Multimedia Đọc Báo in

Để Lắk trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách

20:46, 10/08/2020

Huyện Lắk có vị trí địa lý thuận lợi, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng. Đây là tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa cộng đồng.

Những điểm đến hấp dẫn

Huyện Lắk có nhiều tiềm năng du lịch, trong đó phải nói đến tài nguyên du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Hệ thống sông suối, thác ghềnh phong phú, tiêu biểu như: thác Bìm Bịp, suối đá Đắk Phơi, thác Ba tầng, hồ thủy điện buôn Tua Srah, hồ Ea Rbin… tất cả đều ẩn mình trong những cánh rừng nguyên sinh, tạo nên khung cảnh vừa hùng vĩ lại vừa kỳ bí thơ mộng.

Trong đó, hồ Lắk là một biểu hiện rõ nét sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên của du lịch Lắk nói riêng và du lịch Đắk Lắk nói chung, với hệ sinh thái đất ngập nước nằm trên cao nguyên. Đây là nơi cư trú lâu đời của dân tộc bản địa, có tiềm năng về du lịch nhân văn và những đặc điểm riêng về sinh cảnh tạo nên một sắc thái riêng biệt trong khu vực Tây Nguyên.

Ngoài ra Lắk còn có một hệ thống những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn như Vườn quốc gia Chư Yang Sin, rừng đặc dụng Nam Ka với hệ thống động thực vật phong phú, thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm…

Cùng với đó, huyện Lắk cũng nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, kèm theo đó là cả một hệ thống tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa có liên quan đến voi, hình thành nên một “dòng” văn hóa về voi. Các hoạt động du lịch gắn với voi khá hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt là khách ngoại quốc với các hình thức như: tham quan rừng, các khu sinh thái tự nhiên, buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số bằng voi; các lễ hội văn hóa liên quan đến voi…

Khách du lịch ngắm cảnh hồ Lắk.
Khách du lịch ngắm cảnh hồ Lắk.

Về tiềm năng du lịch nhân văn, Lắk có hệ thống di tích lịch sử văn hóa, cách mạng gắn với hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp. Biệt điện Bảo Đại là nơi in dấu ấn vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam; di tích lịch sử cấp tỉnh Hang đá Ba tầng là căn cứ địa cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, là nơi lưu giữ những dấu tích về một thời lịch sử hào hùng.

Ngoài ra, Lắk còn có các làng nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, làm rượu cần, làm gốm… tạo ra những sản phẩm, đồ lưu niệm đặc sắc, riêng biệt của đồng bào dân tộc M’nông.

“Đánh thức” tiềm năng

Với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn của huyện vào năm 2025 và phấn đấu xây dựng trung tâm huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh vào năm 2030, nhiệm kỳ tới, huyện Lắk sẽ có chiến lược dài hạn “đánh thức” tiềm năng ngành du lịch. Trước hết, sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch ngang tầm với điều kiện, tiềm năng sẵn có.

Cụ thể là sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch, giải phóng mặt bằng khu vực ven hồ Lắk để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, khuyến khích người dân tham gia phát triển du lịch. Cùng với đó, huyện sẽ tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông kết nối hồ Lắk.

Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2200/QĐ-UBND, ngày 26-9-2012 của UBND tỉnh, tổ chức thực hiện đầu tư dự án Khu du lịch Hồ Lắk đảm bảo tiến độ, theo phân kỳ đầu tư của tỉnh. Xây dựng bến cập tàu, thuyền du lịch tại các điểm đã quy hoạch như bến thuyền buôn Jun, bến thuyền ngã ba hồ Xuân Hương, bến thuyền xung quanh hồ Lắk. Tổ chức thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn, phát huy hiệu quả tuyến du lịch TP. Buôn Ma Thuột - Lắk - Lâm Đồng.

Ngoài ra, sẽ ưu tiên tập trung phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch thân thiện với voi, du lịch trên thuyền độc mộc... Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn gắn với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức hai năm một lần như: Lễ hội cồng chiêng, Lễ đua thuyền độc mộc, Lễ đua voi…

Đồng chí Bùi Trọng Nghĩa (áo trắng), Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lắk giới thiệu Khu nghỉ dưỡng Lak Tented Camp cho du khách.
Đồng chí Bùi Trọng Nghĩa (áo trắng), Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lắk giới thiệu Khu nghỉ dưỡng Lak Tented Camp cho du khách.

Bí thư Huyện ủy Lắk Võ Ngọc Tuyên cho biết, để ngành du lịch huyện Lắk phát triển, ngoài nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân và chính quyền các cấp trên địa bàn, thời gian tới địa phương mong muốn nhận được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh ưu tiên nguồn vốn ngân sách để đầu tư đường giao thông vòng quanh hồ Lắk, từ đó thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư các khu, điểm du lịch ven hồ. Đồng thời, sớm đầu tư mở rộng Quốc lộ 27 từ huyện Cư Kuin đến thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) tạo điều kiện cho người dân và du khách đi lại thuận lợi, dễ dàng. Cùng với đó, tích cực quảng bá hình ảnh du lịch trên các kênh truyền thông, truyền hình đến với đông đảo du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.

Trong 5 năm (2015 - 2020) huyện Lắk đón tiếp 102.000 lượt khách du lịch, tăng hơn 9% so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, khách quốc tế đạt 47.972 lượt, khách nội địa đạt 54.028 lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 26,8 tỷ đồng, tăng 4,1% so với giai đoạn 2011 - 2015.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.