Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2020

08:41, 08/07/2020

Mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2020 vẫn tiếp tục có bước phát triển, nhiều chỉ tiêu đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, nhiệm vụ còn lại trong những tháng cuối năm là khá lớn, cần có những giải pháp quyết liệt, tạo đột phá…

Nhiều ảnh hưởng do dịch Covid-19

Theo báo cáo của UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ mười HĐND tỉnh khóa IX, trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán diễn biến phức tạp, nhất là dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình thực hiện nhiệm vụ ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm. 

Sản xuất thép tại Công ty CP Thép Đông Nam Á, Khu Công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột.  Ảnh: Hoàng Gia
Sản xuất thép tại Công ty CP Thép Đông Nam Á, Khu Công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Cụ thể là lượng hàng tồn kho nhiều; hoạt động xuất, nhập khẩu bị ảnh hưởng lớn, kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện giảm 16,67%; kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện giảm 56,67% so với cùng kỳ. Các hoạt động du lịch, thương mại, vận tải, một số nhà máy sản xuất công nghiệp tạm thời bị gián đoạn hoặc hoạt động cầm chừng từ tháng 2 đến tháng 4-2020 do giảm thị trường tiêu thụ sản phẩm, giảm lao động tạm thời do thực hiện công tác phòng dịch. 

Việc thu hút đầu tư còn hạn chế; số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, giải thể tăng 20,99% so với cùng kỳ. Các hoạt động lễ hội, thể thao, tổ chức sự kiện phải tạm dừng hoặc hủy bỏ. Học sinh trên địa bàn tỉnh sau kỳ nghỉ dài ngày nhiều em đã không trở lại trường; việc điều chỉnh giảm tải chương trình học đã gây khó khăn cho dạy và học của thầy cô giáo cũng như các em học sinh, cá biệt có trường học đã cắt giảm chương trình sai quy định, tạo dư luận không tốt trong xã hội…

Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, tác động từ chính sách của nhà nước và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã làm nguồn thu thuế giảm mạnh. Việc nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh, cộng với các biện pháp ưu đãi về thuế như: gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đã và sẽ làm chỉ tiêu thu ngân sách của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số tồn tại, hạn chế như: tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt yêu cầu so với kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 của tỉnh; tình hình khô hạn kéo dài những tháng đầu năm và dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bùng phát trên một số địa bàn trọng điểm; tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và công tác giải ngân thực hiện quá thấp… cũng là những vấn đề cần lưu ý, giải quyết trong thời gian tới.

Tập trung xử lý các “điểm nghẽn”, “nút thắt”

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Những đánh giá: Do tác động của dịch Covid-19 nên dự báo tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2020 chỉ thực hiện đạt khoảng 10 - 10,5%; trong khi theo kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2020 là 11%. Rõ ràng nhiệm vụ còn lại trong 6 tháng cuối năm là khá nặng nề và khó thực hiện. UBND tỉnh cần đánh giá sát hiện trạng để điều chỉnh kịp thời các hoạt động quản lý, điều hành, xây dựng kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm.

 
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong 6 tháng cuối năm là vô cùng khẩn trương và cấp thiết để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn để cải thiện tình trạng này; xác định rõ nguyên nhân ách tắc ở khâu nào để có biện pháp xử lý quyết liệt, hiệu quả…”.
 
Phó Bí thư Tỉnh, ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Biêr Niê


“Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 của tỉnh là 11%, UBND tỉnh cần xây dựng kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm. Do vậy, trong thời gian tới UBND tỉnh cần phải tập trung giải quyết giải ngân vốn đầu tư công; đôn đốc các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng đền bù, phê duyệt điều chỉnh dự án, tổ chức đấu thầu để tổ chức thi công. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào những dự án lớn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án năng lượng mặt trời, điện gió; kích cầu du lịch cũng như thúc đẩy phát triển sản xuất ở ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…”, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Những nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, các đại biểu HĐND tỉnh cũng cho rằng cần tập trung xử lý các “điểm nghẽn”, “nút thắt”, đặc biệt là về đất đai, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư công trọng điểm trên địa bàn tỉnh có khả năng tác động lan tỏa, lưu thông kinh tế - xã hội cả khu vực; quan tâm đầu tư và sớm đưa vào sử dụng các tuyến giao thông quan trọng, các công trình năng lượng tái tạo và các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, ưu tiên đẩy mạnh sản xuất, gia tăng giá trị các lĩnh vực: nông, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, logictics để bù đắp cho các lĩnh vực bị suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như: thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xuất khẩu; mở rộng quy mô, phát huy tối đa công suất các ngành hàng, lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19: thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng; tích cực huy động mọi nguồn lực, vận động tài trợ ODA, NGO, thu hút FDI đầu tư vào tỉnh; thực hiện kịp thời và đúng tiến độ vốn các chương trình mục tiêu quốc gia… nhằm đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra từ đầu năm.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.