và nhiều công dụng tốt như thanh nhiệt, nhuận tràng, ổn định huyết áp, chống lão hóa. Tuy nhiên, loại thạch này nấu rất công phu, không dùng chất bảo quản nên chỉ để được từ 6 - 8 ngày, rất khó vận chuyển đi xa. Vì vậy, anh Điệp có ý tưởng nhập nguyên liệu khô từ Cao Bằng về Đắk Lắk để nấu thành thạch mang bán để khởi nghiệp.

Quy trình sản xuất thạch đen ở cơ sở của anh Hứa Văn Điệp (xã Cư Ni, huyện Ea Kar).
Quy trình sản xuất thạch đen ở cơ sở của anh Hứa Văn Điệp (xã Cư Ni, huyện Ea Kar).

Anh đã dành thời gian hơn một năm để về quê học tập kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ các công đoạn, từ sơ chế nguyên liệu đến cách chế biến ra thành phẩm. Đầu năm 2020, anh quyết định đầu tư cơ sở vật chất, đăng ký kinh doanh, đưa vào hoạt động cơ sở sản xuất thạch đen Hoàng Hằng, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột. Anh Điệp cho hay: "Món thạch đen được chế biến qua rất nhiều công đoạn và thời gian; trước hết phải rửa thật sạch nguyên liệu rồi cho vào nồi nấu nhừ, vắt bỏ bã, lọc lấy nước, trộn với bột năng vào quấy đều. Khi nào dung dịch đặc quánh thì đổ vào hộp và để nguội, thành phẩm sẽ có một màu đen tuyền, bóng và giòn. Nghe qua có vẻ dễ làm, nhưng thực ra phải là người có nghề, nhận biết được độ “tới” của thạch sao cho có mùi vị đặc trưng, không bị cháy thì sản phẩm mới đạt chất lượng”.

Ngoài việc chú trọng đến chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua chuẩn hóa quy trình bằng nấu cách thủy khép kín, anh Điệp còn đóng gói sản phẩm với mẫu mã đẹp, sử dụng tem chống hàng giả… để mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng nhất. Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất thạch đen của anh cung cấp ra thị trường từ 300 hộp trở lên, giá trung bình từ 30 - 40 nghìn đồng/hộp. Sản phẩm thơm ngon và đảm bảo vệ sinh nên rất được nhiều khách hàng ưa chuộng. Trong thời gian tới, anh sẽ mang đến chào hàng tại các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị… với hy vọng mọi người sẽ biết đến món đặc sản của đất Cao Bằng vừa ngon vừa bổ dưỡng.

Cơ sở kinh doanh của anh Điệp cũng đã tạo việc làm cho khoảng 10 lao động, đều là người dân tộc Tày, Nùng, giúp họ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Dám nghĩ, dám làm

Anh Trần Văn Pháp (xã Cư Né, huyện Krông Búk) chọn khởi nghiệp kinh doanh bằng hạt mắc ca, loại hạt được xem là một trong những đặc sản của vùng đất Tây Nguyên.

Trước đây, anh Pháp có nhiều năm gắn bó với công tác Đoàn, được đi nhiều nơi, học hỏi nhiều điều. Anh nhận thấy nhu cầu tiêu thụ mắc ca thành phẩm của người dân ngày càng cao, nhưng mắc ca thô của bà con nông dân lại được thu mua với giá thấp, nhiều khi bị ế không có đầu ra. Nhưng làm mắc ca thành phẩm rất khó, nếu không nắm vững kỹ thuật thì dễ hư hỏng dẫn đến thua lỗ.

Ý tưởng và quyết tâm khởi nghiệp của những thanh niên trẻ không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà mà còn tạo cơ hội đưa sản phẩm đi xa, gây dựng thương hiệu cho đặc sản quê hương.

Vì vậy, năm 2016, vợ chồng anh Pháp quyết định đầu tư tiền bạc, mua sắm máy móc, đồng thời học hỏi kỹ thuật làm mắc ca, tìm nguồn thu mua mắc ca thô để tạo ra thành phẩm mắc ca sấy. Nguồn vốn để lập nghiệp không hề ít, phải vay mượn khắp nơi; gia đình chưa ủng hộ do nhiều người làm không thành công, nhưng với quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, đến nay anh đã làm chủ được kỹ thuật, nắm được phương pháp bảo quản, sơ chế mắc ca để tạo ra sản phẩm thơm ngon.

Anh Trần Văn Pháp tự tay chọn lựa hạt mắc ca đủ tiêu chuẩn để sản xuất thành phẩm.
Anh Trần Văn Pháp tự tay chọn lựa hạt mắc ca đủ tiêu chuẩn để sản xuất thành phẩm.

Theo anh Pháp, hiện nay, người tiêu dùng rất chú trọng đến sức khỏe nên sử dụng nhiều loại hạt dinh dưỡng, trong đó có hạt mắc ca. Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp lý để phục vụ người tiêu dùng. Ngoài diện tích mắc ca gia đình trồng được, anh đi thu mua nguyên liệu của nông dân trên địa bàn về sản xuất. Anh cũng thường xuyên đến từng vườn để trao đổi với nông dân về quy trình sản xuất sạch và đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm, bởi theo anh, điều kiện tiên quyết của một sản phẩm chất lượng đó chính là nguồn nguyên liệu sạch. Nhờ sản phẩm chất lượng tốt và chủ động ứng dụng công nghệ 4.0 vào kinh doanh, đến nay cơ sở kinh doanh của anh đã có rất nhiều đại lý lấy sỉ. Với 3 lao động chính trong gia đình, mỗi năm cơ sở cho doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Dù trải qua nhiều khó khăn, nhưng những bước đi mạnh dạn khởi nghiệp từ đặc sản quê hương của những người như anh Điệp, anh Pháp đã gặt hái được những thành công ban đầu. Đó cũng là cảm hứng cho những người trẻ đã và đang nuôi ước mơ khởi nghiệp có thêm động lực để tự tin bắt tay vào công việc.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.